Cuộc sống của người dân Paris sau lệnh phong tỏa

Những người dân sống tại thủ đô Paris đang trải qua những thay đổi trong cuộc sống khi Pháp áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc.

Người dân Paris chạy bộ trên phố không một bóng người. Ảnh: AP

Người dân Paris chạy bộ trên phố không một bóng người. Ảnh: AP

Bắt đầu từ ngày 15/3, nhiều tuyến đường tại thủ đô Paris của Pháp đã bị phong tỏa. Chính phủ kêu gọi hơn 66 triệu dân hạn chế ra ngoài trong bối cảnh số ca nhiễm tại nước này tăng lên đột biến.

Anh Francois Cornet (31 tuổi) đã phải vội vã quay về ngôi nhà cùng vợ và hai con nhỏ trước 12h30 trưa 17/3, khi lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực. Vợ anh – Suyaka Sudre (29 tuổi) - cho biết hai người đã phải tranh luận rất nhiều về việc có nên rời Paris về nông thôn sống cùng người thân hay không.

“Cuối cùng chúng tôi đã quyết định không rời khỏi đây. Tôi nghĩ rằng mình không có nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác. Chúng tôi phải ở chính nhà mình để xem mọi thứ diễn ra như thế nào, mặc dù điều đó chẳng vui vẻ chút nào”, cô Sudre nói.

Tại trung tâm thủ đô Paris, các quảng trường bình thường nhộn nhịp nay bỗng trở nên vắng lặng sau những biện pháp kiểm soát dịch bệnh mạnh tay của chính phủ. Các quán cà phê, quán bar, nhà hàng và những cửa hàng nhỏ không cần thiết đã đóng cửa.

Trước sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh tại châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bắt đầu thực hiện các biện pháp ngăn ngừa virus mới. Ông đã nhắc lại 6 lần trong bài phát biểu dài hơn 20 phút trên kênh truyền hình quốc gia có 35 triệu người theo dõi: “Pháp đã rơi vào một cuộc chiến khốc liệt”.

Một tiệm cà phê đã dừng hoạt động. Ảnh: AP

Một tiệm cà phê đã dừng hoạt động. Ảnh: AP

“Tôi biết rằng những điều tôi đang yêu cầu các bạn là khó chấp nhận, nhưng hoàn cảnh cấp bách đòi hỏi các bạn phải thực hiện điều này. Kẻ thù đang ở đây một cách vô hình và khó nắm bắt”, Tổng thống Macron nhấn mạnh.

Tính đến chiều 18/3, virus SARS-CoV-2 đã khiến 175 người thiệt mạng và 7.730 người nhiễm trên khắp nước Pháp. Các chuyên gia dự đoán rằng con số này sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong những tuần tới.

Tổng thống Macron cho biết nếu cần thiết, chính phủ sẽ đưa ra luật để chống virus lây lan nhằm bảo vệ các doanh nghiệp, người lao động và các hộ gia đình.

Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cho biết Pháp đã triển khai 100.000 cảnh sát để thực thi lệnh phong tỏa, thiết lập các trạm kiểm soát trên toàn quốc và yêu cầu bất kỳ ai đi ra ngoài cũng cần phải khai báo chi tiết. Quy định kiểm soát này có hiệu lực trong ít nhất hai tuần tới. Nếu người dân không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, họ sẽ có thể bị phạt từ 38 Euro (1 triệu đồng) đến 135 Euro (3,5 triệu đồng).

Tuy nhiên, bất chấp lời kêu họi hạn chế ra ngoài của chính phủ, trưa 17/3, vẫn có rất nhiều người đã đổ xô đến các trạm xe lửa hoặc đi xe riêng rời khỏi Paris, khiến tình hình vô cùng hỗn loạn.

“Trong tình hình này, tôi không thể ở lại trong một căn nhà chỉ 50m2 với hai đứa con nhỏ, chúng tôi có một ngôi nhà lớn hơn và một khu vườn cách Paris khoảng 90 phút lái xe”, anh Marc Becker (49 tuổi), giám đốc nhân sự của một công ty kỹ thuật, cho biết.

Anh cho biết mình sẽ làm việc từ xa và vợ anh, một giáo viên trung học, sẽ dạy học trực tuyến.

Trong khi đó, nhiều người dân khác ở lại thành phố đã đổ xô đến các cửa hàng tạp hóa và siêu thị mua tích trữ thực phẩm, mặc dù các cửa hàng nhu yếu phẩm, hiệu thuốc và ngân hàng vẫn mở cửa trong thời gian phong tỏa.

Nhiều người dân đổ xô đến các ga tàu rời khỏi Paris trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Ảnh: AP

Nhiều người dân đổ xô đến các ga tàu rời khỏi Paris trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Ảnh: AP

Bên ngoài siêu thị Carrefour nằm trên đường Maubeuge, hàng dài người dân đến xếp hàng mua sắm, mỗi người đứng cách xa nhau một cánh tay, kiên nhẫn chờ đợi.

“Chúng tôi sẽ được vào siêu thị mua đồ theo nhóm từ 5 đến 10 người cùng một lúc. Tôi đã xếp hàng 25 phút. Nếu đây là một cuộc sống mới, tôi không biết người dân Paris sẽ chịu đựng điều đó trong bao lâu”, cô Maryne Garcon, người dân sống tại Paris, chia sẻ.

Tại các cửa hàng thực phẩm nhỏ hơn, nhân viên bắt buộc phải đeo khẩu trang và chỉ một đến hai khách hàng được phép vào bên trong. Một biển hiệu bên ngoài cửa hàng bánh mỳ trên đường Condorcet còn ghi dòng chữ: “Khách hàng vui lòng giữ khoảng cách an toàn, tối thiểu một mét trong khi xếp hàng đợi. Vui lòng thanh toán bằng hình thức không tiếp xúc. Chúng tôi đang thiếu nhân viên, xin lỗi vì khiến bạn phải chờ đợi. Hân hạnh đón tiếp”.

Tuy nhiên, trên nhiều tuyến đường của Paris, dường như có rất ít người quan tâm đến các biện pháp phòng dịch của chính phủ.

“Đây mới chỉ là những ngày đầu. Tôi nghĩ rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi. Tôi vẫn lấy được một chiếc xe đẩy hàng khi đến siêu thị và nhận được đơn thuốc từ bác sĩ. Ít nhất đó là những lý do khiến tôi không rời khỏi thành phố này”, bà Yvonne Carmoins, 67 tuổi, chia sẻ.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/cuoc-song-cua-nguoi-dan-paris-sau-lenh-phong-toa-20200318114827037.htm