Cuộc sống mới của đồng bào dân tộc thiểu số

Đến các bản làng ở tỉnh Quảng Trị hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Không còn lầm lũi trong đói nghèo, lạc hậu, người Vân Kiều, Pa Kô đã tiếp cận được với các dịch vụ xã hội cơ bản, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

 Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ bò giống để cải thiện sinh kế - Ảnh: Q.H

Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ bò giống để cải thiện sinh kế - Ảnh: Q.H

Đến giờ, mọi người vẫn quen gọi địa bàn các xã: Thuận, Thanh, Lìa, A Dơi, Ba Tầng, Hướng Lộc, Xy bằng cái tên “vùng Lìa”. Trước kia, ở vùng đất này, đường sá đi lại rất khó khăn. Người dân chủ yếu chỉ quẩn quanh trong bản. Đói nghèo, lạc hậu đeo bám bà con như một căn bệnh. Lũ trẻ lớn lên, sớm rời bỏ con chữ, vội vã kết hôn, rồi lại khổ cực như đời ông bà, ba mẹ. Sinh trưởng trong hoàn cảnh ấy, bà Kăn Linh ở xã Lìa, huyện Hướng Hóa rất vui mừng khi cuộc sống hôm nay đã đổi khác. Ánh sáng văn minh lan tỏa giúp Lìa thay da đổi thịt. “Nghe tôi chia sẻ về quãng đời mà mình và nhiều người khác từng đi qua, lũ trẻ rất ngạc nhiên, cứ tưởng chuyện của ai đó từ thời xa xưa. Giờ đây, trẻ em ở vùng Lìa không còn đói chữ. Mỗi khi đau ốm, dân bản đều tìm đến trạm y tế. Chị em không còn sinh con ở túp lều dựng tạm trên rẫy…”, bà Kăn Linh hồn hậu chia sẻ.

Giống như vùng Lìa, các xã vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Đakrông gồm: Tà Long, Húc Nghì, Tà Rụt, A Bung, A Ngo, A Vao… hôm nay đã khoác màu áo mới. Cùng các công trình trường học, trạm y tế, trung tâm học tập cộng đồng, những ngôi nhà sàn khang trang, sạch đẹp mọc lên ngày càng nhiều thay chỗ cho những túp lều dựng tạm. Ngồi nhà, người dân vẫn có thể nắm được các thông tin qua radio, ti vi, internet... Chủ tịch UBND xã Húc Nghì Hồ Văn Nhua cho biết: “Trước đây, mỗi lần muốn mua gì, dân bản phải ra tận trung tâm huyện mới có, giờ thì bà con có thể đặt hàng qua mạng, được giao tận chân nhà sàn. Với các cán bộ xã như chúng tôi, việc gửi, nhận công văn, giấy tờ qua mạng đã rất thuận lợi và tiết kiệm thời gian”.

Sự khởi sắc của các xã vùng Lìa cũng như các xã ở huyện nghèo Đakrông là hai trong số nhiều minh chứng sinh động cho bước đổi thay tích cực của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Toàn vùng hiện có 44 xã, thị trấn với tổng cộng 19.263 hộ dân, 87.218 nhân khẩu, chiếm 14% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống quần tụ ở hai huyện Hướng Hóa, Đakrông và một số xã thuộc các huyện: Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ. Trước đây, cuộc sống của bà con gặp khó khăn về vật chất lẫn tinh thần. Cái bụng còn chưa ấm nên đồng bào dân tộc thiểu số không có điều kiện để tiếp cận với các dịch vụ cơ bản. Đây chính là trăn trở của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như người dân địa phương.

Để giải quyết thực trạng này, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã vào cuộc, cụ thể hóa các chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều chủ trương, nghị quyết, kế hoạch... Các chương trình, chính sách, dự án “tiếp sức” cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, nhiều chính sách đã giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, tiếp cận thông tin; hỗ trợ phát triển sinh kế, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… Trong đó, việc thuận lợi trong tiếp cận các dịch vụ cơ bản về chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo đã mang lại niềm vui lớn cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số được cấp 100% thẻ bảo hiểm y tế. Hộ nghèo được hỗ trợ tiền ăn, tiền tàu xe khi đi khám, chữa bệnh. Phụ nữ sinh đẻ có kế hoạch được hỗ trợ tiền theo quy định. Chính sách hỗ trợ về giáo dục đã nâng bước học sinh đồng bào dân tộc thiểu số đến trường. Các em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.

Việc triển khai các chương trình, chính sách, dự án giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ cơ bản đã và đang được gắn liền với nỗ lực phát triển hạ tầng cơ sở, điều kiện thiết yếu phục vụ việc sinh hoạt và sản xuất của bà con. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, cấp ủy, chính quyền các cấp tranh thủ nguồn lực, làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Kết quả đáng mừng là hiện nay, 100% xã trên địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống có điện lưới quốc gia với 99,1% số hộ sử dụng điện; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 85% số thôn, bản có đường giao thông đi lại được cả hai mùa… Hệ thống trường lớp, trạm y tế đã được xây dựng kiên cố, cao tầng hóa ở hầu hết các xã và trung tâm cụm xã. Đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận nhiều dịch vụ cơ bản mà đời ông, đời cha, thậm chí ngay chính họ từng hoàn toàn xa lạ.

Được sự “tiếp sức” có trách nhiệm, hiệu quả, điều kiện kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã có bước tiến dài. Cơ cấu kinh tế trên địa bàn chuyển dịch theo lợi thế của từng tiểu vùng. Tỉ lệ hộ nghèo hằng năm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 4%. Bộ mặt nông thôn miền núi đã có những đổi thay rõ rệt. Bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn đảm bảo.

Không chỉ giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản đã giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nuôi lớn niềm tin. Khác với trước đây, bà con nhìn nhận một cách sâu sắc về những khó khăn, thử thách đã và đang đối diện. Đó là, tỉ lệ hộ nghèo ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn cao hơn so với các vùng khác và bình quân chung của tỉnh. Tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp và không ổn định vẫn là thách thức lớn đối với toàn vùng. Việc đào tạo nghề, sử dụng lao động trong nông nghiệp, nông thôn chưa thực sự mang lại hiệu quả, tạo sinh kế bền vững cho bà con thoát nghèo. Cơ sở hạ tầng nhiều nơi xuống cấp, nhất là hệ thống giao thông liên thôn xã. Không còn hoang mang, lo lắng như trước, hôm nay, bà con nhìn mọi khó khăn, thử thách bằng ánh mắt, tâm thế sẵn sàng đối diện và quyết tâm vượt qua. Ai cũng hiểu sâu sắc rằng, nếu tin theo Đảng, Nhà nước, luôn đoàn kết, nỗ lực, nhất định họ sẽ còn có nhiều bước tiến dài và ngày mai chắc chắn tươi sáng hơn.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=153901