Cuộc sống khó khăn của người dân ở miền Bắc Israel khi chiến sự kéo dài

Các cuộc tấn công qua lại giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Liban khiến hàng chục nghìn người dân sống ở các khu vực gần biên giới phải rời bỏ nhà cửa gần 9 tháng qua. Với những người chọn ở lại, họ phải đối mặt với cuộc sống vô vàn khó khăn.

Gia đình ông Moneeb có một cửa hàng kinh doanh bánh ngọt và nước giải khát ở thị trấn Hurfeish, miền Bắc Israel, nằm cách biên giới với Liban khoảng 3 km. Đây là một thị trấn mà cộng đồng chủ yếu là người Druze.

Ông Mooneb trong cửa hàng bánh ngọt ở thị trấn Hurfeish.

Ông Mooneb trong cửa hàng bánh ngọt ở thị trấn Hurfeish.

Kể từ ngày giao tranh nổ ra, doanh thu cửa hàng của ông Moneeb giảm tới 80%. Nhiều cửa hàng kinh doanh các ngành nghề, dịch vụ khác đã đóng cửa. Khách khứa vắng vẻ do nhiều người dân quanh vùng đã đi sơ tán, thanh niên lên đường nhập ngũ và đặc biệt không còn khách du lịch.

Các cuộc tấn công bằng đạn pháo, thiết bị bay không người lái của Hezbollah diễn ra gần như hàng ngày và sau đó luôn là các cuộc không kích trả đũa với cường độ gấp bội của quân đội Israel (IDF).

Hezbollah tuyên bố phát động tấn công nhằm ủng hộ phong trào Hamas tại Dải Gaza. Vì vậy, giao tranh giữa hai bên vẫn chỉ diễn ra quanh khu vực biên giới và chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự của nhau. Tuy nhiên, những quả tên lửa bay vào các khu dân cư gần biên giới không phải là chuyện hiếm.

Ông Moneeb kể: “Cách thị trấn không xa, có một đơn vị của IDF đóng quân. Mỗi khi có rocket mọi người đều phải chạy đi tìm nơi ẩn nấp. Kể từ tháng 10, chúng tôi thiệt hại lớn về kinh tế. Con trai tôi cũng phải nhập ngũ một thời gian, giờ đang tiếp tục học đại học. Cuộc sống nguy hiểm, nhưng chúng tôi quyết định ở lại, bởi đây là nhà, là quê hương của tôi”.

Kibbutz bị bỏ hoang là nơi đóng quân của một đơn vị quân đội.

Kibbutz bị bỏ hoang là nơi đóng quân của một đơn vị quân đội.

Theo thống kê, đến nay đã có gần 400 người phía Liban và 28 người phía Israel thiệt mạng, chủ yếu là các binh sĩ. Lo ngại nguy cơ an toàn, khoảng 60.000 người dân ở 42 khu dân cư miền bắc Israel ở cách biên giới dưới 10 km đã phải sơ tán đi nơi khác.

Sasa là một ngôi làng nhỏ (kibbutz) nằm ở vùng Thượng Galilee, miền bắc Israel, cách biên giới với Liban hơn 1 km. Ngôi làng này được thành lập năm 1949, chỉ 1 năm sau khi Nhà nước Israel ra đời. Với gần 400 nhân khẩu, các hộ gia đình là đồng sở hữu công ty Plasan với doanh số hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Khởi đầu từ sản xuất các sản phẩm nhựa, ngày nay Plasan đã trở thành công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vật liệu bảo vệ cho xe cơ giới quân sự. Ngoài ra, các hộ dân của Sasa còn sở hữu công ty Sasa Tech chuyên sản xuất các sản phẩm công nghệ gia dụng. Văn phòng của các công ty này đều đã đóng cửa.

Hiện ở Sasa chỉ còn vài chục người, bao gồm các quân nhân thuộc một đơn vị của Israel đóng quân và một số nhân viên của công ty cung cấp thực phẩm ở lại bám trụ. Nhà cửa, vật nuôi bị bỏ hoang. Bà Amira, đầu bếp của công ty cung cấp suất ăn Sasa, cho biết bà không phải là cư dân của kibbutz này, mà đến đây làm việc hàng ngày.

