Cuộc săn lùng tài sản của giới siêu giàu Nga bắt đầu
Chính phủ nhiều nước đã bắt đầu chiến dịch săn lùng tài sản hàng tỷ USD của những doanh nhân giàu có nhất nước Nga, từ du thuyền, biệt thự, máy bay cho đến tài khoản ngân hàng.
Mới đây, nhà chức trách Pháp thu giữ hàng loạt du thuyền thuộc về các tỷ phú Nga nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây, trong đo có du thuyền mang tên Amore Vero dài 85 m.
Du thuyền này được cho thuộc về Igor Sechin, Giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Rosneft. Vụ bắt giữ diễn ra ngay trong đêm, giới chức Pháp cho biết con tàu khi đó đang chuẩn bị rời khỏi cảng.
Quyết định săn đuổi khối tài sản khổng lồ của các tỷ phú chỉ là một phần trong nỗ lực toàn diện của phương Tây nhằm trả đũa nền kinh tế Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, theo Wall Street Journal.
Trừng phạt giới siêu giàu Nga
Mikhail Fridman, nhà tài phiệt sáng lập quỹ đầu tư LetterOne Holdings SA ở Luxembourg, đã bị loại bỏ khỏi công ty này. LetterOne Holdings SA cho biết đã đóng băng cổ phần, lợi tức của Fridman, đồng thời cấm nhà tài phiệt này giao dịch, liên hệ với các thành viên của quỹ.
Alexey Mordashov, cổ đông lớn nhất của tập đoàn du lịch Đức TUI AG, cũng là một trong những người giàu nhất nước Nga, đã bị loại khỏi ban giám sát của tập đoàn do nằm trong danh sách trừng phạt.
Hôm 3/3, Mỹ và Anh tiếp tục công bố thêm các biện pháp trừng phạt, cấm di chuyển với tầng lớp siêu giàu và tinh hoa của Nga.
Theo đó, Mỹ áp đặt lệnh cấm di chuyển với 19 tài phiệt Nga cùng 47 thành viên gia đình và người có liên quan. Anh áp đặt cấm vận tương tự với 2 tài phiệt Nga, trong đó có một cựu phó thủ tướng.
Tại Nga từ lâu tồn tại một tầng lớp tinh hoa đặc quyền, gồm các tài phiệt, quan chức, nhà báo và các cá nhân khác. Nhiều năm qua, nhóm này có cuộc sống xa hoa với tài sản trải khắp các nước châu Âu và Mỹ. Giờ đây, nhóm đặc quyền này lọt vào tầm ngắm của phương Tây.
Tuần qua, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết phương Tây đã thành lập các nhóm công tác đặc biệt nhằm săn lùng tài sản của giới siêu giàu và tinh hoa Nga.
"Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ truy tìm, thu giữ du thuyền, biệt thự xa xỉ, máy bay cá nhân của các vị. Chúng tôi sẽ truy lùng những tài sản, lợi ích bất chính của các vị", Tổng thống Joe Biden tuyên bố.
Vladimir Soloviev là một người dẫn chương trình trên kênh truyền hình nhà nước Nga. Tuần qua, Soloviev bị đưa vào danh sách trừng phạt của EU. Người này có hai biệt thự xa xỉ bên bờ hồ Como ở Italy.
"Tôi đã mua hai biệt thự và phải trả số tiền thuế khổng lồ. Và rồi đột nhiên ai đó quyết định rằng tôi giờ nằm trong danh sách trừng phạt", Soloviev phản ứng trên một chương trình truyền hình sau khi bị EU nhắm đến.
Tỷ phú Sechin, người sở hữu du thuyền Amore Vero bị bắt giữ ở Pháp, vốn nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ từ 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Khi đó, Sechin tuyên bố quyết định trừng phạt của Mỹ cho thấy tầm ảnh hưởng to lớn của bản thân tại tập đoàn Rosneft.
Giờ đây, Sechin đã bị đưa vào danh sách trừng phạt của EU.
Du thuyền Amore Vero được bàn giao năm 2013. Về danh nghĩa, du thuyền được mua bởi một công ty bình phong do Sechin sở hữu, đăng ký tại Quần đảo Cayman. Du thuyền dự kiến cập bến La Ciotat từ 3/1 đến 1/4 để sửa chữa. Nhà chức trách Pháp cho biết con tàu đã có kế hoạch rời đi sớm trước khi bị thu giữ.
