Cuộc 'nội chiến' trong đảng Cộng hòa

Việc ông Kevin McCarthy không thể tập hợp đủ sự ủng hộ để trở thành chủ tịch Hạ viện Mỹ đã bộc lộ sự chia rẽ của đảng Cộng hòa, cũng như báo hiệu những khó khăn họ sẽ phải đối mặt.

Đảng Cộng hòa bắt đầu kiểm soát Hạ viện Mỹ vào hôm 3/1 với một thất bại mang tính lịch sử, New York Times nhận định.

Đảng viên Cộng hòa Kevin McCarthy đã không thể gom đủ phiếu bầu để trở thành chủ tịch Hạ viện sau 3 vòng bỏ phiếu.

Việc không thể chọn ra nhà lãnh đạo đã cho thấy khó khăn mà phe Cộng hòa sẽ gặp phải khi thực hiện ngay cả những điều cơ bản trong quá trình lãnh đạo. Nó cũng cho thấy đảng này thiếu chương trình nghị sự thống nhất.

Sau khi giành quyền kiểm soát Hạ viện, đảng Cộng hòa đã lãng phí thời gian khai mạc của kỳ Quốc hội mới mà lẽ ra họ có thể sử dụng để xua tan những lo ngại về khả năng của mình.

Thay vào đó, họ chia rẽ về việc ai sẽ là chủ tịch Hạ viện với việc một số nghị sĩ đảng này đã nhiều lần phản đối ông McCarthy.

Tiến thoái lưỡng nan

Bất chấp vai trò nổi bật của ông McCarthy trong việc gây quỹ và giúp đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện Mỹ, cũng như sự ủng hộ của hầu hết đảng viên, khoảng 20 thành viên đảng này từ chối ủng hộ ông.

Đây là lần đầu tiên trong một thế kỷ, Hạ viện Mỹ phải bỏ phiếu nhiều lần để chọn chủ tịch Hạ viện.

Bế tắc đó nhấn mạnh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà đảng Cộng hòa tại Hạ viện phải đối mặt: Bất kể những nhượng bộ có thể nhận được, các thành viên cực hữu đơn giản là sẽ không lay chuyển và phối hợp với các đảng viên khác, ngay cả khi điều đó là vì lợi ích lớn hơn của đảng Cộng hòa và có lẽ là của nước Mỹ.

Việc không có người chiến thắng làm trì hoãn quá trình khởi động chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa và có thể báo trước những khó khăn mà đảng này phải đối mặt trong việc lập pháp.

Khi không có chủ tịch Hạ viện, các nhà lập pháp không thể tuyên thệ nhậm chức. Thế bế tắc cũng khiến cho Hạ viện chưa thể xem xét bất kỳ dự luật nào.

Cuộc bầu cử chủ tịch Hạ viện bộc lộ những rạn nứt sâu sắc trong đảng Cộng hòa về đường hướng của đảng và sự thiếu đồng thuận về việc ai sẽ lãnh đạo.

Trong khi đó, ông McCarthy và các đồng minh cho biết họ sẵn sàng thực hiện nhiều vòng bỏ phiếu nhất có thể để hạ gục các đối thủ.

 Các nghị sĩ Mỹ tập trung trong ngày đầu của Quốc hội khóa mới. Ảnh: Reuters.

Các nghị sĩ Mỹ tập trung trong ngày đầu của Quốc hội khóa mới. Ảnh: Reuters.

Nếu ông McCarthy không thể thuyết phục được những người phản đối, ứng cử viên thay thế có thể xuất hiện, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy ông sẵn sàng lùi bước, theo Wall Street Journal.

"Chúng tôi ở lại cho đến khi chúng tôi giành chiến thắng. Cuối cùng (kết quả) sẽ thay đổi", ông khẳng định.

Vào cuối ngày 3/1, khi rời Điện Capitol, ông McCarthy khẳng định bản thân đang tiếp tục đàm phán với các nhà lập pháp. Ông cũng đã tìm cách kêu gọi đối thủ gạt bỏ cảm nghĩ về ông để đảng Cộng hòa có thể tiến bước.

