Cuộc quay lại thị trường mang tên 'tăng tốc'
Điều đáng nói, thời điểm bắt đầu lại cho sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới rơi vào đúng quý cuối trong năm, thời gian mà nếu lệ thường là gắn liền với sự tăng tốc về đích của 1 năm làm ăn. Vì vậy, lúc này nội lực của doanh nghiệp đến đâu, ở mức nào cũng thể hiện ra rất rõ.
Cuộc quay lại thị trường mang tê
Khoảng 50% doanh nghiệp tham gia thị trường
Những ca F0 tại phường Phú Tài –TP. Phan Thiết xuất hiện mấy ngày qua khiến một số khu phố ở đây bị phong tỏa đã làm người lao động của một doanh nghiệp FDI chuyên chế biến hải sản xuất khẩu thuộc KCN Phan Thiết giai đoạn 2 biến động theo từng ngày. Như ngày 29/9, tổng số người lao động đến công ty làm việc dừng ở khoảng 450 người, trong khi toàn công ty có hơn 500 người. Dù vậy, điều đó không ảnh hưởng gì lớn, vì thời gian qua, lúc Phan Thiết thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, công ty thực hiện mô hình sản xuất an toàn “3 tại chỗ” và số lượng công nhân thực hiện cho giãn cách bảo đảm quy định phòng dịch chỉ còn hơn 80 người. Bây giờ với hơn 450 người, công ty không chỉ thực hiện bảo đảm phòng dịch trong sản xuất theo Chỉ thị 15/CT-TTg tại 5 phân xưởng mà còn bố trí giờ ăn trưa cho từng phân xưởng riêng biệt, vì mỗi phân xưởng có khoảng 75 người. Có phân xưởng ăn cơm trưa lúc 10h30, có phân xưởng ăn trưa lúc 12 h…
Theo đại diện công ty, chuyện phòng chống dịch không còn lo nhiều nữa, vì việc tuân thủ các biện pháp đã thành nếp quen, ngay cả xét nghiệm theo định kỳ, cộng thêm người lao động trong công ty đã được chích ngừa vắc xin Covid-19. Giờ mối lo lớn nhất là sản xuất kinh doanh của công ty trong những tháng được xem là cuối năm này. Vì hiện tại, thị trường xuất khẩu chính của công ty là Nhật Bản cũng đang căng thẳng dịch bệnh nên sức mua giảm khiến các hợp đồng xuất khẩu không đạt như kế hoạch ban đầu.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm ở Công ty may xuất khẩu Thuận Tiến. Ảnh: Ngọc Lân
Nỗi lo trên cũng là nỗi lo chung của các doanh nghiệp ở TP. Phan Thiết, thị xã La Gi trong những ngày đã dỡ bỏ sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” hoặc quay lại thị trường sau thời gian ngưng hoạt động, vì thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Điều đáng nói, thời điểm bắt đầu lại cho sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới rơi vào đúng quý cuối trong năm, thời gian mà nếu lệ thường là gắng liền với sự tăng tốc về đích của 1 năm làm ăn. Vì vậy, lúc này nội lực của doanh nghiệp đến đâu, ở mức nào cũng thể hiện ra rất rõ. Tại 2 địa bàn vừa chuyển từ sắc đỏ sang sắc cam, vàng với dịch Covid-19 là TP.Phan Thiết và thị xã La Gi, chính quyền 2 nơi trên cho biết có khoảng 50% doanh nghiệp đã quay lại thị trường, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Tùy vào nội lực doanh nghiệp
Điều ghi nhận được trong tháng 9 cho thấy đây là thời gian mà chính quyền các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh hỗ trợ theo các chính sách hiện hành cho người sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời đó tỉnh cũng triển khai chích ngừa vắc xin cho các doanh nghiệp. Dù việc hỗ trợ mang tính san sẻ ở nhiều góc độ nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh có lúc này, nơi kia còn vướng, phải chờ giải quyết cũng như việc chích vắc xin chưa thể phủ hết người lao động của các doanh nghiệp, tính đến thời điểm này, nhưng tất cả đã góp phần giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động hoặc quay lại thị trường. Hơn thế, việc cung cấp thông tin liên quan hay những đốc thúc, quan tâm cũng là cơ sở để các doanh nghiệp tính toán tham gia thị trường vào thời điểm thích hợp.
Như Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, vào giữa tháng 9 đã ban hành Văn bản số 640 gửi đến các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đề nghị báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và kế hoạch khôi phục sản xuất sau khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Trong đó, nhấn mạnh cần các thông tin về tình hình khó khăn trong sản xuất cũng như những vướng mắc trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Kết quả, phần lớn doanh nghiệp báo về mọi hoạt động đều bình thường. Hiện các khu công nghiệp đã có 17/24 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động đã hoạt động trở lại. 7 doanh nghiệp còn lại chưa thể tham gia thị trường vì đang gặp khó khăn về vốn, nguyên liệu, đơn hàng, thị trường… nhưng cũng có kế hoạch tạm hoãn hoạt động từ 1 - 3 tháng. Thời gian chậm nhất cho quay lại tham gia thị trường là cuối tháng 11/2021. Các doanh nghiệp này cũng đang làm thủ tục tạm ngưng hoặc hoãn thực hiện hợp đồng lao động với hơn 1.400 lao động để được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Để hỗ trợ 100% doanh nghiệp tham gia thị trường, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cũng đề nghị các ngành, địa phương đẩy nhanh việc xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1830/QĐ-UBND ngày 20/7/2021 của UBND tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, sớm triển khai tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 cho tất cả công nhân trong khu công nghiệp để các doanh nghiệp có điều kiện hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
Việc doanh nghiệp tham gia thị trường vào bối cảnh này ở chừng mực nào là tùy thuộc vào điều kiện lẫn nội lực của doanh nghiệp. Qua đó thể hiện rõ tinh thần doanh nhân vượt khó khăn. Xin kết bài về câu chuyện của 1 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nhật Bản ở phường Đức Thắng – TP. Phan Thiết. Vì thị trường này cũng đang bị dịch nên doanh nghiệp bị ngưng xuất các đơn hàng đã 2-3 tháng nay. Cộng với đó, việc tiêu thụ hàng trong nước cũng hạn chế, do du lịch chưa hoạt động, hệ thống siêu thị thì tiêu thụ cầm chừng… nên sản lượng giảm sát đến 50%. Vì không có doanh thu, trong khi phải giữ chân người lao động, cộng thêm phải tích trữ nguyên liệu, nhất là đang trong vụ khai thác cá nam nên đại diện công ty này cho biết là lỗ, nhưng lại kèm theo hy vọng mong chỉ lỗ kéo dài đến cuối năm. Hỗ trợ cho hành trình vượt khó này là ngân hàng cho công ty vay vốn với lãi suất 5%/gói vay 6 tháng để trang trải. Và từ đây, việc tính toán bắt đầu ổn định vào đầu năm sau trở nên nhiều hy vọng.
Hảo Chi