Cuộc khủng hoảng nhà ở chính sách cho gia đình quân nhân Mỹ

Các quân nhân Mỹ từ trước đến nay có hai sự lựa chọn nếu muốn sống gần với gia đình: Hoặc là người thân họ sống trong những căn nhà chính sách xây bên trong căn cứ, hoặc họ nhận một khoản tiền trợ cấp để tìm nhà bên ngoài.

Trong những năm gần đây, giá đất và chi phí thuê nhà ở Mỹ liên tục tăng, vậy nên ngày càng có nhiều gia đình quân nhân trông chờ vào nhà ở chính sách. Vậy nhưng hàng loạt vấn đề khác nhau đang “bủa vây” các gia đình binh sỹ muốn tìm được một chỗ ở ổn định.

Không có đủ nhà

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, Chính phủ Mỹ đã có một số chương trình xây dựng nhà ở chính sách trong căn cứ cho gia đình quân nhân. Vấn đề là những chương trình này như dự án Werry (1950) và dự án Capehart (1960) mang tính chất ngắn hạn, chỉ xây dựng được dưới 15.000 ngôi nhà trong khuôn khổ mỗi dự án. Vào thời điểm ấy con số này hoàn toàn chấp nhận được bởi vì hầu hết quân nhân Mỹ là lính nghĩa vụ, vẫn còn trẻ và chưa lập gia đình. Thời ấy chỉ có gia đình các cấp sỹ quan mới sống trong nhà ở chính sách.

Vì thiếu nhà ở, nhiều gia đình quân nhân phải sống trong những chiếc xe RV như trên.

Vì thiếu nhà ở, nhiều gia đình quân nhân phải sống trong những chiếc xe RV như trên.

Chiến tranh Việt Nam buộc quân đội Mỹ phải kết thúc chính sách bắt lính nghĩa vụ. Từ thời điểm đó trở đi mọi quân nhân Mỹ đều là lính chuyên nghiệp tình nguyện tham gia quân đội. Một hậu quả do quyết định này gây ra là số quân nhân có gia đình tăng lên đột ngột. Nếu như trong năm 1955 chỉ có 42% binh sỹ Mỹ có gia đình thì con số này đã nhảy vọt lên 56% năm 2015, trong đó 39% là gia đình có con trẻ. Nhu cầu nhà ở của các gia đình quân nhân đã vượt quá quỹ nhà ở tại các căn cứ.

Giới chức Mỹ nhận ra vấn đề này ngay từ thập niên 1980. Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc CIA Leon Panetta khi đó còn là một nghị sỹ đã dẫn đầu một nhóm các nhà lập pháp kiến nghị chính phủ mở rộng chương trình xây dựng nhà ở chính sách.

Tuy yêu cầu của họ được Washington D.C. đồng ý, nhưng mức tăng nguồn vốn cho các chương trình nhà ở vẫn ở mức nhỏ giọt, không bắt kịp với yêu cầu thực tế. Ước tính quân đội Mỹ sẽ phải xây thêm hơn 110.000 ngôi nhà mới có thể giải quyết “cơn khát” nhà ở cho gia đình quân nhân.

Một gia đình nếu muốn được ở nhà chính sách sẽ phải chờ rất lâu. Hồi đầu tháng 7 này, căn cứ Fort Bragg (bang North Carolina) mới giải quyết đơn xin ở nhà chính sách từ năm 2011 của một số gia đình. Họ vẫn còn hơn 900 hồ sơ các trường hợp khác đang chờ được giải quyết. Người phát ngôn của Văn phòng Nhà ở tại Fort Bragg trả lời báo chí: “Chúng tôi đang tìm mọi cách để giúp đỡ các gia đình binh sỹ tìm được nơi ở ổn định, nhưng hiện nay trong căn cứ không còn căn nhà nào còn trống cả… Chúng tôi mong rằng chính phủ sẽ sớm tăng các khoản trợ cấp mua và thuê nhà dành cho binh sỹ để có thể giảm bớt gánh nặng nhà ở”.

Đối diện với việc thiếu nhà ở nghiêm trọng, một số căn cứ đã phải cho phép gia đình quân nhân sống trong những chiếc xe RV. Không những việc một gia đình ba, bốn người phải chen chúc nhau trong một chiếc xe đã là khó chịu lắm, nhưng với nền thời tiết ngày càng nóng lên ở Mỹ, cuộc sống của các gia đình này hiện vô cùng khổ cực.

