Cuộc phục sinh trên 'vùng đất chết'

Chiến tranh đã lùi xa, vậy mà trên vùng đất Hải Thái (thuộc huyện Gio Linh, Quảng Trị) vẫn còn hàng trăm, hàng nghìn quả bom, mìn, đạn pháo văng tứ tán khắp đồng ruộng không chịu… nổ. Hết năm này, tháng nọ, tai họa do chúng gây ra đã làm cạn khô nước mắt của nhiều gia đình nơi đây. Thế rồi, như một sự 'lột xác' trong câu chuyện cổ tích, người dân Hải Thái đã bước ra khỏi hậu họa của cuộc chiến tàn khốc với những kỳ tích đáng nể.

Chăm sóc cây cao su tiểu điền ở Hải Thái.

"Thần chết" ẩn trong lòng đất

Từ trung tâm xã Hải Thái, mất hơn 20 phút chạy xe xuyên qua những cánh rừng cao su, chúng tôi có mặt tại thôn 6. Xưa kia, "tọa độ lửa" này từng nổi tiếng là trung tâm đồn trú của những "quả đấm thép" thuộc quân đội viễn chinh Mỹ, mà chỉ nghe tên, đã thấy "mùi của tử thần" như đồi Máu, đồi Cù Đinh, Cồn Tiên, đồi C2... Tất nhiên, vùng đất này cũng là địa bàn hoạt động của nhiều đơn vị quân giải phóng và cũng là địa điểm dội bom, pháo... ác liệt của Mỹ - ngụy nhằm ngăn bước tiến của quân ta. Ông Nguyễn Văn Diễn, một người dân ở thôn 6, cho biết: "Những năm trước giải phóng, có thể nói, không ngày nào, đêm nào, người dân ở Hải Thái có thể ngủ yên. Lính Mỹ - ngụy ở các căn cứ quân sự ráo riết hoạt động 24/24 giờ. Mục đích của chúng là ngăn chặn bằng được bước tiến của "Việt cộng". Chính vì vậy, Hải Thái nói riêng, vùng Gio Linh nói chung là một trong những địa danh xảy ra nhiều trận đánh ác liệt nhất giữa ta và địch ở Quảng Trị".

Quả như lời ông Diễn nói, quá trình thực tế ở địa bàn thôn 6, chúng tôi được người dân chỉ cho xem những thửa ruộng, mảnh rẫy mà nơi nào cũng lỗ chỗ những hố bom lớn nhỏ. Trong khi đưa chúng tôi về nhà chơi, ông Diễn tâm sự: "Cái số của miềng cũng lạ! Thời trai tráng xông pha lửa đạn chẳng hề hấn gì, khi có hòa bình, lại trở thành người tàn phế do bom Mỹ còn sót lại trong lòng đất...". Theo ông Diễn, bây giờ, trên địa bàn xã Hải Thái không ai dám chắc chắn dưới đất đã hết bom đạn của Mỹ, nhưng có một sự thật là cách đây mươi, mười lăm năm, các loại bom đạn chưa nổ ở đây còn nhiều hơn... khoai. Chính vì những "củ khoai" này mà ông Diễn đã 2 lần bị "thần chết" vồ hụt, với 2 thương tật vĩnh viễn thuộc loại nặng: Mù một mắt và mất một chân. Không chỉ có ông Diễn, theo một thống kê chính thức của địa phương, từ sau ngày giải phóng đến năm 2002, xã Hải Thái có 53 người chết, 35 người bị thương, chủ yếu tập trung ở thôn 6. Từ năm 2002 trở lại đây, rất nhiều người cũng đã phải gánh chịu những vụ nổ trái đạn hoặc bom, mìn. Có gia đình trong lúc đang làm nhà, đứa con bới ra một quả đạn, gọi người lớn xem. Chưa kịp can ngăn, thì một tiếng nổ long trời vang lên khiến đứa bé chết tại chỗ. Vụ nổ chưa kịp nguôi ngoai, thì tuần sau, đứa bé khác nhặt được trái bom bi trong vườn ném vào gốc cây, trái bom nổ làm cháu thiệt mạng. Lại có người, trong lúc làm ruộng cuốc phải quả bom, một tiếng nổ phá toang lồng ngực, chở được đến bệnh viện thì tắt thở.

Nỗ lực "sạch hóa" bom mìn ở Hải Thái.

Công bằng mà nói, những sự kiện và con số buồn nêu trên không đủ cơ sở để "chứng minh" người dân Hải Thái phải chịu hậu quả chiến tranh nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân ở đây thật thà cho rằng, cũng vì trên địa bàn xã trước đây có rất nhiều người dân hành nghề khai thác phế liệu chiến tranh, coi bom, mìn, đạn pháo là... "cần câu cơm". "Đất đai mênh mông, đầy nắng gió, tưởng như sau cuộc chiến, đời sống người dân chúng tôi được sống trong yên bình. Nào ngờ, bên cạnh những nỗi lo từ "thần chết" trong lòng đất là sự chủ quan của con người trước sinh mạng của chính mình " - Ông Diễn nhớ lại một thời, việc kiếm tiền bằng... đào bom của người dân thôn 6 nói riêng, xã Hải Thái nói chung rộ lên như một phong trào.

