'Cuộc khủng hoảng' thuốc kháng sinh
Công nghệ chỉnh sửa gene thắp hy vọng cho nhiều bệnh nhân
(HNM) - Theo số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, tình trạng kháng thuốc kháng sinh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khoảng 35.000 trường hợp tử vong mỗi năm tại nước này, đồng thời khiến 2,8 triệu người khác bị ảnh hưởng sức khỏe.
Liên hợp quốc dự báo, tình trạng này có thể cướp đi sinh mạng của 10 triệu người vào năm 2050 nếu không có phương pháp chữa trị mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng thì việc tìm kiếm những loại thuốc mới lại ít được đầu tư phát triển sẽ dẫn tới cuộc khủng hoảng về loại thuốc này.
Cách đây 20 năm, chỉ có 2 nhóm kháng sinh mới được giới thiệu và trở thành nguồn gốc của hầu hết các loại thuốc hiện có. Trong những năm 1980, có tổng cộng 18 công ty dược lớn trên thế giới nghiên cứu phát triển thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, những khó khăn trong việc tìm ra hợp chất mới, chi phí đầu tư khổng lồ cùng với khả năng thu hồi vốn thấp khiến nhiều công ty rút khỏi thị trường. Tiến sĩ David Shlaes, cựu Phó Chủ tịch Công ty Dược phẩm Wyeth (Mỹ), thành viên Hội đồng quản trị của Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển kháng sinh toàn cầu cho rằng, số tiền để tìm ra một loại kháng sinh mới có thể lên tới 2,6 tỷ USD. Phần lớn chi phí đó phục vụ cho quá trình nghiên cứu, bên cạnh các khoản đầu tư cần thiết để tìm hiểu thị trường, tiếp thị, phân phối…
Một trường hợp điển hình là Công ty Công nghệ sinh học Achaogen có trụ sở tại bang California (Mỹ). Hãng này đã dành 15 năm và đầu tư khoảng 1 tỷ USD cho việc phát triển và có được sự chấp thuận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đối với Zemdri - một loại thuốc kháng sinh dành cho bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu khó điều trị. Tháng 7-2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thêm Zemdri vào danh sách những loại thuốc mới cần thiết. Tuy nhiên, quá trình đầu tư nghiên cứu kéo dài và tốn kém khiến Achaogen thậm chí không còn nguồn tiền để chi cho các hoạt động quảng cáo, đưa thuốc ra thị trường và đã phải tuyên bố phá sản vào tháng 4-2019.
Bên cạnh đó, dù đã được đưa ra thị trường, không có gì bảo đảm những loại thuốc kháng sinh mới sẽ giúp các hãng dược phẩm thu về lợi nhuận như kỳ vọng. Ví dụ, một liệu trình điều trị sử dụng Xerava - loại thuốc kháng sinh mới được chỉ định cho các bệnh nhiễm trùng đa kháng thuốc - có giá lên tới 2.000 USD, cao hơn gấp nhiều lần so với các loại kháng sinh cơ bản vốn chỉ có giá vài USD. Tetraphase là công ty sản xuất ra Xerava, có trụ sở tại bang Massachusetts (Mỹ) đã phải mất tới hơn một thập kỷ để phát triển loại thuốc này nhưng lại gặp những trở ngại không mong muốn trong việc quảng bá sản phẩm ra thị trường. Cổ phiếu của hãng hiện ở mức 2 USD/cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với mức 40 USD cách đây 1 năm.
Bài học của các hãng trên khiến những “gã khổng lồ” trong ngành dược của thế giới như Novartis (Thụy Sĩ) hay Allergan (Ireland) dần rời bỏ việc tìm ra các loại kháng sinh mới còn các công ty đang theo đuổi mục tiêu trên phải vật lộn với khó khăn để tồn tại.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/954731/cuoc-khung-hoang-thuoc-khang-sinh