Gây sốc
Giới chức phương Tây sẽ đối mặt hàng loạt trở ngại trong cuộc săn lùng tài sản của các tỷ phú Nga. Thông thường, quyền sở hữu thực sự những tài sản này bị che đậy đằng sau tầng tầng lớp lớp các công ty bình phong đăng ký ở các thiên đường thuế. Chủ sở hữu những công ty bình phong có thể là thành viên gia đình, bạn bè chứ không phải các tài phiệt Nga.
Bằng cách mở rộng lệnh trừng phạt sang các thành viên gia đình và thân tín của giới tài phiệt, phương Tây hy vọng sẽ giải quyết được một phần khó khăn trên.
Các nỗ lực thu giữ tài sản của giới siêu giàu Nga cũng có thể vấp phải các thủ tục pháp lý phức tạp.
Arkady Rotenberg, doanh nhân từng tập judo với Tổng thống Putin, sở hữu chung với vợ một biệt thự lớn ở Anh. Bất động sản này được mua từ 2012 bởi một công ty bình phong đăng ký ở British Virgin với giá 37 triệu USD.
Công ty bình phong ở British Virgin thuộc sở hữu của một quỹ tín thác. Tuy vậy, công ty nói trên lại sử dụng các khoản vay từ một công ty đăng ký ở Cộng hòa Cyprus thuộc sở hữu của ông Rotenberg.
Sau khi Nga tấn công Ukraine, Rotenberg bị đưa vào danh sách trừng phạt của phương Tây. Tòa án Anh hiện thụ lý vụ kiện để quyết định ai là chủ sở hữu thực sự của căn biệt thự 37 triệu USD.
Các biện pháp trừng phạt nhắm vào giới siêu giàu Nga được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy vào từng quốc gia, thậm chí khác nhau giữa các cơ quan thực hiện của cùng một quốc gia.
Nhiều biện pháp trừng phạt cá nhân nhằm đóng băng tài sản, đồng nghĩa không làm thay đổi quyền sở hữu, nhưng chủ sở hữu tài sản sẽ không thể thu lợi từ tài sản bị nhắm tới. Giới nhà giàu Nga sẽ không thể sử dụng, bán hay hưởng thu nhập từ tài sản bị đóng băng.
Việc thu giữ tài sản có thể đối mặt các thủ tục pháp lý kéo dài nhiều năm. Giới chức Anh cho biết họ cần thời gian chuẩn bị căn cứ cho quyết định thu giữ tài sản các cá nhân bị trừng phạt nhằm tránh bị tòa án bác bỏ sau này.
Chính phủ Mỹ có thể tịch thu tài sản bằng lệnh tạm thời của tòa án, nhưng sau đó phải chứng minh chủ sở hữu có hành vi phạm tội. Các vụ án như vậy có thể kéo dài nhiều năm.
Bước đi quyết liệt của giới chức phương Tây nhắm vào tài sản của tài phiệt Nga khiến giới siêu giàu nước này, ngay cả những người không nằm trong danh sách trừng phạt, bị sốc.
Tỷ phú Roman Abramovich, chủ sở hữu CLB Chelsea, tuyên bố từ bỏ quyền quản lý đội bóng. Không lâu sau đó, ông thông báo quyết định bán CLB Chelsea. Abramovich cũng đang tìm cách bán căn biệt thự ở London. Dù vậy đến nay, tỷ phú Abramovich chưa bị đưa vào danh sách trừng phạt.
Một số chuyên gia kinh tế Nga cho rằng việc tịch thu tài sản của giới siêu giàu và tinh hoa Nga ít có khả năng tác động tới Tổng thống Putin. Một số tài phiệt nằm trong danh sách trừng phạt không có mấy ảnh hưởng với ông chủ Điện Kremlin.
Tuy nhiên, việc săn lùng những tài sản xa xỉ của giới tinh hoa Nga sẽ khiến cuộc sống của những người này trở nên đặc biệt khó khăn, Anders Aslund, cựu cố vấn kinh tế cho chính phủ Nga, nhận định.
Một số tài phiệt Nga đã tìm cách chứng minh bản thân không có liên hệ tới cuộc chiến ở Ukraine, thậm chí chỉ trích quyết định phát động chiến dịch quân sự.
Trong tuyên bố mới đây, tỷ phú Mordashov, người nắm giữ cổ phần tại tập đoàn TUI, cho biết cuộc chiến là "bi kịch cho hai dân tộc anh em".