Vươn lên từ "vành đai trắng"

"Trước đây, nhìn những vạt đất trống mà tiếc đứt ruột. Rẫy, ruộng màu mỡ là vậy mà người dân phải chịu đói nghèo. Cũng vì lo sợ trước những vụ nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên nhiều người không dám dùng cuốc để dẫy cỏ hoặc cày đất sâu. Họ chỉ dùng thuốc phun cho cỏ chết khô, rồi sau đó lấy bừa gỗ bừa một cách sơ sài lên mặt ruộng, gọi là cho đất được thoáng khí. Và cuối cùng là sạ lúa. Như thế thì làm sao có năng suất cao được?..." - Ông Võ Viết Cương, một trong những nông dân đang ngày càng giàu lên từ mô hình trang trại cao su kết hợp chăn nuôi bò ở khu kinh tế mới Trảng Rộng thuộc xã Hải Thái, vừa dẫn chúng tôi tham quan cơ ngơi cho tổng thu nhập xấp xỉ 2 tỷ đồng/ năm, vừa tâm sự. Ông Cương kể, cách đây dăm, bảy năm, ở Hải Thái, rất nhiều diện tích đất phì nhiêu bị bỏ hoang bởi người dân biết dưới đất có nhiều loại bom, đạn, trái pháo nguy hiểm. Vì cái ăn, người dân Hải Thái buộc phải canh tác, nhưng theo "phương pháp hời hợt", do đó, nghèo vẫn hoàn nghèo... Về sau, nhờ sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành, việc rà phá bom mìn ở Hải Thái được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, do công tác tuyên truyền được địa phương triển khai ráo riết, tình trạng đánh đổi sinh mạng với nghề tháo bom bán đồng nát đã cơ bản được giải quyết nên đến bây giờ, đã qua rồi cái thời cả làng, cả xã vác cuốc vác cưa đi đào, đi xẻ bom đạn kiếm cơm, kiếm áo. Ở Hải Thái, "thì hiện tại", nhiều câu chuyện vui đã trở lại, nhiều gương mặt đang được nhắc đến như một tấm gương vượt lên nỗi đau... "Cách đây chưa lâu, người ta gọi Hải Thái là "vùng đất chết" cũng không ngoa vì rất nhiều diện tích đất mà ở đó, chẳng ai dám bổ nhát cuốc nào xuống. Nhưng rồi, sau khi đất được "làm sạch" bởi các dự án rà phá bom mìn, người dân chúng tôi bắt đầu yên tâm cày cuốc làm ăn..." - Bà Nguyễn Thị Tươi, một nông dân tại thôn 2 xác nhận về "ký ức kinh hoàng" ở Hải Thái một thời.

Sức sống mới trên “vùng đất chết”.

Thời gian ở Hải Thái, những gì được chứng kiến đã giúp chúng tôi hiểu hơn câu nói "có sức người, sỏi đá cũng thành cơm". Quả thật, bàn tay con người cùng sự kiên trì, sáng tạo của họ đã làm sống lại mảnh đất này, được thể hiện qua những cánh rừng cao su hàng nối hàng chạy dài, những rẫy tiêu ngăn ngắt xanh, trong đó, phần lớn đã bắt đầu cho thu hoạch. Những ruộng, rẫy năm nào loang lổ vết bom, đạn đã được thay thế bằng màu xanh ngút ngàn của ngô, sắn và lúa, góp phần làm hồi sinh mạnh mẽ "vùng đất chết". Một trong những ví dụ sinh động nhất của sự "lột xác" vươn lên của Hải Thái chính là khu kinh tế mới Trảng Rộng, với gần 150ha cao su đang vào độ khép tán và cho dòng "vàng trắng" đầu tiên, giúp các hộ nông dân ở đây có thu nhập hàng trăm ngàn đồng/ngày. Điều đáng ghi nhận là giờ đây, không chỉ các gia đình ở khu kinh tế mới Trảng Rộng mỗi ngày một "phất" lên nhờ các loại cây, con mà hàng chục hộ nông dân ở Hải Thái đã đạt mức thu nhập từ trăm triệu đến cả tỷ đồng/năm. "Dân giàu, xã mạnh", cùng với sự "đổi đời" của người dân, các công trình phúc lợi xã hội như nhà trẻ, trường học, trạm xá, đường giao thông, điện nước ở Hải Thái cũng được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện.

Chia tay Hải Thái giữa mùa cao su, tiểu điền thay lá, chúng tôi thầm nghĩ, sự hồi sinh ở vùng đất lửa năm xưa không chỉ mang ý nghĩa kinh tế đơn thuần với việc xóa hết hộ đói, giảm hộ nghèo theo tiêu chí mới xuống chỉ còn hơn 11%, đồng thời tăng mức hộ giàu lên 25%, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong quá trình cải tạo môi trường sinh thái sau chiến tranh. Và chúng tôi gọi đó là một "cuộc phục sinh" nhọc nhằn, nhưng đáng khâm phục, vì đó là kết quả của sự kiên gan vượt qua tất cả để làm nên...

Hoàng Phương Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cuoc-phuc-sinh-tren-vung-dat-chet/