Cuộc khủng hoảng văn phòng xuất phát từ Elon Musk

Hai văn hóa làm việc đối lập ở xứ cờ hoa đã xung đột sau khi Elon Musk nắm quyền CEO Twitter.

Văn hóa làm việc của Mỹ đang gặp khủng hoảng về việc xác định bản sắc riêng, CNN nhận định.

Liệu họ là kiểu người nghiến răng nỗ lực (rise and grind) hay nghỉ việc thầm lặng (quiet quitting)?

Có phải họ trở nên “siêu nỗ lực” đến mức sẵn sàng ngủ lại ở văn phòng như cách Elon Musk và Sam Bankman-Fried đã làm gương?

Hay họ đang phát triển, nhận ra sự độc hại của văn hóa hối hả và cuối cùng đã thiết lập ranh giới với công việc?

 Giám đốc quản lý sản phẩm Twitter Esther Crawford được bắt gặp ngủ trên sàn nhà ở công ty rạng sáng 3/11. Ảnh: @evanstnlyjones.

Giám đốc quản lý sản phẩm Twitter Esther Crawford được bắt gặp ngủ trên sàn nhà ở công ty rạng sáng 3/11. Ảnh: @evanstnlyjones.

Sau 6 tuần hỗn loạn kể từ khi Musk nắm quyền lãnh đạo Twitter, hai lý tưởng làm việc đối lập, dù đều bắt nguồn từ văn hóa khởi nghiệp Thung lũng Silicon, đã tạo ra xung đột.

Hàng trăm nhân viên đã bỏ việc nhằm đáp lại tối hậu thư của tỷ phú giàu nhất thế giới yêu cầu họ cam kết “làm việc nhiều giờ với cường độ cao”. Trong khi đó, nhiều người chọn ở lại, thậm chí áp dụng phương pháp ngủ tại văn phòng mà CEO Tesla từng thực hiện trong quá khứ.

Văn hóa làm việc từng được tôn sùng

Tuần này, Elon Musk được cho là đã chuyển đổi một số khu vực của trụ sở Twitter (San Francisco, bang California) thành những phòng ngủ mới với đầy đủ nội thất cần thiết, theo Bloomberg.

Tuy nhiên, việc cải tạo đồng thời thu hút sự chú ý của Sở Thanh tra Xây dựng San Francisco bởi nó có thể vi phạm quy định. Trớ trêu thay, một đơn khiếu nại nặc danh được gửi tới các thanh tra thông qua hệ thống Twitter @311 của thành phố.

“Chúng tôi sẽ điều tra tất cả khiếu nại. Nếu chúng tôi thấy Suite 900 (địa chỉ trụ sở Twitter - PV) không còn đáp ứng quy định xây dựng, chúng tôi sẽ đưa ra thông báo”, Patrick Hannan, Giám đốc truyền thông của Sở Thanh tra Xây dựng, cho biết.

 Nhà sáng lập sàn giao dịch FTX cũng ca tụng văn hóa làm việc độc hại như Elon Musk. Ảnh: WSJ.

Nhà sáng lập sàn giao dịch FTX cũng ca tụng văn hóa làm việc độc hại như Elon Musk. Ảnh: WSJ.

Musk đã bác bỏ lời tuyên bố của ông Hannan bằng cách gắn thẻ tài khoản của thị trưởng thành phố San Francisco trong một tweet kèm bản tin địa phương về sự cố liên quan đến fentanyl.

“Vậy là thành phố San Francisco tấn công các công ty cung cấp giường cho những nhân viên mệt mỏi của họ thay vì đảm bảo rằng trẻ em được an toàn khỏi chất fentanyl. Ưu tiên của bà ở đâu hỡi thị trưởng?”, tỷ phú đăng tải bài viết hôm 7/12.

Ngủ tại văn phòng nghe có vẻ cực đoan, dù nó không phải điều gì mới mẻ so với logic làm việc ở Thung lũng Silicon vào những năm 2010. Văn hóa này được sao chép bởi vô số doanh nghiệp khác.

Lý tưởng chung là mang đến văn phòng những đặc quyền và tiện nghi như ở nhà. Bạn có thể tới công ty trong chiếc quần jeans và áo hoodie in logo của công ty; ghé vào căn tin tự phục vụ bữa sáng và cà phê do công ty trợ cấp; thả mình xuống chiếc ghế lười và bắt đầu làm việc, viết mã trong 12 tiếng; rồi tận hưởng giờ hạnh phúc do công ty tổ chức trước khi vào ca làm việc khác.