Tuy nhiên, nhóm bảo thủ vẫn chưa xoay chuyển. “Tôi không nghe được tin gì mới từ Kevin”, Hạ nghị sĩ Lauren Boebert, đảng viên Cộng hòa và là người phản đối ông McCarthy, cho biết.

Bên cạnh đó, Hạ nghị sĩ Jim Jordan nhận định những dự luật được các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện ủng hộ cũng khó có thể được thông qua tại Thượng viện, hiện do đảng Dân chủ kiểm soát, hoặc được Tổng thống Biden ký thành luật.

Thế đa số lung lay

Sự chia rẽ tại Hạ viện là hành động công kích mới nhất của phe cực hữu trong đảng Cộng hòa đối với lãnh đạo của chính họ tại Quốc hội trong những năm gần đây.

Vụ việc hôm 3/1 cho thấy sự không khoan nhượng và không sẵn sàng thỏa hiệp của một bộ phận đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện trong thời khắc đáng lẽ phải là chiến thắng.

Hầu hết đảng viên Cộng hòa đứng về phía ông McCarthy. Trong khi đó, những người chỉ trích ông cũng giữ vững lập trường, coi cuộc bỏ phiếu là thời điểm quan trọng để đảng đưa ra định hướng bảo thủ vững chắc hơn.

Khi các cuộc bỏ phiếu kéo dài, nhiều nhà lập pháp có lẽ đã trở nên mệt mỏi. Song phe Dân chủ dường như có tâm trạng thoải mái hơn. Hạ nghị sĩ Tony Cárdenas đã đăng một bức ảnh của Hạ nghị sĩ Jimmy Gomez với một đứa trẻ được địu trên ngực.

“Em bé này được sinh ra trong vòng bỏ phiếu đầu tiên. Bây giờ, nó đã được 4 tháng tuổi”, ông viết.

Ông McCarthy đã miễn cưỡng chấp thuận việc thay đổi những quy tắc nhằm trao cho các thành viên nhiều quyền lực hơn, bao gồm cả việc giúp dễ dàng loại bỏ chủ tịch Hạ viện, nhưng từ chối thực hiện những thay đổi khác.

 Ông McCarthy không thể gom đủ phiếu bầu để trở thành chủ tịch Hạ viện. Ảnh: New York Times.

Ông McCarthy không thể gom đủ phiếu bầu để trở thành chủ tịch Hạ viện. Ảnh: New York Times.

Bên cạnh đó, một số lượng đáng kể các nhà lập pháp đảng Cộng hòa vẫn phản đối nỗ lực của ông McCarthy vì khác biệt về tư tưởng và lý do cá nhân.

Thất bại của ông McCarthy sẽ là điều chưa từng có trong lịch sử hiện đại và nhấn mạnh tình trạng lung lay đối với thế đa số đảng Cộng hòa. Điều đó cũng nêu bật sức mạnh của phe bảo thủ, vốn đã gây rắc rối cho các nhà lãnh đạo đảng này trong thập kỷ qua.

Tình hình tại Hạ viện Mỹ hoàn toàn trái ngược với ngày khai mạc Thượng viện, nơi 7 thành viên mới đã tuyên thệ nhậm chức.

Một số đảng viên Cộng hòa thừa nhận họ đã gửi đi thông điệp tồi tệ. Tuy nhiên, họ nhận định điều này có thể sẽ chỉ là ký ức xa vời với cử tri sau khi câu hỏi về người lãnh đạo được giải quyết.

“Trong một năm rưỡi nữa, khi mọi người bắt đầu nghĩ đến việc bỏ phiếu trở lại, họ sẽ không nghĩ đến điều đó”, Hạ nghị sĩ Ken Buck, đảng viên Cộng hòa từ bang Colorado, nhận định. "Ấn tượng tốt ban đầu không quan trọng bằng làm được việc".

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-noi-chien-trong-dang-cong-hoa-post1390985.html