Bà nói: “Tôi không rời đi vì tôi phải làm việc để sống. Rời khỏi đây tôi không có tiền. Mọi người còn ở đây cũng vậy. Chúng tôi theo nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng coi nhau như một gia đình. Những người dân khác vẫn chưa trở về”.

Amira (trái) là đầu bếp của công ty cung cấp suất ăn Sasa.

Amira (trái) là đầu bếp của công ty cung cấp suất ăn Sasa.

Một trang trại bị bỏ hoang ở kibbutz Sasa.

Một trang trại bị bỏ hoang ở kibbutz Sasa.

Theo trung tâm nghiên cứu Alma, kể từ khi nổ ra xung đột, phong trào Hezbollah đã thực hiện gần 3.000 cuộc tấn công qua biên giới nhằm vào các vị trí quân sự của Israel, trong đó 94% tập trung trong bán kính 5 km từ đường biên. Một phần nhỏ các tên lửa, đạn chống tăng bắn vào các khu dân cư như Metula, Kiryat Shmona và Manara.

Thị trấn Shlomi là một trong số 14 khu dân cư nằm sát biên giới, nơi mọi người dân phải đi sơ tán do chiến tranh. Nhiều chục năm gắn bó với mảnh đất này, 2 tuần sau khi xảy ra chiến sự, ông Mel cũng phải rời thị trấn để đến thành phố Haifa. Ông cho biết, sau 2 tháng, ông đã quyết định trở lại Shlomi. Một số hàng xóm cùng thế hệ với ông cũng dần trở lại, trừ những gia đình có trẻ em.

Tuy nhiên, những tuần gần đây, các cuộc giao tranh qua biên giới lại nóng dần lên và ông quyết định rời Shlomi một lần nữa. Ông nói: “Cách đây 1 tuần, một quả tên lửa lớn rơi cách nhà tôi khoảng 100 mét. Tôi tự nhủ, khoảng cách này quá gần, và tôi lại quyết định rời đi”.

Hôm 27/5, Chính phủ Israel đã phê chuẩn khoản ngân sách trị giá 1,77 tỷ USD để hỗ trợ cho cư dân các địa phương sát biên giới phía bắc phải sơ tán. Gói hỗ trợ sẽ được đầu tư cho cả các chương trình ngắn và dài hạn để khắc phục những vấn đề do cuộc xung đột gây ra, bao gồm nâng cấp các thị trấn, thôn bản bị hoặc có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Ông Mel – cư dân thị trấn Shlomi.

Ông Mel – cư dân thị trấn Shlomi.

Các cư dân sống gần biên giới đang phải sơ tán sẽ được trở về nhà sau khi an ninh an toàn được đảm bảo, giáo dục được nâng cấp tiệm cận tiêu chuẩn, dịch vụ công và dịch vụ xã hội cải thiện. Ngoài ra, chính phủ sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tạo việc làm cho cộng đồng, thúc đẩy các lĩnh vực du lịch và nông nghiệp.

Về dài hạn, gói hỗ trợ hướng tới khuyến khích đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm phù hợp với điều kiện sản xuất ở khu vực miền núi phía bắc, khuyến khích phát triển năng lượng bền vững, cải thiện các dịch vụ y tế và giao thông, đẩy nhanh thành lập một trường đại học ở thành phố Kiryat Shmona sát biên giới.

Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết họ chưa dám trở về khi xung đột chưa kết thúc. Những người sơ tán đã thành lập Nhóm Vận động 1710, đặt theo tên một Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Nghị quyết 1710 kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah và yêu cầu hai bên rút quân khỏi khu vực sông Litani, cách biên giới Israel khoảng 30 km. Những ngày gần đây, nhóm này tụ tập biểu tình phản đối chính phủ Israel vì chính phủ chưa có kế hoạch rõ ràng để đưa họ trở về nhà sau hơn 8 tháng phải đi sơ tán.

Sabgi, một thành viên của nhóm 1710, nói: “Chúng tôi phải bỏ lại nhà cửa, trang trại. Giờ đây, chúng tôi muốn trở về. Nhưng dường như không ai quan tâm. Chúng tôi cảm thấy như bị bỏ rơi”.

Bài, ảnh: Vũ Hội (P/v TTXVN tại Israel)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cuoc-song-kho-khan-cua-nguoi-dan-o-mien-bac-israel-khi-chien-su-keo-dai-20240724084231174.htm