Cuộc khủng hoảng đầu tiên của tân chủ tịch Barca

Chủ tịch Joan Laporta của Barca đối mặt với áp lực lớn trong việc giữ chân Lionel Messi, khi một cộng sự được kỳ vọng của ông đột ngột rút khỏi dự án.

Tuần tới, Laporta chính thức tiếp quản công việc tại Barcelona. Nhưng chỉ vài ngày trước khi Laporta ngồi vào ghế chủ tịch, cộng sự quan trọng của ông là Jaume Giro Ribas đột ngột xin rút khỏi ekip.

Giro, người từng là phó Giám đốc ngân hàng nổi tiếng CaixaBank, lẽ ra sẽ ngồi vào ghế Phó chủ tịch tài chính Barca. Việc thoái lui của doanh nhân 57 tuổi này được coi là cuộc khủng hoảng đầu tiên mà Laporta gặp phải trên cương vị chủ tịch Barca.

Khoản nợ khổng lồ

Giro được giới kinh tế Tây Ban Nha đánh giá cao, và là một trong những nhân tố có thể tái thiết đội bóng xứ Catalonia. Laporta đối mặt bài toán khó khi phải giải quyết đống đổ nát về tài chính mà những người tiền nhiệm để lại.

 Giro (phải), đột ngột rút khỏi ekip của Laporta, để lại khoảng trống lớn về nhân sự cho tân chủ tịch Barca. Ảnh: Getty.

Giro (phải), đột ngột rút khỏi ekip của Laporta, để lại khoảng trống lớn về nhân sự cho tân chủ tịch Barca. Ảnh: Getty.

Cuối tháng 1 vừa qua, Barca công bố báo cáo tài chính cuối năm. Đội bóng này nợ ngập đầu, thậm chí có nguy cơ phá sản. Barca đang nợ tổng cộng 1,173 tỷ euro. Trong đó, có 730 triệu euro là nợ ngắn hạn.

Quỹ lương của đội bóng này phình to trong nhiều năm qua, gây áp lực lên ngân sách. Số tiền Barca dùng để trả lương cho cầu thủ chiếm tới 61% tổng nguồn thu (KPMG), cao nhất trong số các đại gia bóng đá châu Âu.

Các bản hợp đồng tốn nhiều tiền của như Philippe Coutinho, Ousmane Dembele hay Antoine Griezman không đáp ứng được kỳ vọng, khiến giá trị trên thị trường của mỗi cầu thủ sa sút.

Bài toán tài chính là một trong những vấn đề hóc búa nhất Laporta phải giải khi lên nắm quyền ở Barca. Ban đầu, Giro được kỳ vọng có thể giúp Laporta giải bài toán đó.

Trang chủ Barcelona thông báo Giro rút khỏi ê-kíp ủa Laporta bởi lý do cá nhân. Tuy nhiên, các nguồn tin của Sports bình luận những quan điểm khác biệt về cách quản trị tài chính của Barca sau chiến thắng ở cuộc bầu cử, mới là lý do lớn nhất khiến Giro rút đi.

“Laporta đã có cuộc khủng hoảng đầu tiên”, Sports giật tít. Giro được cho đã phản đối các kế hoạch được Ferran Reverter, người sẽ là CEO của Barca dưới thời Laporta, đề ra.

El Mundo bình luận việc Giro đột ngột rút là tổn thất lớn với đội ngũ của tân chủ tịch Barca. Ai sẽ là người thay thế doanh nhân 57 tuổi để cấu trúc lại tài chính Barca, kiếm hợp đồng tài trợ và lèo lái Barca thoát khỏi khủng hoảng về tiền bạc?

Laporta, người không xuất thân là dân kinh tế và khiến Barca chịu khoản nợ lớn một thập niên trước, sẽ cần tìm một phó chủ tịch khác.

Laporta được xem là một trong những chủ tịch thành công nhất của Barca. Trong 7 năm làm chủ tịch đội bóng từ 2003-2010, ông giúp Barca giành 4 chức vô địch La Liga, 1 Cúp nhà Vua và 2 chức vô địch Champions League.

Nhưng ở một khía cạnh khác, Laporta cũng được xem là người đặt nền móng cho cuộc khủng hoảng tài chính của Barca hiện tại.

Mùa hè 2008, Laporta suýt phải rời ghế chủ tịch Barca sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Đến năm 2010, Laporta rời ghế Chủ tịch Barca, để lại tình hình tài chính bi đát. Barca lỗ 77 triệu euro trong năm tài chính cuối cùng dưới thời Laporta, theo báo cáo của công ty kiểm toán Deloitte.

Những người kế nhiệm Laporta như Sandro Rosell hay Josep Bartomeu chỉ tiếp nối cuộc khủng hoảng đó. Giờ thì Laporta trở lại, với trọng trách giải quyết khoản nợ đầm đìa mà Bartomeu để lại.

