Cuộc phiêu lưu ở đất nước xích đạo Ecuador

Tôi men theo lối mòn trên đỉnh núi, mùa này cỏ dại mọc đến ngang hông. Ngay lúc chuẩn bị leo xuống một dốc đá, sương mù bỗng từ đâu bay tới quyện lấy bước chân tôi. Cả không gian đặc quánh, phủ kín trong màu trắng ma mị. Tôi ngồi xuống bên đường, chờ sương tan. Phía xa, mặt gương hồ Quilotoa như có ma thuật, bởi chỉ cần một chút ánh sáng khác đi, cả mặt hồ như lột xác biến thành một chiếc gương khổng lồ phản chiếu bầu trời xanh trên cao.

Xa nhất về phía Tây dãy Andes của đất nước Ecuador, màu xanh mê dại của hồ miệng núi lửa chứa đầy nước Quilotoa đã khiến tôi choáng váng điên đảo trong một ngày tháng hai. Choáng váng vì cảnh đẹp đến nghẹt thở, nhưng điên đảo vì phải leo núi ở độ cao gần 4.000m trên mực nước biển, lúc trời nắng vỡ đầu, khi thì mây mù che kín lối đi, rồi chỉ trong một tích tắc thì trời đổ mưa ngay tắp lự.

Mặt gương hồ ma thuật ở miệng núi lửa Quilotoa

Nhưng chuyến leo núi kéo dài năm giờ quanh miệng núi lửa Quilotoa thực sự đáng công, nhất là khi tôi được tận mắt chứng kiến sự thay đổi đầy ngoạn mục của mặt gương hồ xanh mê mải. Màu xanh lục lạ lùng kia được tạo thành từ các khoáng chất hòa tan trong nước, kể từ khi hồ miệng núi lửa Quilotoa hình thành hàng trăm năm trước.

Mặt gương hồ Quilotoa như có ma thuật, bởi chỉ cần một chút ánh sáng khác đi, cả mặt hồ như lột xác biến thành một chiếc gương khổng lồ phản chiếu bầu trời xanh trên cao. Màu xanh mê hoặc không chỉ thay đổi theo ánh nắng mặt trời rọi xuống từ trên cao, mà còn toát lên vẻ bí hiểm từ độ sâu 250m của nước hồ.

Quilotoa với những vách đá dựng đứng.

Quilotoa với những vách đá dựng đứng.

Người ta bảo đã từng có một vụ phun trào khủng khiếp đến độ dòng nham tầng (pyroclastic flow, tức những đám mây đá, tro, khí gas tốc độ cao bắn ra khi núi lửa phun trào) của nó bay đến tận Thái Bình Dương.

Với miệng hồ rộng chỉ 3km, Quilotoa được coi là một núi lửa nhỏ, vậy mà mình nó đã tạo ra tám vụ phun trào lớn trong suốt 200 ngàn năm qua. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm dạo chơi ở đây, vì lần phun trào cuối của nó đã rất lâu rồi, tuốt năm 1280 lận.

Ngày nay, Quilotoa là một miệng núi lửa vừa hùng vĩ với những vách đá cao dựng đứng tới 400m vươn thẳng lên chọc thủng trời mây, nhưng miệng núi lửa này cũng không kém phần thơ mộng với những thảm cỏ xanh và hoa dại nở khắp lối đi, và mùi cây bạc hà thơm thơm trên bàn tay.

Mất nhiều giờ để đi hết một vòng miệng núi lửa.

Mất nhiều giờ để đi hết một vòng miệng núi lửa.

Quilotoa là một phần trong chuyến leo núi ba ngày của cung đường Quilotoa Loop nếu bạn là dân thích leo núi và đi bộ đường trường. Nếu không, miệng núi lửa này hoàn toàn có thể viếng thăm trong một ngày, từ thủ đô Quito hoặc thành phố Latacunga gần đó. (Tôi khuyến khích bạn nên ngủ đêm ở Latacunga, vì như thế bạn sẽ có đủ thời gian để leo quanh miệng núi lửa. Các tour đi Quilotoa trong ngày từ thủ đô Quito chủ yếu là đi xuống mặt hồ.)

