Cuộc sống của NSND Diệp Lang và vợ trên đất Mỹ ra sao?

10 năm sang Mỹ định cư cùng gia đình, NSND Diệp Lang mong mỏi trở về thăm quê. Thế nhưng ước nguyện mãi không thực hiện được do ông tuổi già, sức yếu.

Bệnh tật đeo bám tôi từ thời trẻ đến khi về già

- Đón tuổi 80 sum vầy bên gia đình, ông cảm xúc thế nào?

Người ta bảo đời người 60 năm, nay tôi lại bước sang mốc 80. Ở tuổi này, tôi còn sót lại những ngày cuối cùng với cuộc đời. Thổi nến và dùng chiếc bánh kem do con cháu tặng, tôi hạnh phúc và không nghĩ mình đã quá già.

Mỗi ngày thức dậy, tôi cảm ơn Trời Phật vì có thêm thời gian để bên cạnh gia đình. Không khí quây quần, ấm áp của tình thân khiến tôi mãn nguyện. Ngẫm lại đời mình, sự nghiệp cuộc sống đều vẹn tròn, âu cũng là phần số may mắn tôi có được.

NSND Diệp Lang vừa được vợ và con cháu tổ chức mừng thượng thọ 80 tuổi. Ảnh: Jimmy.

NSND Diệp Lang vừa được vợ và con cháu tổ chức mừng thượng thọ 80 tuổi. Ảnh: Jimmy.

- 10 năm định cư tại Mỹ, ông đã thích nghi tốt cuộc sống nơi xứ người?

Ở Mỹ một là phải biết chạy xe, hai phải biết ngoại ngữ. Tôi lại không biết 2 thứ đó nên phương tiện cuộc sống bị hạn chế đi rất nhiều. Mỗi ngày tôi chỉ có thể làm bạn với chiếc TV, theo dõi tin tức tình hình trong nước. Thỉnh thoảng tôi nhờ vợ và con gọi điện thoại về hỏi thăm bạn bè, người thân. Nhịp sống ở Mỹ yên tĩnh, nhẹ nhàng rất thích hợp cho việc tịnh dưỡng của người già. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi thường tản bộ công viên gần nhà để tinh thần thoải mái hơn.

May mắn cho tôi khi được con cái yêu thương, hiếu thảo. Dù bận rộn kinh doanh, chúng vẫn luôn dành thời gian cho bố mẹ. Mỗi cuối tuần, các con sắp xếp chở tôi đi dạo, mua món ăn ngon tẩm bổ. Chứng kiến các con trưởng thành, tạo dựng sự nghiệp nơi xứ người cũng khiến tôi yên lòng.

- Sức khỏe ông hiện ra sao sau những lần bạo bệnh?

Tôi vẫn hay nói với mọi người trong cuộc đời Diệp Lang có hai nơi mình vẫn hay lui tới nhất là: sân khấu và bệnh viện. Bệnh tật đeo bám tôi từ thời trẻ đến khi về già. Từ nhỏ, mắt tôi yếu bẩm sinh, sau này tuổi già nên hoại tử một bên. Tôi từng được các bác sĩ bệnh viện tại Sài Gòn hỗ trợ nhiều cuộc đại phẫu. Khi sang Mỹ định cư, tôi tròn 70 tuổi nên được Chính phủ đài thọ về tiền thuốc theo chính sách người cao tuổi.

Những năm qua, sức khỏe tôi không tốt. Ngoài căn bệnh tim, tôi bị vôi hóa mạch máu, chứng bệnh parkinson gần 10 năm khiến tay chân luôn cử động. Mỗi ngày tôi cố gắng uống thuốc đều đặn theo chỉ định bác sĩ. Tuy nhiên tác dụng phụ thuốc khiến tôi ngủ nhiều, khi tỉnh dậy lại lúc nhớ lúc quên.

Suốt một năm nay tôi không đi ra khỏi nhà vì lo sợ dịch Covid-19. Cách đây vài ngày, tôi cũng vừa chích xong 2 mũi vaccine phòng ngừa nên yên tâm phần nào.

Nam nghệ sĩ và vợ sống cùng gia đình con gái khi sang Mỹ định cư. Ảnh: Jimmy.

Nam nghệ sĩ và vợ sống cùng gia đình con gái khi sang Mỹ định cư. Ảnh: Jimmy.

- Vợ hỗ trợ ông ra sao trong sinh hoạt hằng ngày?

Bà xã đồng hành cùng tôi đến nay đã hơn 40 năm. Thời tôi còn đi diễn, bà ấy cũng một tay chăm sóc gia đình, con cái cho chồng yên tâm hoạt động nghệ thuật. Sau này khi tôi bệnh tật, vợ kề cạnh tôi 24/24, chăm sóc chu đáo. Bà ấy hay gọi vui mình vừa là y tá, vừa là nô tì vì phải túc trực phục vụ chồng bất kể thời điểm nào.

Tuy nhiên, tính tôi không muốn phiền hà người thân nên luôn cố gắng thực hiện. Từ chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, tôi tự chủ động hết.

Nhiều đêm ngủ giật mình vì quá nhớ sân khấu!

- Ông từng chia sẻ mong mỏi một lần về Việt Nam nhưng không thể thực hiện. Nỗi nhớ mong quê nhà hẳn cũng để lại cho ông nhiều khắc khoải?