Nhưng bạn vẫn biết ơn những gì đang có, bởi bạn tốt nghiệp trong thị trường việc làm khắc nghiệt hậu cuộc Đại suy thoái. Liệu điều gì tồi tệ có thể xảy ra nếu bạn chỉ ngủ trên chiếc ghế lười và lặp lại toàn bộ chu trình đó vào ngày hôm sau?

 Elon Musk nói ông từng làm việc 120 giờ/tuần, ăn ngủ tại văn phòng Tesla. Ảnh: Forbes.

Elon Musk nói ông từng làm việc 120 giờ/tuần, ăn ngủ tại văn phòng Tesla. Ảnh: Forbes.

Năm 2018, Musk từng chia sẻ trên mạng xã hội rằng: “Không ai có thể thay đổi thế giới nếu chỉ làm việc 40 tiếng/tuần”. Hay Bankman-Fried, nhà sáng lập 30 tuổi của sàn giao dịch tiền điện tử hiện đã phá sản FTX, cũng hưởng ứng văn hóa cống hiến toàn bộ cho công ty.

“Nếu ngủ tại văn phòng, não tôi sẽ trong chế độ làm việc và tôi không phải tải lại mọi thứ vào ngày hôm sau”, Bankman-Fried đã tweet vào tháng 2/2021, hơn 1,5 năm trước khi đế chế hàng tỷ USD của anh sụp đổ.

Làn sóng phản đối

Một trong những nhà phê bình mạnh mẽ nhất về văn hóa làm việc này của ngành công nghệ là Dan Lyons, tác giả cuốn Lab Rats: How Silicon Valley Made Work Miserable for the Rest of Us.

“Họ cố gắng khiến bạn làm việc lâu hơn, dù có một nghiên cứu khổng lồ chỉ ra rằng nếu làm quá 60 tiếng/tuần, bạn sẽ chẳng đạt được bất kỳ năng suất nào. Nếu cứ cố chạy nước rút hết lần này đến khác, bạn sẽ không thể làm việc tiếp. Con người cần thời gian nghỉ ngơi”, Lyons chia sẻ tại Trường Kinh doanh Wharton trong một cuộc phỏng vấn năm 2019.

Tất nhiên, văn hóa làm việc hối hả kéo dài hơn thập kỷ đã tạo ra tình trạng kiệt sức và phản ứng dữ dội. Đại dịch góp phần đẩy nhanh tiến độ đó.

 Nhân viên văn phòng ở Thượng Hải ngủ lại công ty để tránh bị ảnh hưởng năng suất làm việc. Ảnh: Bloomberg, Reuters.

Nhân viên văn phòng ở Thượng Hải ngủ lại công ty để tránh bị ảnh hưởng năng suất làm việc. Ảnh: Bloomberg, Reuters.

Xu hướng ngủ tại văn phòng đã biến mất cùng với sự trỗi dậy của những trào lưu khác, gồm “nghỉ việc thầm lặng”, “làn sóng Đại Từ chức” (Great Resignation), hay “nằm yên” (tang ping). Không chỉ ở xứ cờ hoa, nhiều người lao động ở Đông Á đang từ chối văn hóa “996” - làm việc từ 9-21h suốt 6 ngày/tuần.

Không thuật ngữ nào khái quát hoàn toàn chính xác thực trạng hiện nay, nhưng chúng phản ánh cái nhìn chung rằng công việc đã bắt đầu độc chiếm thời gian của mọi người.

“Thật không dễ để xác định chính xác phong trào khiến y tá đình công, còn vũ công thoát y, công nhân kho Amazon và nhân viên ngân hàng Phố Wall làm việc ở nhà thành lập công đoàn. Nhưng nhìn chung, sau nhiều thập kỷ cúi đầu trước công việc, người Mỹ cuối cùng đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc khôi phục nó về đúng vai trò trong cuộc sống con người”, Helaine Olen chia sẻ trong bài bình luận cho The Washington Post.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-khung-hoang-van-phong-xuat-phat-tu-elon-musk-post1382919.html