Bạn cũng có thể ngủ đêm ở làng Quilotoa với khung cảnh cực kì thơ mộng, nhưng hãy nhớ ngôi làng này nằm ở độ cao gần 4.000m trên mực nước biển. Nên nếu cơ địa dễ bị sốc độ cao, thì tốt nhất là nên ngủ đêm ở Latacunga rồi sáng hôm sau nãy đi bus lên đây. Nếu bạn muốn đi hết một vòng miệng núi lửa, thời gian sẽ vào khoảng 4-6 giờ tùy tốc độ của bạn. Quãng đường dài 10km, cát dốc và đá thay đổi liên tục từ độ cao 3.810 đến 3.915m trên mực nước biển.

Bạn cũng có thể vui chơi nhẹ nhàng hơn bằng cách đi bộ xuống dưới hồ. Cả xuống và lên hết 2 tiếng, chiều lên có thể thuê ngựa cưỡi. Bên dưới có kayak bạn có thể thuê chèo ra hồ.

Xích đu ở nơi tận cùng thế giới

Tôi đặt tờ 20 USD lên bàn, hùng hồn tuyên bố “OK, tao sẽ nhảy!” Cô gái nhân viên bất ngờ mở ngay chai rượu tequila, rót ra một chiếc tách nhỏ “Này, mày uống đi! Uống đi lấy can đảm mà nhảy xuống. 60m đấy nhé. Cái xích đu này là cao nhất Nam Mỹ đấy!”

Tôi đến Banõs của Ecuador vì một lí do rất đơn giản: tôi là một đứa thích nghịch dại. Banõs, cũng giống như Pucon của Chile hay Queenstown của New Zealand nơi tôi từng đến. Những thành phố này đều được mệnh danh là thủ phủ của những trò mạo hiểm, thiên đường của người mê cảm giác adrenaline chảy hừng hực trong huyết quản.

Xích đu nơi tận cùng thế giới.

Xích đu nơi tận cùng thế giới.

Ở Banõs, bạn có thể leo lên cầu rồi nhảy bungy xuống dòng sông cuồn cuộn chảy bên dưới, đu cáp zipline băng qua vực sâu nơi ngọn thác ầm ảo đổ xuống, chào thuyền vượt dòng nước xiết… Nhưng ở đây còn có một thứ vô cùng độc đáo là những chiếc xích đu được dựng trên sườn núi, nơi bạn leo lên và phóng mình vào không trung mây trời (Và nói dại, nếu dây an toàn có văng ra thì bạn vĩnh viễn bay luôn xuống… vực.)

La Casa del Arbol (Nhà trên cây) là nơi có chiếc xích đu nổi tiếng được mệnh danh là “Xích đu nơi tận cùng thế giới.” Chiếc xích đu treo trên một trong những tàng cây, nằm ở độ cao 2.600m trên mực nước biển.

Bạn chỉ đơn giản leo lên, tung mình vào không trung phía cao trên hẻm núi để nếm cảm giác bay trên những tầng trời. Trong lúc đó, đừng quên ngắm nhìn mây luồn qua dãy núi trước mặt. Và nếu đủ may mắn trong một ngày ít mây, bạn sẽ được nhìn thấy miệng núi lửa vẫn đang hoạt động Tungurahua đang nhả khói lên trời từ khoảng cách rất gần.

Nhưng xích đu của ngôi nhà trên cây vẫn chưa đủ làm bạn rợn tóc gáy bằng khi đã đứng trên bậc gỗ của “Chuyến bay của Chim ưng” (The Flight of the Condor.) Đúng như cô nhân viên đã rót cho tôi tách rượu tequila, đu trên chiếc xích đu này để trải nghiệm cảm giác bay như một chú chim ưng trên trời cao rộng.

Trước mắt tôi là chiếc xích đu khổng lồ cao 60m. Từ đây có thể phóng tầm mắt xuống thung lũng bao la bên dưới, nơi những con đường ngoằn ngoèo vắt ngang sườn núi, suối chảy róc rách và thị trấn nằm yên bình phía xa xa. Từ trên bậc gỗ, gió hun hút thổi khiến chân tay tôi muốn cứng đờ lại.

Nhưng kinh nghiệm từ những lần “nghịch dại” trước đây, tôi biết chắc cảm giác sợ hãi này sẽ nhanh chóng trở nên cực kỳ phấn khích, nhất là khi tôi nhảy xuống khỏi bục gỗ và bung mình vào khoảng không bao la trước mặt.

