Cuộc sống bên những bờ biển 'biến mất' do biến đổi khí hậu
Các cộng đồng ven biển ở Mexico, Bangladesh và Somalia đang phải vật lộn để thích ứng với hệ quả từ cuộc khủng hoảng khí hậu.
Biến đổi khí hậu sẽ khiến loài người phải chuẩn bị cho một cuộc chiến cam go chống lại mực nước biển dâng cao trong hàng trăm năm tới. Hiện tượng mực nước biển dâng do sự giãn nở nhiệt và băng tan ở Greenland và Nam cực là minh họa thực tế nhất cho tác động của biến đổi khí hậu. Nước biển dâng sẽ tàn phá các thành phố, thị trấn, khu vực nông nghiệp và tài nguyên nước ngọt trong tương lai gần ở các khu vực ven biển.
Mexico
Alicia đứng trong phần còn lại của ngôi nhà của cô ở thị trấn Sánchez Magallanes, thuộc bang Tabasco, miền nam Mexico, trên một dải cát giữa đại dương và đầm phá. Xói mòn đã phá hủy nền móng một phần của ngôi nhà, khiến nó chỉ còn lại hai phòng và nhà bếp.
Sau một cơn bão cách đây sáu năm, Alicia nói: “Cát phủ kín lối vào. Chúng tôi chỉ cần đi qua hành lang là sẽ nhìn thấy biển, không có gì khác ngoài biển. Ngôi nhà của chúng tôi đã biến mất, chỉ còn lại biển và cát. Tôi chỉ biết khóc”.
Chồng của Alicia, anh Juan, cố gắng đắp nền móng của ngôi nhà của họ bằng cát mỗi ngày với nỗ lực ngăn nước biển làm xói mòn thêm. Tuy nhiên chỉ một tuần sau khi bức ảnh ngôi nhà được chụp, một vài chỗ khác lại tiếp tục sập.
Hơn 90% diện tích của bang Tabasco là vùng trũng ngập lụt và có hệ thống sông ngòi chằng chịt, trong đó 30% lượng nước ngọt của Mexico đều chảy qua bang này. Mưa lớn khiến các con sông tại đây bị vỡ bờ. Đây đồng thời cũng là khu vực đối tượng của các trận cuồng phong.
Thời gian gần đây, một con đường mới từ thị trấn Sánchez Magallanes đến thị trấn Paráiso gần đó đã được xây dựng, song song với một con đường cũ đang bị nước biển ăn mòn. Người dân địa phương tin rằng sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi xói mòn xảy ra trên con đường mới.
Somalia
Bandarbeyla, một thị trấn nhỏ ở đông bắc Somalia, là một trong nhiều khu định cư dọc theo bờ biển của đất nước cảm nhận rõ ràng nhất những tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 đã giết chết hàng trăm người Somalia và phá hủy hơn 300 ngôi nhà. Thậm chí 17 năm sau, một số gia đình vẫn đang phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ vì họ không đủ khả năng xây dựng lại những ngôi nhà kiên cố.
Sóng thần cũng đã tàn phá sinh kế của người dân nơi đây: tàu thuyền bị phá hủy khiến họ không thể duy trì một trong những nguồn thu nhập chính – đánh bắt cá. Theo Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ (IFRC), việc thiếu luật pháp về biến đổi khí hậu và các chính sách hiệu quả về sử dụng đất, quản lý rủi ro thiên tai và thủy sản đã “cho phép các hoạt động rủi ro cao, chẳng hạn như xây dựng ở các khu vực dễ bị xói lở bờ biển, tiếp tục chưa được kiểm soát”.
Thị trưởng thị trấn Bandarbeyla, Rashid Yuusuf, cho biết: “Biến đổi khí hậu đã làm thay đổi các mô hình gió, một vấn đề thực sự ảnh hưởng đến việc đánh bắt cá”.
Ở Bulhar, xa hơn về phía bắc dọc theo bờ biển Somalia, nhiệt độ tăng cao đã đẩy người dân lên đất liền sinh sống để tìm kiếm khí hậu mát mẻ hơn. Nhiệt độ ở đây thường vượt quá 40 độ C trong ngày.
Zakaria Hassan Musa, Phó thị trưởng quận Bulhar cho biết: “Hiện tại, chỉ có 500 người dân sống ở đây. Thị trấn này từng có dân số khoảng 2.000 người”. Nhiệt độ nước biển cao cũng khiến những đàn cá di chuyển vào vùng nước sâu hơn.
Bangladesh
Ở khu vực Nam Á, Bangladesh là quốc gia bị ảnh hưởng đặc biệt bởi lũ lụt và mất mùa, chiếm gần một nửa số người “di cư khí hậu” được dự đoán, khoảng 19,9 triệu người.
Tại làng Pratapnagar, thuộc quận Satkhira gần Sundarbans, con đê bùn bảo vệ cộng đồng ven biển đã nhiều lần bị phá hủy do thủy triều đập. Dân làng luôn phải tiếp tục xây dựng lại một con đập vòng sau mỗi thảm họa để bảo vệ cộng đồng của họ khỏi bị thủy triều xâm lấn.
Ở ngôi làng Katmarchar gần đó, Sushila Rani Baulia chỉ về nơi đã từng là ruộng lúa và rau của gia đình cô. Hầu hết lương thực sử dụng trong năm đều được sản xuất ở đó, nhưng trận lũ lụt từ Siêu bão Amphan năm ngoái đã phá hủy tất cả. Giờ đây gia đình cô phải mưu sinh bằng nghề làm thuê.
Bão Yaas đổ bộ vào Vịnh Bengal vào tháng 5 năm nay đã nhấn chìm hầu hết các giếng ống trong làng Gantirgheri gần thành phố Khulna. Tuy nhiên, khi thủy triều lên, khu vực này vẫn tiếp tục bị nhấn chìm.
Các dòng chảy mạnh do Cơn bão Yaas thổi lên đã cuốn trôi con đê bảo vệ cư dân ven biển. Mọi người đều đang lo lắng về tương lai vì ngôi làng đang dần bị thủy triều cuốn trôi.