Cuộc sống của người dân Haiti khó khăn chồng chất giữa hàng loạt khủng hoảng
Cuộc sống hàng ngày ở Haiti có nguy cơ rơi vào mất kiểm soát sau khi Thủ tướng Ariel Henry thông báo cắt hoàn toàn khoản trợ cấp nhiên liệu và giá cả đang tăng lên gấp đôi.
Theo hãng AP, Haiti, quốc gia nghèo nhất ở Tây bán cầu đang rơi vào tình trạng lạm phát và bạo lực gia tăng. Bạo lực hoành hành đã khiến nhiều phụ huynh thậm chí không cho con đến trường. Nhiên liệu và nước sạch khan hiếm. Bệnh viện, ngân hàng và cửa hàng tạp hóa đang phải vật lộn để duy trì hoạt động.
Cuộc sống người dân ở Haiti vô cùng khó khăn, thậm chí là hỗn loạn. Mức độ tê liệt và tuyệt vọng của người dân hiện được cho là chưa từng có. Lạm phát tăng vọt khoảng 30% đang làm trầm trọng thêm tình hình. Bên cạnh đó, kho nhiên liệu đã không hoạt động từ tháng 9 năm nay. Nhiều trạm xăng đã đóng cửa trong khi số khác đã hết nguồn cung cấp.
Việc thiếu nhiên liệu gần đây đã buộc các bệnh viện phải cắt giảm nhiều dịch vụ quan trọng và các công ty cung cấp nước phải đóng cửa. Ngân hàng và cửa hàng tạp hóa cũng đang rất khó khăn để duy trì hoạt động vì nguồn cung cấp nhiên liệu đã cạn kiệt và giá leo thang. Nhiều công nhân cũng không thể đi làm. Một gallon xăng có giá 30 USD trên thị trường chợ đen ở thủ đô Port-au-Prince và hơn 40 USD ở các vùng nông thôn. Người dân thậm chí phải đi bộ nhiều km để lấy thức ăn và nước uống vì phương tiện giao thông công cộng rất hạn chế.
" Đất nước Haiti hiện đang rất hỗn loạn, nhiều khả năng rơi vào tình trạng mất kiểm soát", ông Alex Dupuy, nhà nghiên cứu xã hội sinh ra ở Haiti cho biết.
Các băng đảng từ lâu đã năm quyền lực đáng kể ở quốc gia này. Liên hợp quốc ước tính các băng đảng ở Haiti kiểm soát khoảng 40% thủ đô Port-au-Prince và tiếp tục kiểm soát thêm nhiều lãnh thổ. Nhóm băng đảng cũng sử dụng bạo lực đối với dân thường trong những tháng gần đây, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Thậm chí, khoảng 20.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Tình trạng bắt cóc gia tăng đột biến. Bạo lực băng đảng có tổ chức tiếp tục gây xáo trộn dữ dội cuộc sống hàng ngày của người dân Haiti.
Thảm họa nhân đạo
Cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và bạo lực băng đảng đã quy tụ thành một thảm họa nhân đạo ở quốc gia vùng Caribe này.
Thủ tướng Haiti Ariel Henry đã cam kết sẽ tổ chức bầu cử ngay khi thấy an toàn. Trong bài phát biểu tại Liên hợp quốc, ông Henry nhấn mạnh "không hề muốn nắm quyền lâu hơn mức cần thiết".
"Đất nước của tôi đã trải qua cuộc khủng hoảng đa chiều, gây ra mối đe dọa nền dân chủ và nền tảng của nhà nước pháp quyền", ông Henry nhấn mạnh. Ông lên án nạn cướp bóc và bạo lực trên diện rộng và khẳng định những người phải chịu trách nhiệm vì tội ác trước lịch sử và tòa án".
Phát biểu tại Liên hợp quốc, Tổng thống Joe Biden cũng khẳng định Haiti đang đối mặt với "bạo lực băng đảng do chính trị và cuộc khủng hoảng con người rất to lớn".
Từ năm 2004 đến năm 2017, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã tích cực củng cố an ninh của đất nước và xây dựng lại các thể chế chính trị sau cuộc nổi dậy bạo lực lật đổ cựu Tổng thống Jean-Bertrand Aristide. Tình trạng thiếu thức ăn và nước uống gia tăng trong khi các vụ bắt cóc và hoạt động băng nhóm ngày càng mạnh.
"Không ai dám cho con đi học trong tình trạng này. Chúng sẽ không được an toàn", Jean-Wilson Fabre, Giáo viên một trường tiểu học ở Haiti nói.
Fabre là một trong số hàng triệu phụ huynh từ chối cho con đi học mặc dù Chính phủ đã thông báo trở lại lớp học vào ngày 3/10 theo lịch trình nhằm khôi phục trạng thái bình thường trong bối cảnh ngày càng bất ổn. Các tòa án ở Haiti cũng lên lịch mở cửa trở lại vào ngày 3/10 tuy nhiên Liên đoàn Luật sư quốc gia này vài ngày trước đã bày tỏ lo ngại về hoạt động gia tăng của các băng nhóm.
"Hiện tại mọi thứ đang trở nên tồi tệ", bà Merlay Saint-Pierre, một phụ huynh có hai con trai và đang thất nghiệp nói.
Hàng trăm người đã xếp hàng hàng giờ mỗi ngày chỉ để mua những xô nước. Xe tải giao hàng không thể đi vào khu vực lân cận vì có rào chắn.
"Tôi nghĩ rằng loại nước này không thể để uống mà chỉ giặt quần áo", ông Lionel Simon nói.
Theo thông tin, ít nhất 8 người đã chết vì bệnh tả trong những ngày gần đây và hàng chục người khác đã được điều trị. Tuy nhiên, ông Simon không lo lắng về bệnh dịch tả. Mối quan tâm lớn nhất của ông là các băng đảng và hiện tượng nhiều trẻ nhỏ vác theo súng.
"Chúng tôi không biết liệu cuộc sống có thể trở lại bình thường được hay không?" ông Simon nhấn mạnh./.