Cuộc nói chuyện của đại tá công an với nghi phạm bắn chết 2 người

'Phú ngồi ở bàn gỗ giữa căn phòng lớn, tay cầm chén trà rồi mời tôi ngồi xuống để nói về việc ông ta đã nổ súng bắn 2 người', đại tá Phạm Hoài Nam nhớ lại.

Ngày 2/5, Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục lấy lời khai Cao Trọng Phú (59 tuổi, trú xã Nghi Kim, TP. Vinh) để điều tra làm rõ vụ nổ súng làm chết 2 người.

Là người trực tiếp thuyết phục Phú đầu hàng, giao nộp vũ khí, đại tá Phạm Hoài Nam, Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An, đã chia sẻ với Zing về diễn biến nghẹt thở trong căn biệt thự kín cổng cao tường.

"Tôi muốn nói chuyện với anh"

Khoảng 8h30 ngày 30/4, nhận thông tin vụ nổ súng xảy ra trước cổng nhà Cao Trọng Phú khiến 2 người tử vong, nhiều lực lượng của Công an tỉnh Nghệ An đến phong tỏa hiện trường.

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Phạm Thế Tùng cũng có mặt để chỉ đạo. Hàng trăm cảnh sát, chó nghiệp vụ, xe bọc thép được điều động đến bao vây căn nhà rộng hàng trăm m2.

 Căn nhà nơi xảy ra vụ nổ súng. Ảnh: T.P.

Căn nhà nơi xảy ra vụ nổ súng. Ảnh: T.P.

Xác định nghi phạm có vũ khí, cố thủ trong ngôi biệt thự bao quanh là tường cao hơn 3 m có rào thép gai, cửa cổng khóa trái… nhiều phương án tiếp cận được Công an tỉnh Nghệ An xây dựng.

Phương án thuyết phục, vận động nghi phạm buông súng được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, việc sử dụng lực lượng nghiệp vụ trấn áp tội phạm cũng được tính đến nếu thuyết phục không thành.

Lúc này, đại tá Phạm Hoài Nam, Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An, đề xuất được vào trong căn biệt thự thuyết phục Phú giao nộp vũ khí.

"Tôi là Nam, nguyên là Trưởng phòng hình sự, nay là Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT. Bây giờ sự việc đã xảy ra như thế rồi, tôi muốn vào nói chuyện với anh để giải quyết vấn đề trước khi mọi việc chưa quá muộn”, ông Nam giới thiệu khi tiến đến cánh cổng đã khóa trái.

Không có ai đáp lại, vị đại tá tiếp tục thuyết phục qua khe cửa. Người thân nghi phạm cũng được đưa đến hiện trường để tác động Phú hợp tác.

Lúc này, bên ngoài, lực lượng chức năng chuẩn bị khiên, áo chống đạn nhưng được lệnh đứng từ xa để tránh gây tâm lý căng thẳng cho nghi phạm. Một lúc sau, Phú chấp nhận gặp đại tá Nam.

“Tôi và Phú chưa từng quen nhau nhưng qua các kênh tôi biết Phú và có thể anh ta biết tôi nên khi nghi phạm đồng ý mở cửa gặp, tôi biết đã có cơ hội cảm hóa, thuyết phục con người này”, đại tá Nam nói với Zing.

Gần 2 giờ nghẹt thở trong căn biệt thự

Bước qua cổng, Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An làm động tác để Phú biết rằng ông không mang theo vũ khí, không mặc áo chống đạn hay thiết bị hỗ trợ.

“Phú ngồi ở bàn gỗ giữa căn phòng lớn, tay cầm chén trà rồi mời tôi ngồi xuống để nói về việc ông ta đã nổ súng bắn 2 người ở cổng”, ông Nam kể phút chạm mặt nghi phạm gây án mạng.

Bằng kinh nghiệm 37 năm công tác trong nghề, vị đại tá công an bắt đầu nói chuyện với Phú. Câu chuyện giữa 2 người đàn ông trong căn biệt thự rộng lớn xoay quanh tình cảm gia đình, cuộc sống và lẽ phải trái, không ai nhắc đến những vấn đề gây căng thẳng. Khi họ bắt đầu có sự hòa hợp, thoải mái hơn, Phú đồng ý đầu hàng, giao vũ khí.

