Cuộc sống của bộ tộc Kuikuro tại đầu nguồn sông Xingu

Kuikuro là bộ tộc bản địa sinh sống tại vùng Mato Grosso của Brazil. Bộ tộc Kuikuro có dân số chỉ khoảng 592 người vào năm 2010. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các khu định cư của người Kuikuro tại đầu nguồn sông Xingu, Brazil bắt đầu được hình thành từ khoảng 1.500 năm trước đến khoảng 400 năm trước; sau đó, dân số Kuikuro giảm dần do dịch bệnh.

Đàn ông Kuikuro trong trang phục truyền thống. Ảnh: Gomartin

Đàn ông Kuikuro trong trang phục truyền thống. Ảnh: Gomartin

Theo nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử của tổ tiên Kuikuro bắt đầu từ khoảng 1.000 năm trước. Năm 1884, trong chuyến thám hiểm tới Brazil, ông Karl von den Steinen (Đức) đã khám phá ra nơi ở của người Kuikuro. Trong quá trình tiếp xúc với những người châu Âu khác, nhiều căn bệnh đã lây lan cho người Kuikuro, do đó, dân số Kuikuro giảm xuống đáng kể. Ước tính, dân số Kuikuro đã giảm từ 3.000 người bản địa vào năm 1900 xuống còn hơn 700 người vào cuối năm 1940.

Môi trường nơi người Kuikuro sinh sống là rừng nhiệt đới khô, với những khu vực rừng savan rộng lớn. Lượng mưa trung bình khoảng 190cm trong mùa mưa. Mùa khô bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Bộ tộc Kuikuro thường định cư tại các nơi gần sông hồ để thuận tiện trong sử dụng nguồn nước. Các ngôi làng của người Kuikuro được sắp thành hình tròn với khoảng sân trung tâm. Các trục đường chính của các làng được căn chỉnh theo các điểm của la bàn (Bắc-Nam, Đông-Tây) và phù hợp với các yếu tố quan trọng của cảnh quan địa phương như cảng và cầu.

Cách bố trí này không chỉ cho thấy sự hợp nhất của nhiều ngôi làng trên khắp lãnh thổ của người Kuikuro sinh sống, mà còn cho thấy sự hiểu biết sâu sắc về thiết kế kiến trúc, thiên văn học và hình học. Trung tâm của ngôi làng thường có một nhà hội trường lớn dành cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Ngôi nhà của người Kuikuro có hình bầu dục lớn với các thiết kế kiến trúc cực kỳ phức tạp. Mái nhà được lợp bằng cỏ; nhà có hai cửa nhỏ hai bên.

Tôn giáo của bộ tộc Kuikuro là sự pha trộn giữa tín ngưỡng Shaman và niềm tin tâm linh. Tín ngưỡng của người Kuikuro dựa trên những câu chuyện truyền thống giải thích cách thức và lý do mọi thứ tồn tại. Người Kuikuro tin rằng Giti (Mặt trời) và Alukuma (Mặt trăng) đã tạo ra thế giới; đồng thời tin Itseke (những sinh vật sống dưới nước và trong rừng) mang đến bệnh tật và cái chết. Mỗi ngôi làng của bộ tộc Kuikuro đều có một pháp sư - người đóng vai trò là nhà lãnh đạo tôn giáo và chữa bệnh.

Bộ tộc Kuikuro trồng các loại sắn, khoai lang, ngô, bông, hạt tiêu, thuốc lá, chuối, dưa hấu và đu đủ. Trong đó, diện tích trồng sắn chiếm 85%. Ngoài ra, người Kuikuro còn đánh cá bằng các phương pháp truyền thống bằng cung tên, giáo và lưới. Bộ tộc Kuikuro chủ yếu kiếm sống bằng việc sản xuất các đồ thủ công mỹ nghệ và trang sức. Đàn ông Kukuiro thường phụ trách công việc đồng áng, làm vườn, chế tạo vũ khí, đồ trang trí và đồ dùng trong gia đình. Phụ nữ Kuikuro đảm nhiệm việc thu hoạch, nấu nướng và đan võng, chiếu.

Trong gia đình, đàn ông Kuikuro mới cưới sẽ ở lại nhà vợ và tham gia vào các hoạt động sản xuất hàng ngày của gia đình. Sau một vài năm hoặc nhiều năm, cặp vợ chồng Kuikuro có thể xây dựng ngôi nhà của riêng mình. Để cưới vợ, đàn ông Kuikuro phải thuyết phục được cha mẹ cô gái. Theo phong tục, đàn ông Kuikuro đặt một đống củi lớn bên ngoài nhà mẹ vợ tương lai; nếu mẹ vợ tương lai lấy củi sử dụng tức là bà đã chấp nhận tổ chức hôn lễ cho con gái mình.

Lễ cưới được tổ chức chủ yếu để trả sính lễ. Nếu nhà trai thiếu sính lễ (thường là vòng cổ, dây thắt lưng bằng vỏ sò) thì phải làm lễ đón dâu thay thế. Gia đình người Kuikuro hạt nhân thường có 3 đến 5 người trong một ngôi nhà chung. Mỗi gia đình có lò sưởi riêng gần cột nhà trung tâm. Khi chủ nhà qua đời, các tài sản của người này sẽ được để cho con cái thừa kế, ưu tiên cho con gái.

Trẻ em trong gia đình người Kuikuro được dạy dỗ cẩn thận từ nhỏ; bé gái thường được học các công việc nội trợ, còn bé trai được học các môn nghệ thuật và thủ công.

Thu Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cuoc-song-cua-bo-toc-kuikuro-tai-dau-nguon-song-xingu-post458756.html