Cuộc sống cùng cực của gia đình cậu bé bị não úng thủy sống trên sông Sài Gòn: 'Sợ nhất là tiếng con khóc ngằn ngặt giữa đêm'
Bác sĩ đã từng nói với chị Hiền Giang rằng Nhật Cường, con trai chị chỉ sống được 3 năm. Nhưng bằng tình thương diệu kỳ của mẹ, năm nay em đã lên 7 tuổi.
Mẹ đặt em tên là Nhật Cường với mong muốn sau này em sẽ trở thành chàng thanh niên khỏe mạnh, cường tráng. Tuy nhiên, căn bệnh não úng thủy quái ác đã làm tay chân em teo tóp, đầu to ra, chẳng thể nói chuyện hay cầm nắm bất kì vật gì. Nhưng không sao cả, mẹ vẫn ôm lấy em, yêu em, thương em bằng cả trái tim mình...
Neo đời mình trên nhánh sông
Chị Hiền Giang kể, cuộc đời chị chỉ sống trên những chiếc ghe. Đến nỗi, đêm nào không nghe tiếng nước vỗ ì oạp vào mạn thuyền, không cảm nhận sự tròng trành bởi con nước… chị đều thao thức.
Chiếc ghe neo đậu tại rạch Ông Tranh, thuộc nhánh sông Sài Gòn, là nơi sinh sống của 5 người trong gia đình chị Giang. Nhật Cường là con trai Út của chị.
Cường chào đời trong hình hài bình thường như bao đứa trẻ khác. Khi được vài tháng tuổi, em bắt đầu khóc ngằn ngặt cả ngày lẫn đêm không rõ nguyên nhân. Một khối u nhỏ bắt đầu xuất hiện trên mỏ ác của Cường. Sau khi chạy chữa, tìm hiểu nguyên nhân ở nhiều bệnh viện, "não úng thủy" là kết quả cuối cùng mà chị Giang nhận được.
"Bác sĩ với tôi rằng nuôi và thương con được giây phút nào thì hay giây phút đó. Bởi, Cường sẽ sống không quá 3 năm đâu", chị Giang nhớ lại.
Lúc từ bệnh viện về nhà, chị khóc nức nở, khóc như một đứa trẻ. Đến mức, những người đi đường đều nhìn chị một cách ái ngại.
Chị vơ vét hết tất cả tài sản còn sót lại trong nhà để chạy chữa cho con. Anh Nguyễn Văn Hon (chồng chị Giang) đã mất sức lao động nhiều năm nay. Lúc còn khỏe mạnh, anh đi chài lưới, bắt lươn để bán.
Những biến chứng về cột sống, đôi mắt bị cườm hạt… khiến anh không thể tiếp tục công việc. Nhưng mỗi lần nhắc đến con trai út, anh vẫn khẳng định: "Nó là con tôi. Chỉ cần tôi còn sống, tôi sẽ không để ai mang con mình đi".
Trước đó, nhiều người đã khuyên vợ chồng chị Giang hãy mang con vào chùa, trại mồ côi để nhờ nuôi dưỡng. Mỗi lần như thế, vợ chồng chị lại gạt phắt đi.
Lúc trước, gia đình chị chỉ có một chiếc ghe nhỏ. Có những hôm nước lớn, ghe chìm, mẹ con chạy kịp lên bờ khóc hết nước mắt. Từ khi Cường bệnh, ba xin người ta dựng một cái chòi lá nhỏ để mắc võng đưa em ngủ.
Nhưng những ngày mưa lớn, nước dâng lên sát võng, ba mẹ buộc phải ẵm Cường đi nơi khác. Một mạnh thường quân cảm thương hoàn cảnh của Cường nên đã cho gia đình em một chiếc ghe lớn hơn để có chỗ che mưa, che nắng.
Cường ơi! Đừng bỏ mẹ
Chị Giang đã ôm chặt con trong suốt quãng đường từ nhà đến bệnh viện. Lần đó, Cường tròn 3 tuổi, em đã trải qua cơn bệnh "thập tử nhất sinh".
Chị kể: "Vài năm trước, bà nội của Cường mất nên ông xã tôi phải chạy về quê chịu tang mẹ. Cường có triệu chứng đông máu, bác sĩ nói với tôi rằng sẽ tiêm thuốc cho cháu.
Nếu cháu tỉnh, tức là có đáp ứng thuốc, bác sĩ sẽ giữ lại Cường. Anh Hon chạy từ Tây Ninh về Sài Gòn để ký giấy tờ cho con".
