Cuộc sống khác thường của nhà văn Italy nổi tiếng chống mafia

Tình trạng lo âu, cảnh giác cao độ thường xuyên khiến nhà văn nổi tiếng nhất Italy thường xuyên mất ngủ, và khuôn mặt anh luôn lộ rõ tâm lý căng thẳng.

Mùa thu năm 2006, các tờ báo địa phương và các công tố viên ở vùng Campania, tây nam của Italy, cùng nhận một lá thư nặc danh giống nhau. Thư được đánh máy vi tính và chuyển giao bằng tay vào các buổi sáng sớm, trình bày chi tiết kế hoạch của tổ chức tội phạm Neapolitan nhằm xử tử một nhà văn 26 tuổi.

Nhà văn là Roberto Saviano và cuốn sách của anh, “Gomorrah”, tác phẩm vạch trần hoạt động tội phạm của Camorra, đang trên đà trở thành một cuốn sách bán chạy nhất.

'Nếu Saviano câm miệng, bọn ta sẽ tha cho anh'

Bức thư chưa từng được công bố nhưng báo Observer đã tiếp cận thành công. Nội dung thư đề cập đến một cuộc họp tại một văn phòng cá cược ở Casal di Principe, quê hương của Saviano.

Trong cuộc họp, một số ông trùm địa phương, được coi là những kẻ bạo lực nhất ở Camorra, ra lệnh rằng Saviano phải chết.

Lá thư tuyên bố rằng Saviano phải bị trừng phạt, và các ông trùm biết nơi mẹ anh sống, rằng họ đã theo dõi anh nhiều tuần và hai sát thủ đã nhận nhiệm vụ trừ khử anh.

Những vũ khí dành cho việc hành quyết Saviano đã được đặt trong những ngôi nhà phù hợp. Dòng cuối của thư gồm những chữ in đậm và gạch chân: "Nếu Saviano câm miệng, bọn ta sẽ tha cho anh".

Từ thời điểm đó tới nay, rất nhiều thứ đã thay đổi. Với mức tiêu thụ hơn 10 triệu bản, “Gomorrah”, được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ và được chuyển thể thành một phim đoạt giải và một phim truyền hình 5 mùa. Gia tộc Casalesi, một trong những tập đoàn mafia mạnh nhất châu Âu, đang suy thoái và nhiều ông trùm đang sống trong tù.

 Roberto Saviano là nhà văn còn sống nổi tiếng nhất ở Italy hiện nay. Ảnh: CPI.

Roberto Saviano là nhà văn còn sống nổi tiếng nhất ở Italy hiện nay. Ảnh: CPI.

Cái giá phải trả của nhà văn chống mafia

Giờ đây, ở tuổi 42, Saviano vẫn không chùn bước trước những lời đe dọa. Anh chưa bao giờ im lặng, mà tiếp tục lên án và vạch trần những giao dịch của tập đoàn tội phạm Camorra và thu hút sự chú ý đối với một trong những tổ chức tội phạm quyền lực nhất thế giới. Mặc dù thoát một âm mưu ám sát, Saviano đã phải trả một giá đắt.

Từ mùa thu năm 2006, khi giới chức Italy thông báo cuộc sống của Saviano trở nên nguy hiểm, anh phải giấu kín hành tung, và chỉ xuất hiện ở nơi công cộng với sự hộ tống của cảnh sát. Anh chỉ ở vài đêm tại một chỗ, và thường xuyên ngủ trong đồn cảnh sát. Không thể ra ngoài một mình, anh cũng không thể đi dạo ở chốn đông đúc hay ra bờ biển.

Khi ai đó muốn gặp Saviano, hai cảnh sát sẽ đưa họ tới chỗ ở của anh, trong khi một người khác canh chừng từ xa. Mọi căn phòng mà Saviano cư trú đều không có cửa sổ.

Đôi mắt của Saviano bộc lộ dấu hiệu của nhiều đêm mất ngủ, còn khuôn mặt anh luôn căng thẳng - những hậu quả của một cuộc sống luôn cảnh giác, lo âu. “Bản thân tôi luôn ở trong trạng thái chiến tranh. Đó là cuộc chiến với thế giới, cuộc chiến với băng đảng Camorra, và cuộc chiến với chính bản thân tôi.

Đôi khi tôi nghĩ chết còn tốt hơn sống như thế. Cái chết sẽ dễ chịu hơn tình trạng căng thẳng liên tục, vì tôi đã sống trong trạng thái bất an và trống rỗng quá lâu", anh thổ lộ với tờ Observer.

15 năm sống với sự bảo vệ của cảnh sát là một dấu mốc lớn. Mỗi khi Saviano ra ngoài, 3 xe bọc thép và 7 cảnh sát luôn sẵn sàng hộ tống anh.

Cách đây 15 năm, anh là một thanh niên gần như vô danh. Giờ, anh là nhà văn Italy còn sống nổi tiếng nhất, biểu tượng quốc tế của cuộc đấu tranh chống mafia.

Những người cánh hữu căm ghét Saviano vì anh ủng hộ việc tiếp nhận người nhập cư, còn một số người đồng hương cáo buộc anh bôi nhọ hình ảnh thành phố Naples, quê hương của anh.

“Khi tôi viết tác phẩm ‘Gomorrah’, tôi biết rằng tôi đang viết những câu chuyện mà nhiều phóng viên đã biết. Song tôi cũng biết những câu chuyện đó chưa bao giờ được diễn giải dưới góc độ nhân chủng. Tôi biết tôi có một thứ trần trụi, và nó sẽ gây sốc. Nhưng tôi chưa bao giờ hình dung nổi những việc sẽ xảy ra tiếp theo”, anh thừa nhận.

Sau khi “Gomorrah” được xuất bản, Saviano bắt đầu nhận nhiều cú điện thoại bí ẩn. Chuông điện thoại reo, song khi anh nhấc máy và nói, không ai lên tiếng ở phía bên kia.

Sau đó những lá thư đe dọa xuất hiện. Một ngày nọ, mẹ của Saviano thấy trong thùng thư một tấm ảnh khẩu súng chĩa vào thái dương của anh với dòng chữ “kết liễu” ở phía trên.

* Còn tiếp phần 2: Nỗi day dứt của nhà văn sống đời trốn chạy vì chống đối mafia

Kiến Văn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-song-khac-thuong-cua-nha-van-italy-noi-tieng-chong-mafia-post1305060.html