Cuộc họp thường niên đối thoại về giám sát biến động rừng giữa mạng lưới FCIM và các cơ quan chính quyền địa phương
Sáng nay 27/5, Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị và Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ rừng và Đa dạng Sinh học tổ chức cuộc họp thường niên đối thoại về giám sát biến động rừng giữa mạng lưới FCIM và các cơ quan chính quyền địa phương.
Tại buổi đối thoại, đại diện chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm trên địa bàn và các thành viên tổ giám sát độc lập biến động rừng tại 3 địa phương hưởng lợi từ dự án đã chia sẻ về những lợi ích cũng như khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Kể từ khi được triển khai, dự án “Đối thoại phát triển rừng bền vững ở Việt Nam” đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân địa phương trong việc giám sát, báo cáo biến động rừng không mong muốn và nhận thức được lợi ích của việc thực hiện công tác giám sát và quản lý rừng bền vững.
Tăng cường khả năng đối thoại và tổ chức đối thoại về kết quả giám sát biến động rừng tại địa phương của các tổ chức xã hội với Cơ quan quản lý nhà nước về Lâm nghiệp, làm tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác bảo vệ rừng, hạn chế tối đa sự suy thoái rừng trên địa bàn.
Được biết, Dự án “Đối thoại phát triển rừng bền vững ở Việt Nam” được Trung tâm phát triển nông thôn bền vững phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Hội Khoa học kỹ thuật Bảo vệ rừng và Đa dạng sinh học tỉnh đã phối hợp thực hiện từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2022 trên địa bàn 3 xã Ba Nang, Đakrông, Hướng Hiệp (huyện Đakrông) với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa các tổ chức xã hội, cộng đồng và cơ quan quản lý nhà nước để tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực lâm nghiệp ở huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Sau 2 năm triển khai, dự án đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Thành lập Tổ công tác giám sát độc lập biến động rừng (viết tắt là FCIM) gồm 40 thành viên từ cấp huyện, cấp xã và cấp thôn và là các thành viên chủ chốt trong 12 tổ tuần tra rừng; thiết kế và tập huấn sử dụng phần mềm CFMS phục vụ giám sát biến động rừng cho 12 Tổ tuần tra rừng của 3 xã; hàng tháng tổ chức tuần tra điểm biến động và tuần tra định kỳ và kết quả tuần tra được gửi lên hệ thống, giúp cơ quan chức năng nắm bắt được tình trạng biến động rừng, từ đó đề ra biện pháp ngăn chặn kịp thời, giúp công tác bảo vệ rừng được tốt hơn.