Du lịch Ý: Đến tiệm cà phê lâu đời nhất thế giới ở Venice

Những người am hiểu văn hóa cà phê tại châu Âu cho biết, tiệm cà phê lâu đời nhất thế giới ra đời tại Pháp, nhưng hiện đã ngưng hoạt động. Vì vậy, tiệm cà phê lâu đời nhất vẫn còn đang hoạt động thuộc về Florian của thành Venice, nước Ý. Đây là một trong những tiệm thuần cà phê có doanh thu cao nhất thế giới.

Chúng tôi đến Venice vào một ngày tháng 3. Thời điểm đó, thành phố này có vẻ lạnh hơn các nơi khác ở Ý, vì các hòn đảo được bao quanh bởi nước và có gió thổi mạnh. Chúng tôi đi buýt nước đến thăm được 4 hòn đảo ở Venice. Những nơi này có một điểm chung là nhà cửa, đường xá rất cũ kỹ, không có một công trình xây dựng hiện đại nào. Người Ý rất yêu những giá trị cổ xưa mà trong đó là niềm tự hào của văn minh La Mã. Chính vì thế, họ cố giữ lại rất nhiều thứ, từ con đường hàng ngàn năm tuổi cho đến các khối nhà vài trăm năm đến ngàn năm...

Tiệm cà phê 300 tuổi ở Venice - Ảnh: Pheuron Tay

Tiệm cà phê 300 tuổi ở Venice - Ảnh: Pheuron Tay

Sau khi thưởng thức món hải sản trứ danh tại một nhà hàng tồn tại 80 năm tại đảo chính, chúng tôi lang thang ra quảng trường San Marco để đến tiệm cà phê Florian. Từ xa, chúng tôi thấy nhiều người phục vụ mặc đồ trắng và dàn nhạc kiểu giao hưởng đang trình diễn. Ngay sau lưng dàn nhạc là bảng hiệu Florian đã úa màu thời gian. Chúng tôi dừng lại và bước vào trong quán.

Tất cả mọi thứ từ bàn ghế, đèn, vách đều toát lên vẻ cổ điển vừa sang trọng vừa sâu lắng. Tôi đi chầm chậm vòng quanh, nhìn ngắm từng món đồ và tưởng tượng mình đã từng sống vào thời kỳ xa xưa ấy.

Theo hướng dẫn viên du lịch Mai Nguyễn, một cô sinh viên Việt Nam đang theo học ngành thời trang tại Venice, Florian được khai trương vào ngày 29.12.1720 với tên gọi ban đầu là Alla Venizia Trionfante, nghĩa là Venice đại thắng. Sau đó, nó được đổi tên thành Florian theo tên của vị chủ sở hữu đầu tiên là Floriano Francesconi. Dẫu thời gian có nhiều biến động và đổi thay thì cái tên này vẫn được giữ nguyên cho đến ngày nay. Tôi không thích uống cà phê nên không cố tình tận hưởng vị cà phê ở đây. Điều cốt yếu là tôi được đến nơi tồn tại gần bằng thời gian của thành phố mình đang sống, đó là Sài Gòn.

Quán cà phê có tuổi đời hơn 3 thế kỷ từng là nơi đến của nhiều nhân vật lịch sử - Ảnh: Internet

Quán cà phê có tuổi đời hơn 3 thế kỷ từng là nơi đến của nhiều nhân vật lịch sử - Ảnh: Internet

Được ngồi trong không gian quán cà phê hơn 300 năm tuổi là một trải nghiệm rất đặc biệt, dẫu tôi không thích uống cà phê và cà phê Ý không hấp dẫn người Việt vì khẩu vị đã được lọc nhẹ đi rất nhiều.

Chắc hẳn bất kỳ ai cũng sẽ xúc động khi ngồi trong một tiệm cà phê, mà ở đó trong quá khứ đã từng là nơi hò hẹn của các tên tuổi vĩ đại như nhà văn Ernest Hemingway, danh hài Charlie Chaplin và vô số tên tuổi khác. Người ta đồn rằng chính nơi này đã gợi cảm hứng cho Ernest Hemingway viết lên một tình huống truyện nào đó.

Tôi chọn một ly cà phê Expresso giá 15 Euro để có lý do ngồi lại bên trong và chiêm ngưỡng, nhưng phục vụ mang ra cả một combo gồm cà phê, nước lọc và đồ ăn vặt. Mức giá đó đắt hơn trong đất liền vì tính cả phần âm nhạc. Một lúc sau, tôi di chuyển ra phía bàn ghế bên ngoài để nhìn ngắm cái náo nhiệt của khu vực quảng trường và tận hưởng các tiết mục trình diễn của dàn nhạc. Ngồi trong tiết trời lành lạnh và nhấm nháp ly cà phê nóng quả thật là một trải nghiệm đúng điệu.

Ngồi ở đó thật lâu, tôi chợt nghĩ làm sao người ta có thể duy trì một thương hiệu tồn tại suốt 300 năm. Điều đó chắc hẳn không chỉ xuất phát từ lợi nhuận kinh doanh mà còn là niềm tự hào của người Ý giàu chất nghệ sĩ. Người Ý đã xây dựng nên vô vàn công trình kiến trúc hiện đại độc đáo trên khắp thế giới, nhưng những gì có giá trị thời gian tại Ý điều được giữ lại. Tuy nhiên, tiệm cà phê Florian cũng đứng trước nhiều thách thức, việc tồn tại được đến bây giờ cũng không phải đơn giản.

Mai Nguyễn kể: “Hồi dịch COVID-19 hoành hành, em từ Việt Nam sang. Lúc đó, em rơi vào một cảm giác trống rỗng và hơi lo sợ vì không thể liên lạc với người bạn ở cùng. May mà bác taxi đã nhiệt tình giúp đỡ. Thành Venice không lock down nhưng lúc đó hoàn toàn vắng vẻ không có du khách. Mọi thứ đều tê liệt trong khi nơi này sống chủ yếu là nhờ vào du lịch. Tất cả các quán vẫn mở cửa phục vụ nhưng lượng khách địa phương quá ít ỏi. Nghe đâu Florian bị thất thu quá nhiều đã tính đến việc ngưng hoạt động. May mắn sau đó ngành du lịch nước Ý nói chung và Venice nói riêng khởi sắc trở lại, nhờ đó Florian được hồi sinh”.

Rời tiệm cà phê độc đáo này, chúng tôi đi bộ ra bến phà để sang một hòn đảo khác. Sau đó, chúng tôi về đất liền và đi xe lửa về khu trung tâm mất khoảng hơn 30 phút. Xe lửa cao tốc Ý chạy nhanh và êm. Tối hôm đó, chúng tôi chuẩn bị sẵn hành lý để hôm sau giã biệt Venice để đi Roma bằng xe lửa. Từ khung cửa sổ nhìn ra ngoài, địa hình nước Ý phần lớn là đồi núi được phủ một màu xanh, xen kẽ trong đó là những khu dân cư vắng vẻ.

Tôi không rõ mất bao lâu để đến bến xe lửa trung tâm Roma, có thể là hơn 2 giờ. Tại đây, chúng tôi được chào đón bởi một tài xế người Ý và một bạn hướng dẫn viên người Việt khác. Chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá một góc khác của nước Ý...

Nguyễn Huy

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/du-lich-y-den-tiem-ca-phe-lau-doi-nhat-the-gioi-o-venice-219024.html