Cuộc sống đảo lộn vì liên tiếp xảy ra sụt lún đất
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã liên tiếp xảy ra hiện tượng nứt đất và sụt lún đất ở nhiều nơi. Hiện tượng này đã khiến cho hàng trăm hộ dân buộc phải di dời, sống thấp thỏm trong lo âu.
Đã hơn 3 ngày sau khi phải rời khỏi căn nhà của mình, chị Thị Phí (SN 1993, trú tại bon Bu Krắk, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) vẫn chưa hết lo lắng, sống trong thấp thỏm vì chưa biết khi nào cuộc sống của chị mới được trở lại bình thường.
Chị Phí cho biết, vài năm trước chị được bố mẹ cho một căn nhà cấp 4 tại bon Bu Krắk để ở canh tác nương rẫy gần đó. Căn nhà lớn được làm bằng gỗ, bếp được xây bằng bê tông, chưa có dấu hiệu nứt nẻ. Tuy nhiên, sau nhiều ngày trên địa bàn liên tiếp xảy ra mưa to và đến sáng 1/8, chị phát hiện trên nền nhà, tường bê tông xuất hiện nhiều vết nứt. Nhiều vị trí nứt rộng lên đến hơn 5cm.
Nằm cách nhà chị Phí không xa, căn nhà cấp 4 mới xây của gia đình anh Điểu Liêng (SN 1979, trú cùng bon) cũng bị nứt toác nhiều nơi trên tường và nền xi măng. Phía bên ngoài hàng rào, những đường nứt, sụt lún đất kéo dài chạy dọc theo bon. Trước hiện tượng trên, gia đình anh buộc phải chuyển đến ở tạm ở nhà người em gần đó. “Bao nhiêu năm làm ăn tích cóp mới xây dựng được căn nhà. Niềm vui chưa được bao lâu giờ phải tạm rời đi nơi khác ở. Không biết đến bao giờ cuộc sống gia đình mình mới được trở lại yên ổn đây”, anh Điểu Liêng lo lắng.
Theo một lãnh đạo xã Quảng Trực, hiện tượng nứt, sụt lún đất trên địa bàn bon Bu Krắk bắt đầu xảy ra từ đêm 31/8. Ban đầu chỉ là những đường nứt nhỏ, ngắn. Tuy nhiên, đến ngày 2/8, các đường nứt đã kéo dài đến bon Bu Prăng 1A, cách chân đập thủy lợi Đắk Ké khoảng 300m. Tổng chiều dài vết nứt chính khoảng 500m. Số hộ dân sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng là 56 hộ với 190 nhân khẩu. Địa phương đã triển khai cho 56 hộ gia đình di dời ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Trong khi đó, tại địa bàn phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa, những ngày qua, hàng chục hộ dân sinh sống gần đường Hồ Chí Minh cũng buộc phải di dời đến nơi ở an toàn bởi tuyến đường này đang bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng.
Chuyển đến tạm trú trong căn nhà của người quen, anh Nguyễn Hoàng Anh (45 tuổi, trú tại phường Nghĩa Thành) cho biết, hơn 10 năm trước, gia đình anh chuyển từ Đắk Lắk xuống mua đất, xây nhà tại phường Nghĩa Thành, giáp với đường Hồ Chí Minh sinh sống theo đặc thù công việc của anh. “Sáng sớm 3/8 vừa qua, nghe thông tin khu vực đất phía trên đường Hồ Chí Minh bị nứt, sụt lún. Khi lên xem, địa điểm xảy sụt lún nằm cách nhà mình chỉ hơn 50m. Để đảm bảo an toàn, đến trưa cùng ngày, cả gia đình buộc phải sơ tán đến ở tạm nơi nhà người quen. Không biết sau này có quay lại chính căn nhà mình sinh sống được hay không?”, anh Hoàng Anh lo lắng.
Không chỉ gia đình anh Hoàng Anh mà đến chiều 5/8, đã có 16 hộ dân buộc phải di dời đến nơi an toàn. Hiện chính quyền địa phương đang gấp rút sắp xếp, lên kế hoạch di dời thêm khoảng 80 hộ dân khác nằm gần địa điểm sạt lở đến nơi an toàn.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, tính đến nay, trong đợt mưa lũ đã làm ngập, ảnh hưởng đến 159 căn nhà, gây ngập úng hơn 359ha cây trồng các loại, hơn 150ha ao nuôi cá thủy sản của người dân bị ngập, tràn bờ. Đặc biệt, đã có 80 hộ dân buộc phải di dời tại những khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao. Ngoài ra, đợt mưa lũ cũng đã cuốn trôi làm 2 người tử vong.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/cuoc-song-dao-lon-vi-lien-tiep-xay-ra-sut-lun-dat-i702815/