Cuộc sống mới của người dân thôn giáp biên Nhù Sang
Huyện Đồng Văn có 9 xã, thị trấn giáp biên giới. Việc sắp xếp, bố trí dân cư tại các khu vực biên giới luôn được huyện quan tâm và thực hiện trong nhiều năm nay. Đặc biệt, sau khi tỉnh triển khai Phương án thí điểm giãn dân ra sinh sống tại khu vực biên giới, huyện đã lựa chọn thôn Nhù Sang, xã Lũng Táo để thực hiện. Đến nay, đời sống của người dân trong thôn đã và đang đổi thay tích cực.
Thôn Nhù Sang là thôn giáp biên với 49 hộ, hầu hết là đồng bào Mông. Những năm trước, bà con chủ yếu canh tác nông nghiệp truyền thống, trồng ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ. Giãn dân ra khu vực biên giới nhiều mục đích tạo điều kiện cho người dân ở vùng biên đẩy mạnh phát triển kinh doanh, thương mại, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ đồng, với quy mô 32 hộ dân. Tháng 12.2020 công trình đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng 32 nhà và các công trình: Bể nước, nhà văn hóa, lớp học, nhà vệ sinh… Những hạng mục này đã giúp người dân Nhù Sang yên tâm sinh sống, xây dựng cuộc sống mới.
Tới thăm gia đình anh Vừ Mí Hờ, căn nhà xây kiên cố vẫn còn thơm mùi vôi mới, chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết: Khi được lãnh đạo xã tới thông báo về việc di chuyển ra gần biên giới, có hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà và 10 triệu đồng mua con giống, tôi cũng như các hộ nằm trong chương trình đều đồng thuận. Bởi chúng tôi hiểu nhiệm vụ của mình là đóng góp một phần nhỏ bé cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế, bảo vệ biên giới. Sau khi chuyển ra nhà mới, cùng với chăn nuôi, trồng trọt, tôi đã bán thêm hàng tạp hóa nên thu nhập ổn định hơn. Đến bây giờ, cuộc sống của tôi cũng như các hộ khác dần khấm khá hơn, có điều kiện cho con tới trường.
Chủ tịch UBND xã Lũng Táo, Đặng Vũ Hiệp cho biết: Người dân nơi đây nhiều đời nay bám đất, bám làng bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Đề án giãn dân ra khu vực biên giới sinh sống là một chủ trương hợp ý Đảng, lòng dân. Trong quá trình vận động, chúng tôi đã trực tiếp đối thoại với bà con và nhận được sự đồng tình ủng hộ. Trong quá trình triển khai, nhân dân trong thôn đã hỗ trợ nhau rất nhiều, giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng bằng việc đổi công, cùng giúp nhau hoàn thành từng nhà. Đặc biệt, ngay sau khi hoàn thiện các công trình, người dân tới nơi ở mới, huyện đã chỉ đạo triển khai đồng bộ những chính sách hỗ trợ, chương trình, dự án để phát triển kinh tế cho khu vực biên giới như Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; cung cấp giống cây trồng, vật nuôi cho người dân để an tâm sản xuất. Vì vậy, bà con bắt nhịp cuộc sống mới nhanh hơn, bắt tay vào lao động, sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Được biết, Đồng Văn là 1 trong 2 huyện đầu tiên của tỉnh (cùng với huyện Xín Mần) thực hiện thí điểm giãn dân ra biên giới. Qua triển khai thí điểm, những kết quả đạt được cho thấy phù hợp với thực tế tại địa phương và đáp ứng nhu cầu của người dân. Các chính sách thuộc chương trình được đánh giá là phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân địa phương. Nhờ đó, đến nay, cuộc sống của bà con đã ổn định, tích cực tham gia cùng các lực lượng giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.