Đêm đó, chị Giang thức trắng, đôi mắt sưng tấy vì khóc quá nhiều. Chị sợ Cường bị mang đi, em sẽ vĩnh viễn rời khỏi vòng tay mẹ. "Lúc bế tắc nhất, chúng tôi đã nghĩ rằng bà nội thấy gia đình khổ quá, muốn mang em đi để đỡ nhọc nhằn và đớn đau", chị nghẹn ngào.
Vậy mà cuối cùng, Cường lại choàng tỉnh. Em mở mắt, khóc ré lên. Chị ôm Cường vào lòng thấy trái tim mình như sống lại.
Thấm thoát đã 7 năm trôi qua, Cường vẫn là một đứa trẻ nằm trong vòng tay mẹ. Em không thể ngồi, chẳng thế nói, mọi sinh hoạt phải nhờ vào sự trợ giúp của gia đình. Nhưng đối với chị Giang, con cái là món quà quý giá nhất.
Mùa dịch vừa qua đã đẩy cuộc sống gia đình vào cảnh khó khăn trăm bề. Trước đó, chị Giang vẫn hay lội ruộng hái rau muống để bán ở chợ Bình Khánh (quận 2) bán, mỗi bó 5.000 đồng.
Chị kể: "Tôi không sợ đói, chẳng sợ mưa gió, tôi chỉ sợ con mình không có sữa để uống. Bác sĩ yêu cầu Cường phải ăn uống đầy đủ chất thì cơ thể mới đáp ứng và tiêu hóa được. Cả gia đình luộc rau, nấu cơm để ăn, chừa miếng thịt duy nhất xay nhuyễn đút cho Cường".
Nhưng điều khiến chị Giang ám ảnh nhất là tiếng khóc ngằn ngặt của con mỗi khi khát sữa. Tiếng khóc xé toang sự tĩnh mịch ban đêm, là sự bế tắc của cả chị Giang và anh Hon.
Ước mơ của mẹ
Lần giở tờ lịch, chị nói: "Chỉ còn vài tháng nữa là đến Tết, tôi … sợ Tết lắm". Bởi lẽ, đây là mùa nước mặn, vợ chồng chị sẽ không thể trồng trọt được nữa. Tết chị cũng không đi đến nơi này, nơi kia chúc mừng. Bởi theo chị, "con mình bệnh như vậy, đến nhà người ta nói mình xui rủi nữa".
"Một số người đã từng hỏi tôi, ước mơ của tôi là gì. Tôi không có ước mơ… Mỗi ngày mở mắt ra, tôi chỉ biết hôm nay mình hái được bao nhiêu bó rau muống, Nhật Hưng nó học bài chưa, Tấn Khang đi làm chưa, Nhật Cường sẽ ăn gì hôm nay…
Tôi chỉ muốn mình sống được càng lâu càng tốt, bởi không có tôi, không biết sấp nhỏ sẽ ra sao nữa", chị Giang vừa nói, vừa bón từng thìa thức ăn cho Nhật Cường.
Tấn Khang là con trai cả của chị Giang. Năm nay, em đã 16 tuổi nhưng vẫn chưa tháo được nẹp sắt trong chân, di chứng của tai nạn hồi năm lớp 4. Cậu bé hiền lành, ốm yếu, đành bỏ dở giấc mơ con chữ để đi làm phụ giúp ba mẹ.
Nhật Hưng vừa tròn 10 tuổi, em mắc chứng bệnh tăng động, rất khó để em có thể ngồi yên. Cậu quấn quanh mẹ, hỏi rất nhiều thứ. "Em Cường hôm nay lạnh, nên mẹ quấn khăn cho em phải không?", "Mẹ cho em Cường ăn gì thế", "Chừng nào bố đi chài lưới vậy mẹ", "Mẹ có đi câu cá với con không?"…
Những lúc mẹ mệt, Cường lại ra bờ sông bơi lội, chơi đùa một mình. Năm học mới trôi qua hơn 2 tháng, nhưng em không thể học vì không có mạng internet lẫn thiết bị điện tử. Cậu bé khá mũm mĩm, mỗi lần em giận dỗi chạy đi, chiếc ghe lại tròng trành, ngả nghiêng.
Và cũng trong chiếc ghe chắp vá đó, chị đã yêu các con của mình bằng trái tim lành lặn, vẹn nguyên nhất.