Thành thật mà nói, tôi không bao giờ nghĩ mình có ngày sống nơi xứ người thế này. Nhiều người không hiểu trách chúng tôi sao lại đi bỏ quê hương. Tôi không biết phải chia sẻ thế nào bởi mỗi nhà mỗi cảnh. Vì để giúp con nhẹ gánh cuộc sống, tôi và vợ quyết định chuyển sang đây chăm sóc các cháu nhỏ để chúng tập trung công việc.

10 năm xa quê, trong lòng tôi luôn canh cánh nỗi nhớ mong người thân, bạn bè. Tôi mong ước một lần được trở về Việt Nam, đi qua những con đường, quán quen, cùng ôn lại những kỷ niệm xưa cũ….

Tôi từng suy nghĩ trước khi mất nhất định sẽ về quê hương một lần. Tuy nhiên, quãng đường bay hơn 20 tiếng tiếng quá dài khiến tôi lực bất tòng tâm. Các bác sĩ cũng không cho tôi đi vì sợ khi lên máy bay, không khí loãng ảnh hưởng đến tim và máu không lưu thông. Đây có lẽ cũng là điều tôi hối tiếc nhất những năm cuối đời.

NSND Diệp Lang hội ngộ nghệ sĩ Bảo Quốc và Hồng Nga trên đất Mỹ.

- Rời sân khấu nhiều năm, ông đón nhận niềm vui nghệ thuật với khán giả thế nào?

Tôi biết khán giả vẫn còn yêu quý mình lắm. Tôi ghi nhớ và trân trọng tình cảm tất cả mọi người. Tuổi này, tôi không còn hơi sức để ca diễn nhưng vẫn hát ở nhà khi rảnh rỗi. Đôi khi tôi ngủ trong vô thức vẫn hát. Mấy lúc giật mình dậy, tôi nghẹn ngào vì quá nhớ sân khấu quê nhà.

Cách đây vài năm, Hồng Nga khi làm liveshow có mời tôi tham gia một vai diễn trong tuồng Tô Ánh Nguyệt. Nhìn cảnh khán giả đến xem chật cứng sân khấu và cổ vũ các nghệ sĩ, tôi mừng lắm. Chính ra nhờ họ mà tôi thấy mình không lạc lõng dù đã giải nghệ nhiều năm.

Gần đây, các bản nhạc của tôi được đăng tải lại trên mạng xã hội đều đạt lượt xem cao. Trong đó bản Bông hồng cài áo đạt triệu view khiến tôi xúc động. Tôi nhờ bà xã lên đọc từng bình luận khen ngợi từ mọi người. Đây cũng xem như món quà quý giá tôi góp nhặt được những năm cuối đời.

- Trong số các người con của ông, chỉ Diệp Tiên là theo nghề của bố, ông truyền lại đam mê và tình yêu nghề cho con thế nào?

Gia đình tôi neo người, các con cũng sớm định cư hải ngoại nên việc theo nghệ thuật cũng coi như vô vọng. May mắn khi còn có Diệp Tiên – con trai út của tôi vẫn theo nghề và đạt được một số thành công nhất định. Mặc dù nó không ca hát, chỉ làm đạo diễn nhưng tôi xem đó cũng là sự tiếp nối nghệ thuật của mình.

Từ khi con trai mới chập chững vào nghề, tôi thường cặn dặn con: "Làm gì thì làm, con phải tìm tòi, học hỏi những cái mới, đừng lặp lại hay ăn cắp của ai". Không riêng gì Diệp Tiên, tôi mong thế hệ các em cháu theo nghề sau này cũng sẽ xem đó là chuẩn mực nghề nghiệp. Cải lương đi xuống là điều đáng buồn nhưng khán giả sẽ không bỏ nghệ sĩ nếu chúng ta nhiệt tâm cống hiến với nghề.

- Ông có điều gì muốn nhắn gửi khán giả trong nước?

- Ông có điều gì muốn nhắn gửi khán giả trong nước?

Cái tên Diệp Lang 60 năm qua có được là nhờ mọi người. Giờ không còn đủ sức khỏe để hát hay về nước hội ngộ bà con, tôi mong mọi người hiểu cho mình. Một mai khi tôi ra đi, những kỷ niệm về sân khấu, những vai diễn xưa sẽ còn ở lại như một giá trị tôi đã cùng các đồng nghiệp để lại cuộc đời này. Xin cảm ơn và tri ân tất cả!

Clip NSND Diệp Lang trong 'Bông hồng cài áo'

NSND Diệp Lang, tên thật Dương Công Thuấn, sinh năm 1941 tại Sa Đéc (Đồng Tháp). Ông là nghệ sĩ cải lương, sân khấu, diễn viên điện ảnh, đạo diễn... Năm 8 tuổi, nam nghệ sĩ bước chân nghiệp ca hát khi theo cha là thầy đàn Ba Diệp tham gia đoàn cải lương Tam Phụng. Năm 1962, ông gia nhập đoàn Kim Chưởng và bắt đầu đạt sự chín muồi về kỹ năng ca diễn.

Ông có nhiều vai diễn thành công như trung sĩ Tám trong Tìm lại cuộc đời, hội đồng Dư trong Tiếng hò sông Hậu, hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu, Lê Quý trong Tâm sự Ngọc Hân... Diệp Lang được xếp vào hàng các kép độc hay nhất của sân khấu cải lương. Năm 1963, ông đoạt giải Thanh Tâm. Ông được Nhà nước phong tặng danh Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2003 và dần thôi việc đi hát.

Tuấn Chiêu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/nsnd-diep-lang-toi-tiec-vi-uoc-nguyen-ve-viet-nam-khong-the-thuc-hien-720236.html