Cuộc 'sát hạch' đội ngũ làm công tác giảng dạy chính trị tại cơ sở

Diễn ra từ ngày 27 đến ngày 30/3/2023, Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm 2023 do Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị tổ chức được xem như một cuộc 'sát hạch' thực chất trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy chính trị tại các đơn vị cơ sở. Qua đó, giúp cấp ủy, chỉ huy đơn vị đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp tục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn để đội ngũ cán bộ chính trị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đại tá Ngô Xuân Thường (thứ 5 từ trái sang) trao thưởng cho các cá nhân đạt giải cao tại hội thi. Ảnh: Thành Phú

Đại tá Ngô Xuân Thường (thứ 5 từ trái sang) trao thưởng cho các cá nhân đạt giải cao tại hội thi. Ảnh: Thành Phú

Mở rộng đối tượng để thay đổi quan niệm

Thực tế công tác cho thấy, thời gian qua, việc giảng dạy chính trị ở một số đơn vị cơ sở bị chậm so với tiến trình biểu huấn luyện. Lý do chủ yếu là do công tác chuẩn bị và trực tiếp giảng dạy chuyên đề chính trị khá công phu và đòi hỏi người đứng lớp phải có năng khiếu sư phạm để truyền đạt đầy đủ nội dung, nói hay để cuốn hút người nghe..., dẫn đến một số cán bộ “ngại” giảng dạy chính trị. Thêm vào đó là việc tiếp cận, cập nhật thông tin mới, chuyên sâu cũng có phần bị hạn chế, cho nên cán bộ giảng dạy luôn gặp khó trong việc mở rộng kiến thức, ví dụ minh họa cho bài giảng.

Chính vì thế, năm 2023, Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị của BĐBP Quảng Trị có sự đổi mới so với những năm trước, số lượng thí sinh tham gia nhiều hơn (64 thí sinh) và đối tượng được mở rộng, bao gồm: Chính trị viên, Chính trị viên phó, Phó Đồn trưởng, Đội trưởng (Phó Đội trưởng) Vận động quần chúng, Bí thư Chi bộ trực thuộc các đồn Biên phòng, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, Hải đội 2, trợ lý các Phòng, Văn phòng Bộ Chỉ huy. Đại tá Ngô Xuân Thường, Phó Chính ủy BĐBP Quảng Trị cho biết: “Để giúp đội ngũ cán bộ các cấp xóa bỏ quan niệm “Việc chính trị là của cán bộ chính trị”, tại hội thi lần này, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã quyết định mở rộng đối tượng tham gia và chỉ đặt tiêu đề là “Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị”, chứ không như những lần trước gọi là: “Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị giỏi”. Chỉ cần bỏ đi từ “giỏi” thôi, song đã tạo thêm niềm tin cho anh em trong quá trình thực hiện phần thi của mình”.

Bắt buộc phải sử dụng công nghệ thông tin

Những lần tổ chức hội thi trước đây, việc biên soạn và sử dụng giáo án điện tử tuy có đặt ra, song vẫn còn hiện tượng “du di” cho một số đồng chí lớn tuổi và hạn chế về việc thao tác, sử dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, trong hội thi lần này, việc bắt buộc sử dụng công nghệ thông tin đã được đưa vào quy chế một cách cụ thể, đồng thời, có điểm thưởng cho những ai sử dụng tốt, hiệu quả công nghệ và trừ điểm nếu người nào thực hiện yếu.