Chiếc xích đu khổng lồ hất tôi lên cao, và cao hơn nữa. Trên đó, tôi cảm nhận được gió quất vào da mặt, bầu trời là mở ra vô tận như không có điểm dừng, và cả người tôi đang run rẩy vì bị kích thích cao độ. Nỗi sợ hãi mới phút trước như chưa từng tồn tại, và trước khi biết mình đang lao vào khoảng không, tôi đã hét lên như muốn vỡ tung lồng ngực vì phấn khích.

Rợn tóc gáy với xích đu Chuyến bay của Chim ưng cao 60m.

Rợn tóc gáy với xích đu Chuyến bay của Chim ưng cao 60m.

Đến Banõs vào những ngày nóng nực, tôi còn quyết tâm thuê xe đạp, lao ra đường lộ và đạp xe để đi đu thác nước. Thị trấn này cho phép chia sẻ đường quốc lộ giữa xe tải và xe đạp, nên bạn có thể đi xuyên hầm, đạp suốt 16km đường núi. Thỉnh thoảng trên đường đi, một thác nước nho nhỏ đổ xuống ngang đường, và cách duy nhất để bạn đi qua nó là xuyên qua làn nước và bị ướt. Đã đời gì đâu.

Dọc đường đi, bạn nhớ chú ý bảng chỉ dẫn, vì cứ sau mỗi khúc quanh thì một thác nước đẹp sững sờ lại hiện ra. Ngoạn mục nhất là Pailon del Diablo (nghĩa là “Vạc quỷ”.) Pailon del Diablo bắt nguồn từ dòng Rio Pastaza, một nhánh của lưu vực thượng lưu sông Amazon.

Men theo những bậc thang bằng đá, bạn có thể lại ngay gần sát để giang tay ra chạm vào dòng nước. Thác nước cao 80m này đổ xuống khe vực lổn nhổn đá tảng bên dưới, sức chảy xiết vô cùng nhuốm không gian trong màn sương mờ ảo.

Giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ, cảm giác tắm trong làn mưa bụi nước, cảm nhận sự mạnh mẽ của dòng chảy, thậm chí ngắm nhìn cầu vồng lấp lánh trông hệt như một giấc mơ.

Leo lên nóc nhà thờ Tân Gothic cao nhất Nam Mỹ

“Rớt xuống từ đây thì chắc chết.”

Tôi nhủ thầm trong gió lạnh cuối chiều lúc chân tay bắt đầu ứa mồ hôi, nhưng vẫn cố bám chặt vào hai bên tay vịn cầu thang bằng sắt dẫn lên tháp cao của nhà thờ.

“Đừng nhìn xuống, đừng nhìn xuống!” đầu thì tự nhủ thế, chứ bụng tôi thì đã bắt đầu "đánh lô tô" vì sợ rồi!

Nơi tôi đang đứng là trên cao của thủ đô Quito, thành phố này dễ thương vô cùng. Là thành phố nằm trên những ngọn đồi, ở Quito ai cũng có thể trải qua ít nhứt bốn mùa trong một ngày. Thời tiết thay đổi nhanh đến nỗi, mới nắng ấm đó mà mây đen kéo đến đầy trời, rồi mưa ào ào trút xuống lạnh tê tái.

Những đỉnh tháp nhọn của nhà thờ Basílica del Voto Nacional.

Những đỉnh tháp nhọn của nhà thờ Basílica del Voto Nacional.

Trên những ngọn đồi cao của Quito – thủ đô cao thứ nhì hành tinh, hai ngọn tháp của nhà thờ Basílica del Voto Nacional chọc trời sừng sững. Khi biết có thể đi bộ để trèo lên nóc nhà thờ, tôi hăm hở leo dốc lên đồi, chỉ không biết là vài phút nữa, chân tay tôi sẽ run lẩy bẩy với nỗi sợ rớt thẳng xuống từ cầu thang dốc đứng ngoài trời!

Đừng đùa, đây là nhà thờ Tân Gothic không chỉ lớn nhất mà còn cao nhất Nam Mỹ nữa. Hai tòa tháp của công trình này cao tới 115m. Nếu bạn chưa kịp hình dung ra, thì nó tương đương với một tòa nhà cao 48 tầng.

