Cuộc sống '3 không' ở Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa

Ở nơi 'rừng thiêng nước độc', không điện sáng, không đường giao thông, không sóng điện thoại, hiểm nguy rình rập, cuộc sống sinh hoạt khó khăn, vất vả... những cán bộ Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, huyện Như Xuân vẫn không quản nắng mưa, ngày đêm vượt đèo, lội suối để tuần tra, giữ bình yên cho đại ngàn.

Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa, Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, huyện Như Xuân.

Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa, Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, huyện Như Xuân.

Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa là một trong những trạm bảo vệ rừng xa xôi, khó khăn bậc nhất của Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng. Để vào được trong trạm, ít nhất phải mất chừng hơn 1,5 giờ đi xe máy, qua cánh rừng bạt ngàn với những cung đường đất, đá lởm chởm, sình lầy. Trong căn nhà cấp 4 được xây dựng đã lâu với diện tích gần 60m2 nay đã xuống cấp, ngoài 3 chiếc giường cũ kỹ kê ngay ngắn, vật dụng còn lại không có gì đáng giá. Đây là không gian sinh hoạt, làm việc của 5 cán bộ bảo vệ rừng. Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau, vì tình yêu với rừng đã không quản ngại khó khăn, gian nan, vất vả bám trụ.

Hơn 18h, anh Lê Nhật Duyệt, Trưởng Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa mới trở về sau một ngày đi rừng vất vả. Trong bộ quần áo lấm lem bùn đất, anh cho biết, đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ gần 4.000ha rừng, phần lớn là rừng giáp ranh với huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Nhiệm vụ chính là đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng giáp ranh, kiểm lâm địa bàn nắm bắt thông tin, tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh rừng, ngăn chặn không để người dân tự ý vào rừng săn bắn, bắt ong, khai thác lâm sản trái phép. Chủ động kiểm tra, giám sát các hộ nhận khoán, không để xảy ra việc vén rừng, lấn rừng, khai thác, thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển, phòng cháy, chữa cháy rừng...

Sau một ngày tuần rừng vất vả, anh em Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa lại chuẩn bị bữa cơm tối.

Sau một ngày tuần rừng vất vả, anh em Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa lại chuẩn bị bữa cơm tối.

Anh Duyệt chia sẻ: Đường tuần tra rừng ở đây khá hiểm trở, qua nhiều khe suối, rừng sâu nên rất vất vả, đặc biệt vào mùa mưa. Những cơn mưa rừng khiến đường đi trơn trượt, mọi người phải bám vào cây cối ven đường hoặc dùng gậy để bước từng bước. Trung bình, mỗi tuần anh em thay phiên nhau tuần tra gần 20km đường rừng quanh co, khúc khuỷu, leo núi rồi xuống dốc rất nguy hiểm. Hầu như chúng tôi phải đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về.

Đặc thù đóng quân biệt lập, xa trung tâm, nên ngoài nhiệm vụ giữ rừng, anh Phạm Ngọc Thìn (quê Nông Cống) cán bộ trẻ nhất của trạm còn kiêm luôn công việc nội trợ. Để cải thiện bữa ăn cho anh em, xung quanh trạm, anh Thìn xới từng khoảnh đất, trồng đủ các loại rau tùy theo mùa vụ, nuôi thêm gà, vịt... “Do đặc thù công việc nên anh em thường dậy rất sớm để chuẩn bị cơm nắm, có hôm chỉ mang theo ít lương khô, vài gói mỳ tôm, nước lọc đem theo ăn tạm trong rừng”, anh Thìn cho biết.

Hơn 20 năm gắn bó với núi rừng, anh Lữ Văn Nam (SN 1983), quê xã Bãi Trành, huyện Như Xuân đã từng phụ trách nhiều địa bàn khác nhau. Hơn ai hết anh nếm trải những năm tháng gian khổ của nghề, am hiểu từng gốc cây, ngọn cỏ, địa hình rừng núi nơi đây. Anh tâm sự: So với các trạm bảo vệ rừng khác, Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa xa xôi, khó khăn nhất. Bất tiện hơn cả là việc không có sóng điện thoại, nhiều lúc nhớ vợ con muốn gọi về phải đặt điện thoại trên nhánh cây để hứng sóng nhưng cũng chập chờn, câu được câu chăng. Để có điện sử dụng, anh em phải dùng tạm bằng tấm pin năng lượng mặt trời, dẫu vậy cũng chỉ đủ thắp 2 bóng điện vào buổi tối. Ngày nắng thì đủ dùng, những ngày trời âm u, mưa thì không có điện. Gần đây, trạm được lãnh đạo ban quan tâm, đầu tư lắp thêm một bình inox đựng nước mưa dự trữ, còn lại sinh hoạt chủ yếu bằng nguồn nước suối. Cuộc sống thiếu thốn đủ bề, những lúc trái gió trở trời, ốm đau không người thân chăm sóc, cộng thêm áp lực công việc, mức thu nhập thấp, nhưng cán bộ Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa luôn xác định nhiệm vụ công việc lên hàng đầu, khó khăn đến đâu cũng phải động viên nhau vượt qua.

Để có điện sinh hoạt, anh em trong trạm phải dùng tạm bằng tấm pin năng lượng mặt trời.

Để có điện sinh hoạt, anh em trong trạm phải dùng tạm bằng tấm pin năng lượng mặt trời.

“Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, huyện Như Xuân được giao khoán bảo vệ 7.760,97ha rừng (bao gồm đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất) chia đều cho 3 trạm. Phần lớn các trạm đóng xa khu dân cư, có nơi tận sâu trong rừng, không điện sáng, không nước sinh hoạt, không sóng điện thoại. Hằng năm lãnh đạo ban cũng hỗ trợ một ít kinh phí từ quỹ công đoàn để các trạm mua thêm dê, gà chăn nuôi. Dự kiến thời gian tới sẽ tiến hành xây dựng, lắp đặt hệ thống điện bằng pin năng lượng mặt trời tại 3 trạm... góp phần vơi bớt những khó khăn, nhọc nhằn mà anh em đang trải qua”, ông Hàn Văn Huyền, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng, huyện Như Xuân cho biết.

Bài và ảnh: Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cuoc-song-nbsp-3-nbsp-khong-o-tram-bao-ve-rung-vuc-dua-34309.htm