Mọi thứ không hề đơn giản với Laporta. Tương lai Messi đang nóng dần lên, thổi vào chiếc ghế chủ tịch còn chưa ngồi trở lại của Laporta.

 Giữ chân Messi có thể mang đến áp lực tài chính lớn cho Barca. Ảnh: Getty.

Giữ chân Messi có thể mang đến áp lực tài chính lớn cho Barca. Ảnh: Getty.

Áp lực giữ chân Messi

Hợp đồng của Messi với Barca hết hạn vào tháng 6/2021. Laporta dự tính sẽ giải quyết dứt điểm tương lai của siêu sao người Argentina trong tháng này. Kênh truyền hình Argentina TNT Sports tiết lộ Laporta sẽ gặp ông Jorge Messi, cha của Leo, vào tuần tới.

Trung tuần tháng 3 cũng là thời điểm PSG và Man City, hai đội bóng quan tâm Messi, khởi động các kế hoạch thuyết phục cầu thủ. Nếu Man City có vẻ im ắng trong thời gian qua, PSG lại gây ra nhiều ồn ào.

Ngày 12/3, nhà báo Marcelo Bechler, người đầu tiên tiết lộ vụ Neymar sang PSG, đưa tin đội bóng nước Pháp tỏ ra lạc quan về khả năng chiêu mộ Messi. Ban lãnh đạo PSG sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để thuyết phục Messi về Paris chơi bóng.

La Repubbica (Italy) còn tiết lộ các cầu thủ PSG đã nói chuyện với nhau rằng đây là lần cuối họ phải đối đầu với Messi trên tư cách đối thủ. Phòng thay đồ PSG có 2 cầu thủ chơi thân với Messi là Angel di Maria và Neymar, họ là những người gần đây hay lên báo quyến rũ đội trưởng Barca.

Sức ép đổ dồn vào Laporta, người từng hứa với các cổ động viên Barca sẽ đưa ra lời đề nghị khiến Messi “không thể từ chối”. Nhưng vấn đề với Laporta là tiền ở đâu ra?

Tình hình tài chính khó khăn khiến Barca phải cân đo đong đếm trong việc ký hợp đồng mới với bất cứ cái tên nào. Messi không là ngoại lệ. Đến khi hợp đồng hiện tại của Messi với Barca hết hạn, đội bóng xứ Catalonia sẽ trả đủ 555 triệu euro trong 4 năm qua.

Đó là một khoản tiền lương khổng lồ với mọi đội bóng, kể cả Barca. Khi hợp đồng của Messi bị lộ vào cuối tháng 1, Laporta đứng lên bảo vệ cầu thủ với tuyên bố “Messi mang về 1/3 tổng doanh thu cho Barca".

“Barca lâm vào khủng hoảng tài chính không phải do Messi. Cậu ấy mang về nhiều hơn con số CLB phải chi ra", Laporta khẳng định.

Nhưng đó là những lời hứa trước khi Laporta trúng cử. TNT Sports tiết lộ Laporta có thể đề nghị Messi ký hợp đồng mới 3 năm, mức thu nhập của siêu sao người Argentina không tăng, thậm chí có thể giảm chút ít so với hiện tại.

Cuối năm ngoái, Chủ tịch tạm quyền của Barcelona, Carles Tusquets thừa nhận rằng nếu có quyền, ông đã bán đi Messi vào mùa hè 2020 bởi đó là một điều tốt cho đội bóng xét về khía cạnh kinh tế.

Mundo Deportivo khẳng định Erling Haaland (có giá khoảng 100 triệu euro) là bom tấn duy nhất được Laporta nhắm đến trong mùa hè 2021. Tất cả những mục tiêu còn lại của Barca trong phiên chợ hè tới đều sẽ có giá rẻ hoặc đến theo dạng chuyển nhượng tự do.

Điều này phù hợp với tình hình tài chính hiện tại của Barca. Họ sẽ phải bán rồi mới mua, và “liệu cơm gắp mắm” tùy tình hình. Laporta chắc chắn sẽ dựa vào mối quan hệ thân thiết với gia đình Messi để thuyết phục cầu thủ.

Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra nếu Barca không thể cho Messi khoản thu nhập mà anh mong muốn? Barca có thể trải qua một mùa giải thất bại nữa về mặt danh hiệu, và liệu Messi có sẵn lòng giảm lương để ở lại một đội bóng đang sa sút về mặt thể thao so với PSG hay Man City?

Dù có giữ chân được Leo, thử thách cho Laporta chỉ mới bắt đầu. Cuộc khủng hoảng tài chính của Barca có thể nuốt chửng mọi nhà lãnh đạo của đội bóng.

Chủ tịch Barca động viên Messi trước trận gặp PSG Ông Joan Laporta động viên siêu sao Lionel Messi và các đồng đội trước khi lên đường sang Pháp gặp PSG ở lượt về vòng 16 đội Champions League.

Hồng An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-khung-hoang-dau-tien-cua-tan-chu-tich-barca-post1192965.html