Cuộc sống giữa làn pháo kích ở miền Đông Ukraine

Bạo lực đột ngột bùng phát tại khu vực thường xuyên hứng đạn từ các cuộc pháo kích giữa quân chính phủ và phe ly khai Ukraine, đẩy nhiều người vào thế phải rời bỏ nhà cửa.

Snezhana Makinevskaya phải tốn nhiều công sức để sửa chữa căn nhà bị hư hại nặng trong những vụ pháo kích. Khu vực cô sinh sống trở thành chiến tuyến đầu tiên của lực lượng Ukraine.

Makinevskaya từng phải rời đi sau khi lực lượng ly khai thân Nga hậu thuẫn chiếm giữ nhiều vùng phía đông Ukraine vào năm 2014. Sau khi trở lại đây vào năm 2020, khi có lệnh ngừng bắn trên diện rộng, cô gái 32 tuổi sửa mái nhà và lắp cửa sổ mới.

Cô rất mong khu vườn mới sẵn sàng đơm hoa kết trái vào mùa xuân này. Tuy nhiên, điều đó có thể khó thành hiện thực.

Khi bạo lực gia tăng dọc theo chiến tuyến ở khu vực Donbas, giới lãnh đạo khu vực ly khai điều động những người đàn ông khỏe mạnh và di tản dân thường sang Nga. Các gia đình như cô Makinevskaya cũng đóng gói đồ đạc.

Súng cối bắn trúng các đường dây điện và đường ống nước, khiến các giếng sâu, vốn bị lãng quên từ lâu, trở thành nguồn nước duy nhất sẵn có trong tiết trời lạnh giá tháng 2.

"Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian để xây dựng lại ngôi nhà này, chúng tôi không muốn rời đi", Wall Street Journal dẫn lời cô nói giữa tiếng pháo kích. Nhưng mỗi khi các tiếng nổ vang lên, "tất cả những gì tôi có thể nghĩ là làm thế nào để đưa con gái nhỏ ra khỏi đây".

"Cả ngôi nhà rung chuyển vào ban đêm"

Miền Đông, từng là đầu tàu kinh tế của Ukraine, bị rung chuyển bởi xung đột vào năm 2014 khi lực lượng ly khai thân Nga chiếm các thủ phủ trong khu vực tỉnh Donetsk và Luhansk, tự xưng thành “nhà nước cộng hòa” đòi độc lập khỏi Ukraine.

Khoảng 14.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người chạy sang các vùng khác của Ukraine, Nga và phương Tây.

Trong nhiều năm, thị trấn khai thác mỏ Maryinka cố gắng tồn tại trên tuyến đầu của cuộc xung đột, vốn vẫn âm ỉ sau khi trận giao tranh lớn kết thúc vào năm 2015.

Mặc dù người dân địa phương nói rằng dân số của Maryinka giảm xuống còn khoảng 5.000 người, cuộc sống phần lớn vẫn tiếp diễn.

Nhưng khi căng thẳng bùng phát trong những ngày gần đây giữa phương Tây và Nga về vấn đề Ukraine, người dân Maryinka và các thị trấn khác dọc chiến tuyến phải gánh chịu hậu quả. Nhiều người buộc phải tháo chạy.

 Mảnh đạn xuyên thủng tường nhà của Snezhana Makinevskaya. Ảnh: Wall Street Journal.

Mảnh đạn xuyên thủng tường nhà của Snezhana Makinevskaya. Ảnh: Wall Street Journal.

Makinevskaya cho biết cô đang tìm kiếm các căn hộ trên mạng để di chuyển xa khỏi vụ pháo kích - diễn ra gần như suốt ngày đêm.

Những ngày gần đây, con gái lớn của cô Makinevskaya, Sofia (11 tuổi) thường xuyên được đưa xuống hầm trú bom ở trường tiểu học. Ở nhà, gia đình bật TV vào buổi tối để át âm thanh pháo kích.

Sofia, người đã lập tài khoản YouTube với mẹ vào tuần trước để nói về vụ đánh bom, cho biết: “Tôi muốn rời đi. Đôi khi vào ban đêm, cả ngôi nhà rung chuyển".

