'Cuộc phỏng vấn của Meghan Markle và Harry là nỗi ô nhục'
Chuyên gia truyền thông Laura Clancy chia sẻ quan điểm về việc những người theo chủ nghĩa tôn thờ quân chủ đang nỗ lực bảo vệ sự uy nghiêm và bí mật của hoàng gia thế nào.
Cuộc phỏng vấn của vợ chồng công tước xứ Sussex với Oprah Winfrey đang trở thành bài phê bình, buộc tội Hoàng gia Anh được xuất hiện trên nhiều trang báo quốc tế nhất trong những năm gần đây.
Trong cuộc trò chuyện, Meghan Markle thú nhận cô từng muốn tự tử lúc mang thai, bởi khi đó có người nghi ngờ Archie - con trai của cô với Hoàng tử Harry - sẽ có màu da sẫm màu. Các bài bình luận, phân tích, hoặc thậm chí chỉ là trích dẫn lại cuộc phỏng vấn, đều tập trung phê phán vấn nạn phân biệt chủng tộc trong Hoàng gia Anh.
Những người theo chủ nghĩa tôn thờ, bảo vệ hoàng gia yêu cầu Harry và Meghan Markle "giữ im lặng", thay vì lên tiếng trên truyền thông như thể đây là một "tòa giải tội" nhằm chống lại hoàng gia.
Thực tế, việc lên tiếng chia sẻ các bí mật động trời về hoàng gia, hay còn được gọi là "tòa giải tội hoàng gia", đã xuất hiện từ nhiều năm về trước.
Marion Crawford - người từng xuất bản cuốn sách kể lại thời gian làm bảo mẫu cho nữ hoàng và chị gái Margaret vào năm 1950 - từng bị tẩy chay vì tự ý bán câu chuyện cô không được phép tiết lộ cho truyền thông. Wallis Simpson - một nhà xã hội học người Mỹ từng chứng kiến vua Edward VIII thoái vị vào năm 1936 - đã viết cuốn hồi ký với tên gọi Trái tim có lý do của nó. Trong đó, Simpson nhắc lại một cách mỉa mai về việc hoàng gia che đậy kín đáo những "thâm cung bí sử".
Và cuộc phỏng vấn trên chương trình One Panorama (đài BBC) của Công nương Diana vào năm 1995 được xem là buổi giải tội mang tính biểu tượng trong lịch sử Hoàng gia Anh, theo mô tả của trang The Conversation.
Lời tâm sự không được hoan nghênh
Trong buổi trò chuyện năm 1995, Công nương Diana chia sẻ với MC Martin Bashir về câu chuyện ngoại tình của các nhân vật trong hoàng gia, những âm mưu chống lại cựu công nương, và vấn đề sức khỏe tinh thần cũng như thể chất ngày càng sa sút của mình.
"Có tới ba người trong cuộc hôn nhân của tôi, vậy nên nói thật là hơi chen chúc một chút", Công nương Diana mỉa mai cuộc hôn nhân của mình. Lời chia sẻ đề cập trực tiếp tới mối tình xen giữa hôn nhân hoàng gia của Thái tử Charles và Camilla Parker Bowles đã trở thành cú nổ lớn trên các phương tiện truyền thông, và vẫn còn được nhắc lại sau 26 năm.
Richard Eyre, cựu giám đốc Nhà hát Quốc gia, cho biết Nữ hoàng Anh gọi hành động công khai góc khuất hôn nhân trong hoàng gia của Diana là "quyết định đáng sợ".
Điểm chung trong tất cả ví dụ trên là họ đều sử dụng bí mật hoàng gia, những bí mật có liên quan trực tiếp đến bản thân, để giành được sự quan tâm, cảm thông của công chúng. Đây là cách "tòa giải tội" trên truyền thông vận hành, người nổi tiếng lựa chọn tiết lộ những gì thầm kín nhất của mình.
