Cuộc khủng hoảng Hormuz - 'Phép thử' liên minh giữa Mỹ và châu Âu

Lời kêu gọi thiết lập phái bộ hải quân của Mỹ được cho là phép thử về mối quan hệ giữa nước này và các đồng minh châu Âu.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức gửi yêu cầu tới Đức, Pháp và Anh tham gia phái bộ để bảo vệ Eo biển Hormuz, trong bối cảnh có các sự cố đối với tàu chở dầu trong khu vực gần đây. Lời kêu gọi thiết lập phái bộ hải quân của Mỹ được cho là phép thử về mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu.

Cuộc khủng hoảng Hormuz được coi là "phép thử” liên minh giữa Mỹ và châu Âu. Ảnh: Reuters

Đức hôm qua (31/7) đã thẳng thừng từ chối không tham gia phái bộ do Mỹ đề xuất. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết;

“Đức sẽ không tham gia vào phải bộ hải quân do Mỹ dẫn đầu. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác Pháp. Chúng tôi coi chiến lược gia tăng sức ép là sai lầm, không muốn leo thang quân sự và sẽ tiếp tục ủng hộ con đường ngoại giao”.

Không giống như Pháp và Anh, việc triển khai của Đức phải được Quốc hội thông qua và gần như tất cả các lực lượng chính trị hiện đều phản đối tham gia vào sứ mệnh do Mỹ dẫn dắt chống lại Iran.
Pháp hiện vẫn chưa đưa ra quyết định. Pháp nhận nhiều dầu thô từ Vịnh Persic với Saudi Arabia là nhà cung cấp hàng đầu. Không giống như Đức, Pháp có lợi ích trực tiếp trong khu vực và điều này giải thích một phần cho thái độ do dự của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chưa thông báo quyết định.

Anh được coi là thành viên tiềm năng nhất trong đề xuất của Mỹ, trong bối cảnh Iran tiếp tục giữ một tàu chở dầu mang cờ nước này và Saudi Arabia vẫn là nhà cung cấp chính trong ngành nhiên liệu hàng không của Anh. Trong bối cảnh Anh đang ra khỏi Liên minh châu Âu và đặc biệt dưới thời tân Thủ tướng Boris Jonhson cho thấy khả năng Anh có thể sẵn sàng tham gia vào bất cứ chiến dịch nào của Mỹ.

Có nhận định cho rằng Mỹ khó có khả năng bảo vệ Eo biển Hormuz nếu không có bất cứ sự trợ giúp nào từ châu Âu. Tuy nhiên, điều khó khăn hơn đó là sẽ phơi bày một thực tế về lỗ hổng trong liên minh xuyên Đại Tây Dương. Sự thận trọng của các đồng minh đối với một đề nghị đơn thuần của Mỹ là đảm bảo tuyến đường hàng hải, chứ chưa phải là một đề xuất chiến tranh toàn diện, cho thấy sự lỏng lẻo trong mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các nước chủ chốt trong NATO./.

Phạm Hà/VOV1 (biên dịch)
Theo Bloomberg

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-khung-hoang-hormuz-phep-thu-lien-minh-giua-my-va-chau-au-938935.vov