Trong những ngày gần đây, lãnh đạo khu vực ly khai Donetsk và Luhansk đã thông báo về việc sơ tán dân thường, đồng thời cáo buộc lực lượng Ukraine pháo kích vào các khu vực dân sự và giết hại dân thường mà không đưa ra bằng chứng hỗ trợ cho những tuyên bố này.

Các quan chức phương Tây cho rằng những cáo buộc này có thể là một phần của hoạt động nhằm tạo cớ cho cuộc tấn công chính thức vào Ukraine. Chỉ huy Ukraine cho biết họ đã hướng dẫn các binh sĩ kiềm chế ngay cả khi bị tấn công, để không rơi vào bẫy của Nga.

"Đừng nói với tôi về chiến tranh"

Mục sư Oleh Tkachenko, người chuyển đến Maryinka vào năm 2017, đi quanh khu dân cư địa phương gần như hàng ngày để kiểm tra các tín hữu cần thực phẩm hoặc bị pháo kích. Ông cũng làm tuyên úy cho quân đội Ukraine gần đó.

Ông nói mình không trách Nga vì đã bắt miền Đông Ukraine làm “con tin”, thông qua lực lượng thân Nga, vào thời điểm Moscow muốn đảm bảo an ninh từ Mỹ và ngăn Ukraine gia nhập NATO.

Ông cũng cho biết việc Mỹ rêu rao thông tin tình báo về khả năng xảy ra xung đột với Nga đã khiến khu vực vốn dễ bị tổn thương bởi chiến tranh chìm trong sợ hãi.

“Đừng nói với tôi hoặc những người này về chiến tranh”, ông nói. "Tôi đã kéo các thi thể ra khỏi đống đổ nát ở đây vào năm 2014, không cần phải nói với tôi về xung đột."

 Yury Shamrai và vợ, Angela, chuyển đồ đạc về nhà bố mẹ sau khi khu nhà của họ bị tấn công. Ảnh: Wall Street Journal.

Yury Shamrai và vợ, Angela, chuyển đồ đạc về nhà bố mẹ sau khi khu nhà của họ bị tấn công. Ảnh: Wall Street Journal.

Xa hơn về phía tây nam dọc theo chiến tuyến, Yury Shamrai, 36 tuổi và vợ anh, Angela, đang lục tung đồ đạc để góp nhặt những gì còn có giá trị trong ngôi nhà găm đầy mảnh đạn - kết quả khi một quả pháo cối rơi vào từ đêm 19/2.

Hai vợ chồng thức dậy sau tiếng pháo, trước khi nghe thấy quả đạn pháo rơi vào sân nhà, phá hủy nhà kho liền kề và phá vỡ cửa sổ của ngôi nhà một tầng bốn phòng mà Angela thừa kế từ bà cố.

Anh Shamrai, người làm công việc nuôi chim cút tại trang trại gần đó, cho biết họ đã chuyển đồ đạc từ nhà - gần vị trí quân sự của Ukraine - đến nhà của cha mẹ, cách xa khu vực bạo lực hơn.

Cuộc sống tương đối bình yên đột ngột kết thúc vào tuần trước. Shamrai đã sơn lại hàng rào sắt xung quanh nhà "bằng màu áo mới", màu vàng và xanh - quốc kỳ của Ukraine.

Trước khi anh và vợ lái xe đi, anh quay lại nhìn và nói lời mỉa mai: "Một hàng rào mới sơn và một ngôi nhà bị đánh bom".

Những người hàng xóm của Shamrai ở dưới phố cũng đang xếp đồ đạc lên chiếc xe Volga sản xuất ở Nga. Họ nói mình đã có đủ đồ đạc.

“Không có gì để nói, bạn có thể tự mình thấy điều gì đang xảy ra ở đây”, một người hàng xóm nói với phóng viên và lái xe đi, kéo hai chiếc ghế dài, xoong, chảo và hành lý.

Phương Linh

Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-song-giua-lan-phao-kich-o-mien-dong-ukraine-post1297736.html