Theo các chuyện gia xã hội học và truyền thông Helen Wood, Beverley Skeggs và Nancy Thumin, những lời thú nhận của nam giới mang da trắng và có thành tựu ưu tú vẫn có xu hướng được coi trọng hơn. Trong khi đó, lời tâm sự của phụ nữ, người da màu hoặc những cá nhân có nghề nghiệp bị đánh giá là "văn hóa, dân trí kém cỏi" lại bị ngó lơ, hoặc bị đánh giá là "tự ái cao" hoặc "chia sẻ một cách thái quá".
Nhưng lần này, lời buộc tội từ Meghan Markle và Hoàng tử Harry đã khiến dư luận thế giới chú ý, và cũng gây chấn động như cách Công nương Diana từng làm. Tất cả tuyên bố trên đều là vũ khí tấn công trực diện vào danh tiếng, uy nghiêm của hoàng gia. Họ đã và đang phơi bày những hành động, tư tưởng sai lầm, lệch chuẩn đạo đức trong nội bộ chế độ quân chủ.
Nỗ lực bảo vệ quyền lực hoàng gia
MC, nhà báo Piers Morgan gọi cuộc phỏng vấn của vợ chồng nhà Sussex là "nỗi ô nhục". Ông đặt câu hỏi sao hai người có thể nhẫn tâm gọi nữ hoàng và Hoàng thân Phillip là những kẻ nói dối, đặc biệt khi Hoàng thân Phillip đang nằm viện vì sức khỏe yếu.
Không ít người lên tiếng buộc tội lời chia sẻ mang tính "tòa giải tội" của vợ chồng Harry - Meghan là vô đạo đức. Đây đều là những người đang cố gắng bảo vệ chế độ quân chủ, thay vì nhận ra tầm quan trọng của việc giải trình các vấn đề nằm sau một thể chế quyền lực.
"Giống như Meghan, tôi muốn mô tả chế độ quân chủ như một tập đoàn, nơi đầu tư để tái tạo sự giàu có và quyền lực. Nhưng đây là tập đoàn mà mọi hoạt động đều phải nằm trong vòng bí mật. Bất kỳ sự phơi bày nào về các hoạt động hậu trường - chẳng hạn như những tiết lộ gần đây trên tờ The Guardian về việc lạm dụng 'sự hài lòng của Nữ hoàng' để tác động vào các điều luật có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân của bà - đều có nguy cơ dẫn đến sự mất ổn định trong hoàng gia", tác giả Laura Clancy - giảng viên khoa Truyền thông tại Đại học Lancaster (Anh) - chia sẻ với The Conversation.
Clancy tiếp tục viết: "Từng có khá nhiều câu chuyện về hoàng gia bị tiết lộ khi bộ phim tài liệu với góc nhìn riêng tư có tên Royal Family được công bố vào năm 1969. Bộ phim đã ghi lại những câu chuyện trong cung điện trong gần một năm. Vì vậy, đại diện cung điện Buckingham đã phải biên tập lại bởi bộ phim đã tiết lộ quá nhiều về chế độ hoàng gia cũng như những câu chuyện hậu trường. Điều này sẽ phá hủy hình ảnh và sự cân bằng vốn có do Hoàng gia Anh dựng lên. Như học giả hiến pháp Walter Bagehot từng viết vào những năm 1800: 'Chúng không thể sống dưới sự kỳ diệu của ánh sáng ban ngày'".
Giống như những người từng công bố bí mật hoàng gia trước đó, lời tuyên bố của Meghan và Harry về việc sống bên trong hoàng gia tiếp tục bị coi là cuộc tấn công thiếu báng bổ và vô đạo đức đối với nữ hoàng và hoàng gia. Nhưng cũng giống như những lần trước, truyền thông và khán giả vẫn sẽ hoan nghênh những "tòa giải tội" của người trong cuộc, bởi những câu chuyện ẩn sau vẻ hào nhoáng hoàng gia luôn là miếng bánh béo bở với dư luận thế giới.