Cuộc phiêu lưu bên trong nhà thờ bắt đầu khi tôi đi qua một lối đi lát gỗ, bắc ngang ngay trên nóc nhà thờ. Chính vì bị sự hăng hái leo nóc nhà thờ choán hết tâm trí, nên lúc nhìn thấy cầu thang bằng sắt dựng đứng ngoài trời, thì một đứa mắc chứng sợ độ cao như tôi bắt đầu hoảng loạn.

Thành phố Quito từ nhà thờ Basílica del Voto Nacional.

Thành phố Quito từ nhà thờ Basílica del Voto Nacional.

Quito lúc ấy đã cuối chiều, trời đã se lạnh. Nhưng thứ khiến tôi “rét” thực sự là chiếc cầu thang bằng sắt dốc đứng, dựng đơn sơ ngoài trời, không có gì đảm bảo an toàn ngoài miếng lưới cũng giản dị không kém dưới mỗi bậc thang (Chỉ để đảm bảo bạn không hụt chân lúc leo lên thôi, chứ còn nếu lỡ tay trượt thì cứ thế mà… tiếp đất tự do.)

Tôi sợ kinh khủng. Mỗi bước leo lên là chứng sợ độ cao lại trở nên nặng nề hơn. Chân tôi run lẩy bẩy, tay mướt mồ hôi bám chặt lấy hai bên tay vịn bằng sắt. Nhích từng bước một, từng bước một, gió càng ngày càng thổi mạnh hơn cho đến khi tôi lên được đến tòa tháp, hai gối như muốn khuỵu luôn xuống vì sợ.

Nhưng khung cảnh từ trên tháp thì thật đáng công chiến đấu với chứng sợ độ cao. Quito lúc ấy đang vần vũ mây cuồn cuộn lăn xuống từ dải đồi bên này, trong lúc phía những dải đồi bên kia vẫn còn hứng ít nắng hiếm hoi một ngày nhiều mây.

Những ngôi nhà cổ nhiều màu sắc nối nhau đến tận chân trời, nơi những tòa nhà cao tầng hiện đại cũng đã kịp ken lên một phần rộng lớn của thành phố.

Một số kinh nghiệm du lịch Ecuador

Là quốc gia nằm trên đường xích đạo, nhưng điều đó không có nghĩa là khí hậu của Ecuador nóng ấm quanh năm. Khí hậu ở đây vô cùng đa dạng, chủ yếu là do sự đa dạng trong địa hình, và thay đổi khá nhiều theo độ cao.

Có 4 vùng chính ở Ecuador nơi khí hậu vô cùng tương phản với nhau: 1/ La Costa ven biển, phía tây, có khí hậu nhiệt đới 2/ El Oriente thuộc vùng Amazon, phía đông, có khí hậu nhiệt đới nhưng ẩm ướt và mưa quanh năm 3/ La Sierra thuộc cao nguyên Andean, có khí hậu mát mẻ và thay đổi rất nhiều theo độ cao từng khu vực 4/ Quần đảo Galapagos có khí hậu ấm áp, tương đối khô quanh năm.

Thành phố Banõs từ trên cao.

Thành phố Banõs từ trên cao.

Ecuador là một trong những nước có chi phí du lịch thuộc hàng thấp và dễ chịu nhất khu vực Nam Mỹ. Đây là quốc gia có nhiều núi lửa và đỉnh núi cao nhất thế giới, rất nhiều thành phố, làng mạc nằm ở trên núi cao. Từ việc hạ cánh xuống thủ đô Quito hay đi leo núi trên dãy Andes, hãy cẩn thận với khả năng bị sốc độ cao.

Ecuador sử dụng loại tiền tệ chính thức là USD của Mỹ. Nước này chuyển hoàn toàn từ đồng Sucre sang USD từ năm 1999, sau khi một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn xảy ra. Bạn được khuyến khích mang USD Mỹ mệnh giá nhỏ để sử dụng, nhất là tại các thị trấn hoặc làng mạc xa xôi.

Bài và ảnh: Đinh Hằng

__________________

* Tác giả bài viết là phóng viên, blogger du lịch, tác giả 3 cuốn sách du ký best seller "Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ", "Chân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á" và "Người tình Havana". Cô được biết đến với các chuyến độc hành đến nhiều vùng đất kỳ lạ, nơi ít người Việt đặt chân tới. Cô đã và đang liên tục chia sẻ về những chuyến đi của mình suốt hơn mười năm qua.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cuoc-phieu-luu-o-dat-nuoc-xich-dao-ecuador-28072.html