Nhà thầu vô trách nhiệm

Nhà ở chính sách tại các căn cứ Mỹ phần lớn được xây bởi những nhà thầu tư nhân. Từ hơn 20 năm trở lại đây, một số doanh nghiệp này còn đảm nhận trách nhiệm cho thuê và quản lý, tu sửa những căn nhà mình đã dựng lên. Trong bối cảnh giá thành vật liệu và chi phí nhân công ngày càng tăng, họ đang “hy sinh” chất lượng công trình nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Sau một series phóng sự điều tra do hãng tin Reuters thực hiện năm 2012, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải cử các đoàn thanh tra tìm hiểu về tình hình nhà ở. Kết quả việc thị sát gần 50 căn cứ tại Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Afghanistan và Jordan được họ công bố trong một báo cáo xuất bản năm 2016.

Theo báo cáo này, hầu hết các căn nhà được thị sát đều có vấn đề về đường điện, đường nước không được xây dựng đúng tiêu chuẩn. Khoảng 40% nhà bị dột và 31% có ván sàn bị mối mọt nghiêm trọng. Hơn một nửa nhà ở chính sách có hàm lượng khí Radon vượt quá ngưỡng cho phép. Khí Radon từ lâu đã được WHO liệt vào danh sách các tác nhân gây ung thư phổi nguy hiểm nhất, vậy nhưng vẫn có một số loại vật liệu xây dựng kém chất lượng sẽ thải ra khí Radon theo thời gian.

Bản báo cáo được công bố đã thúc đẩy các gia đình quân nhân nói ra nỗi khổ bấy lâu nay họ chịu đựng trong im lặng. Một nhóm các gia đình binh sỹ lính thủy đánh bộ đóng tại thành phố San Diego đã đệ đơn kiện công ty Lincoln Military Housing vì tội “thiếu trách nhiệm trong xây dựng”.

April Huffman, vợ của một đại úy và người đứng đầu đơn kiện, cho biết: “Ngay ngày đầu tiên chuyển vào nhà, tôi đã nhận ra những chỗ tường bị bở ra, lại còn bốc mùi khó chịu. Sau đó vài tuần thì các con tôi bị ho liên tục và thường xuyên phải nhập viện. Bác sỹ cho biết con tôi đã bị nhiễm độc do hít phải bào tử mốc”.

Đúng như April đoán, bên dưới những chỗ tường nhà cô bị bở ra là một lớp mốc dày. Điều này đáng lẽ đã không xảy ra nếu như nhà thầu sử dụng vật liệu chất lượng và làm tốt công tác chống thấm trong lúc xây dựng. Sau khi thu thập đủ chứng cứ, April và các gia đình quân nhân khác mới đệ đơn kiện Lincoln Military Housing. Vụ kiện tuy vậy vẫn đang bị mắc kẹt ở tòa do sự cản trở của bên bị đơn. Lincoln Military Housing đã đệ đơn kiện phản lại các gia đình với những lý do vô lý nhất. Chưa hết, nhân viên của công ty còn thường xuyên có hành vi quấy rầy các gia đình, ví dụ như lái xe đến trước cửa nhà họ lúc sáng sớm rồi bật loa phát nhạc thật to.

Khi những trường hợp tương tự xảy ra, quân đội Mỹ rất khó can thiệp do theo thể chế hiện hành, việc quản lý nhà giao toàn quyền cho công ty tư nhân quản lý. Chưa hết, kể cả trong trường hợp quân đội hay bản thân các gia đình muốn tự mình chi tiền ra sửa chữa nhà cũng không được trừ khi họ có sự đồng ý của công ty quản lý. Nhiều lãnh đạo cấp cao trong quân đội đã bày tỏ quan điểm rằng chính phủ nên có chính sách mới giúp quân đội bảo vệ tốt hơn các gia đình quân nhân trong vấn đề nhà ở, vậy nhưng đến nay Nhà Trắng vẫn chưa có động tĩnh gì. Rất có thể cuộc khủng hoảng nhà ở cho quân nhân Mỹ sẽ còn kéo dài trong tương lai gần mà không có hướng giải quyết ổn thỏa.

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/cuoc-khung-hoang-nha-o-chinh-sach-cho-gia-dinh-quan-nhan-my-i622354/