- "Bây giờ tôi với anh đi lấy súng hay tôi tự đi?"

- “Anh cứ đi lấy súng ra đây”, đại tá Nam nhớ lại lúc nghi phạm chấp nhận đầu hàng.

 Nghi phạm Phú (áo tối màu) được dẫn giải ra ngoài. Ngoài cùng bên trái là đại tá Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Người đội mũ, đeo kính đi sau là đại tá Phạm Hoài Nam. Ảnh: Báo Nghệ An.

Nghi phạm Phú (áo tối màu) được dẫn giải ra ngoài. Ngoài cùng bên trái là đại tá Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Người đội mũ, đeo kính đi sau là đại tá Phạm Hoài Nam. Ảnh: Báo Nghệ An.

Lúc này, Phú tiến lại gần chiếc tủ gần bàn thờ ông địa. Ông ta mở ngăn kéo, lấy khẩu K59 đưa cho đại tá Nam.

Vị Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT nói rằng khi nghi phạm đã chấp nhận nói chuyện và tỏ ra nghe lời, ông muốn Phú cảm thấy thoải mái.

"Người đi thuyết phục phải dùng lý lẽ, tình cảm của mình, không phải bằng áo giáp, súng đạn hay công vụ hỗ trợ nào khác. Chỉ cần hành động nhỏ như tự đi lấy súng đều thể hiện sự thiếu niềm tin. Như thế, có thể sự việc đã khác", đại tá Nam lý giải.

Khi Phú mệt mỏi, xin được đi tắm và ăn mỳ tôm, ông Nam đã đồng ý và liên hệ bên ngoài cho chị gái nghi phạm vào nấu nướng.

Gần 2 giờ đồng hồ trôi qua, ban chuyên án và hàng nghìn người dân phía ngoài hồi hộp chờ đợi vì không ai biết điều gì đang xảy ra trong căn biệt thự.

13h50 ngày 30/4, cánh cổng sắt hé mở. Phú cầm điếu xì gà đang hút dở bước ra. Thấy đại tá Nam đi ngay phía sau, tất cả thở phào nhẹ nhõm.

Theo đại tá Nam, mọi hành động để thuyết phục nghi phạm, ông đều báo cáo và xin ý kiến Ban giám đốc Công an tỉnh. Khi Phú bước ra khỏi nhà, ông đã đề xuất không còng tay để nghi phạm hút nốt điếu thuốc.

 Xe đặc chủng, chó nghiệp vụ được đưa đến hiện trường. Ảnh: P.T.

Xe đặc chủng, chó nghiệp vụ được đưa đến hiện trường. Ảnh: P.T.

"Mọi hành động đều là phương án được đưa ra rõ ràng, hiệu quả nhất và đảm bảo an toàn cho cả lực lượng chức năng cũng như người vi phạm. Đây là kết quả của quá trình rèn luyện, đấu tranh chống các loại tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự", đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, nói.

Sáng 30/4, Ngô Quang Hưng (41 tuổi), Đặng Ngọc Anh (64 tuổi, cùng quê TP Vinh) cùng một người đàn ông khác đi ôtô tìm đến nhà Cao Trọng Phú. Sau đó, chủ nhà dùng súng bắn nhiều phát đạn khiến Hưng và Ngọc Anh tử vong tại chỗ. Gây án xong, Phú đóng cửa cố thủ trong nhà.

Sau khi đầu hàng, Phú khai từng nhiều năm làm việc tại TP.HCM, Tây Ninh và Campuchia. Vài năm trước, do làm ăn thua lỗ, Phú về quê lấy vợ, xây dựng nhà cửa. Lúc này, nghi phạm có biểu hiện trầm cảm, hoang tưởng, lo sợ người khác từ phía nam đến truy sát. Nghi phạm đã nhiều lần lấy dao đâm vào lốp, đòi bắt người dù trong xe trống không.

Hoàng Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-noi-chuyen-cua-dai-ta-cong-an-voi-nghi-pham-ban-chet-2-nguoi-post1210546.html