Từ quy chế chặt chẽ nên 100% thí sinh tham gia hội thi đều phải chuẩn bị giáo án điện tử và khá thành thạo trong khâu sử dụng, không đồng chí nào bị lỗi trong quá trình thực hiện phần thi của mình. Nhiều bài giáo án đã được xây dựng công phu, đẹp về giao diện, hình ảnh minh họa tốt, nhìn cuốn hút, như bài dự thi của Đại úy Nguyễn Văn Tám, Đồn Biên phòng Ba Nang; Thượng úy Lưu Văn Sơn, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt; Thiếu tá Nguyễn Xuân Thế, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo... Thượng tá Nguyễn Thanh Tiềm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cồn Cỏ chia sẻ: “Việc xây dựng giáo án điện tử ngắn gọn, súc tích, sinh động và đẹp là chẳng hề đơn giản đối với những người “cũ” như tôi. Song, sau khi nghiên cứu quy chế hội thi, bản thân tôi đã phải cố gắng nghiên cứu, học hỏi và luyện tập để hoàn thành tốt phần thi của mình mà không bị trừ điểm do yếu về sử dụng công nghệ thông tin”.

Bám sát thực tiễn và ý nghĩa thiết thực

Thượng úy Lưu Văn Sơn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt chọn nội dung: “Bảo vệ biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới”. Bài thi đã kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, cung cấp thêm nhiều thông tin giá trị, đan xen vào đó là những ví dụ rất cụ thể trong việc tuyên truyền, giáo dục ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật trên biển, không khai thác thủy sản bất hợp pháp, cùng với cách trình bày tự tin, vì thế, bài dự thi đã đạt giải Nhất.

Đại úy Nguyễn Văn Tám, Đồn Biên phòng Ba Nang trình bày phần dự thi của mình tại hội thi. Ảnh: Thành Phú

Đại úy Nguyễn Văn Tám, Đồn Biên phòng Ba Nang trình bày phần dự thi của mình tại hội thi. Ảnh: Thành Phú

Chọn và đi sâu phân tích nội dung Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và những đặc trưng cơ bản của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, Đại úy Nguyễn Văn Tám, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ba Nang đã vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tiễn của đơn vị, nêu cao trách nhiệm của người chiến sĩ Biên phòng qua công tác vận động người dân tộc Vân Kiều thay đổi nếp tư duy sản xuất, chăn nuôi cũ, tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, giá trị thương mại hàng hóa, tăng thêm thu nhập cho gia đình; xây dựng khối đoàn kết quân-dân luôn luôn bền vững... Với cách thể hiện đó, Đại úy Nguyễn Văn Tám đã đạt giải Nhì tại hội thi.

Được chứng kiến Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị của BĐBP Quảng Trị, chúng tôi nhận thấy, trong quá trình thi, các thí sinh luôn thể hiện tinh thần cầu thị, cùng với sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu cho 4 nội dung gồm: Thi soạn bài giảng (gồm bài giảng trên giấy và bài giảng điện tử); kiến thức; thực hành giảng bài, kết hợp xử lý tình huống sư phạm trong quá trình giảng bài; xử lý tình huống liên quan đến công tác tư tưởng. Đa số cán bộ dự thi đều có sự chuẩn bị chu đáo về nội dung, sưu tầm được nhiều tư liệu, hình ảnh phong phú; bình tĩnh, tự tin, có phương pháp giới thiệu bài giảng phù hợp nên rất dễ nghe và dễ hiểu.

Đại tá Đinh Xuân Hùng, Chính ủy BĐBP Quảng Trị cho biết: “Mặc dù đối tượng tham gia hội thi được mở rộng, song, trình độ thí sinh khá đồng đều, hầu hết nắm vững kiến thức và sử dụng thành thạo các phương tiện hỗ trợ giảng dạy. Thông qua hội thi giúp cấp ủy, chỉ huy các cấp nắm được thực chất đội ngũ cán bộ tham gia giảng dạy chính trị. Từ đó, có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức toàn diện và năng lực, kỹ năng sư phạm để cán bộ thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới”.

Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm 2023 của BĐBP Quảng Trị đã và đang lan tỏa sâu rộng trong toàn cán bộ, chiến sĩ đơn vị và tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, quản lý giáo dục chính trị của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cơ sở. Qua đây, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới và góp phần xây dựng, bảo vệ, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong BĐBP Quảng Trị.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cuoc-sat-hach-doi-ngu-lam-cong-tac-giang-day-chinh-tri-tai-co-so-post460317.html