Cuộc sống mới của người Dao xã Phìn Ngan
Tháng 3, mầu xanh của lúa, ngô và cây sa nhân tím đã xanh trở lại trên vùng đất Van Hồ, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát (Lào Cai), khi nơi đây đã vượt qua lũ dữ. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vượt khó của đồng bào dân tộc Dao nơi đây, Những căn nhà mới xây, quần tụ trên đồi cao ven suối đã làm nên thôn mới Van Hồ.
Chúng tôi đến thôn mới Van Hồ bằng con đường mới mở rộng hơn một mét, trong khi công nhân của đơn vị thi công đang khẩn trương khoan mố, đổ dầm để bắc cây cầu bê-tông cốt thép lớn qua dòng suối sâu hun hút, nối thôn mới Van Hồ với trung tâm xã Phìn Ngan. Trưởng thôn Chảo Láo Khờ, hồ hởi cho biết: “Chưa bao giờ ở đây có cầu cứng bằng bê-tông cốt thép. Nhiều đời rồi, người dân chỉ có cầu treo, muốn bán nông sản phải thồ từng bao tải. Chỉ ít ngày nữa thôi, người Dao ta có thể ngồi trên xe máy đi đến trung tâm xã hoặc dùng ô-tô chở ngô, sa nhân tím ra chợ huyện bán dễ dàng lại được giá hơn”.
Ngược lên thôn cũ ở tít trên đỉnh núi, dấu tích của cơn lũ quét, sạt lở đất vẫn còn hiện hữu ở những ngôi nhà sàn bằng gỗ bị vùi lấp ngập chìm trong đất đỏ; những mảnh vườn, ruộng bậc thang bị bóc đi, giờ um tùm cỏ dại. Cách đây gần một năm (tháng 8-2016), sau những trận mưa lớn, cơn lũ quét xuất hiện cuốn phăng nhà ở, sạt lở đất chôn vùi tài sản, ruộng vườn của 19 hộ người Dao ở thôn Sùng Hoảng 2, xã Phìn Ngan. Đau xót hơn, cơn lũ dữ đã cướp đi sinh mạng của ba người con thôn Sùng Hoảng 2, trong nỗi đau xé lòng, bất lực trước cơn giận dữ bất ngờ của thiên nhiên. Ở miền núi, vùng cao Phìn Ngan, do địa hình phức tạp và khí hậu khắc nghiệt cho nên hầu như thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhất là trong mùa mưa bão. Cấp ủy và chính quyền địa phương luôn đặt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, bảo đảm đời sống và sản xuất cho người dân lên hàng đầu.
Để khắc phục hậu quả, huyện Bát Xát đã quyết định di chuyển toàn bộ dân thôn Sùng Hoảng 2 xuống lập thôn mới trên mỏm đồi Van Hồ, bảo đảm an toàn địa chất và thuận tiện giao thông phát triển sản xuất. Tỉnh cấp kinh phí san gạt mặt bằng, xây dựng hạ tầng điện, nước, giao thông, hỗ trợ tiền giúp đồng bào định cư trên quê mới. Mỗi hộ được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng di dời nhà ở; các tổ chức xã hội quyên góp ủng hộ 30 hộ mất trắng tài sản tổng số gần 500 triệu đồng, cùng nhiều vật dụng sinh hoạt. Ngân hàng Chính sách xã hội khoanh giãn nợ, đồng thời cho mỗi hộ vay mới 25 triệu đồng với lãi suất rất thấp, trả chậm trong vòng 10 năm, để khôi phục, phát triển sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời và nỗ lực vượt khó của đồng bào, đến nay thôn mới Van Hồ đã khởi sắc, với 35 hộ quần tụ định cư, 100% số nhà được xây kiên cố thay cho nhà sàn gỗ trước đây, điện lưới đã bừng sáng trong mỗi căn nhà, chạy máy nông cụ nhỏ phục vụ sinh hoạt và sản xuất; giao thông thuận tiện. Điều đáng mừng nhất là trong khó khăn, càng thể hiện rõ bản lĩnh, nỗ lực vượt khó; tình đoàn kết chia ngọt sẻ bùi của đồng bào dân tộc Dao, nhất là trong khôi phục sản xuất, đẩy lùi nghèo khó, vươn lên ổn định cuộc sống và làm giàu.
Trưởng thôn Van Hồ Chảo Láo Khờ là “cánh chim đầu đàn” vượt khó, vươn lên sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao ở đây. Mới ngoài 30 tuổi, nhưng anh Khờ đã xây được căn nhà khang trang, rộng rãi; mua sắm được khá đủ các tiện nghi như xe máy, ti-vi, bàn ghế… “Được Nhà nước hỗ trợ tiền, mình tập trung làm nhà trước để có chỗ ở an toàn, sau đó tập trung khôi phục số diện tích ruộng bậc thang để cấy lúa, mua phân bón để thâm canh sa nhân tím. Nhờ đó, có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống ngày càng khá lên”, Chảo Láo Khờ cho hay. Ngoài việc có đủ lương thực để sử dụng, vụ thu hoạch sa nhân tím năm 2016, gia đình anh Khờ thu được gần 500 kg quả, bán với giá 230 nghìn đồng/kg, thu về hơn 100 triệu đồng. Đến thăm gia đình anh Chảo Phủ Páo ở cuối thôn Van Hồ, khi đang chuẩn bị lùa đàn trâu hơn chục con đi chăn thả. Mời khách vào căn nhà mới xây vững chãi, kiên cố còn thơm mùi sơn mới, anh hồ hởi: Nhờ có Nhà nước và mọi người hỗ trợ, giúp đỡ, mình có nhà xây để ở. Được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn, mình góp thêm tiền tiết kiệm của gia đình để phát triển chăn nuôi trâu. Ở đây nhiều đồi cỏ rộng, có đường mới mở, cho nên nuôi trâu cũng dễ dàng, thuận lợi.
Câu chuyện về khôi phục sản xuất, làm ăn sau cơn lũ dữ của đồng bào Dao ở Phìn Ngan cho thấy, sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước chỉ có kết quả tốt khi cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc sát sao, cụ thể cùng với quyết tâm, nỗ lực vươn lên khó khăn, xây dựng cuộc sống mới của người dân các dân tộc địa phương. Bí thư Đảng ủy xã Phìn Ngan Chảo Mùi Phẩy cho biết: "Để xây dựng lại 35 căn nhà cho người Dao vùng bị lũ quét, xã huy động nhân lực của các thôn khác đến đổi công giúp vận chuyển vật liệu, xây nhà, lợp mái. Sau khi ổn định nhà ở, xã tiếp tục giúp người dân giống, phân bón, kỹ thuật khuyến nông để khôi phục sản xuất. Xã định hướng mở ruộng bậc thang, phát triển chăn nuôi gia súc và trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng để vừa có lương thực trước mắt, vừa có nguồn thu ổn định, lâu dài. Nhờ vậy, thôn mới Van Hồ của người Dao hôm nay, sau cơn lũ dữ năm nào, đã khởi sắc xanh tươi, hơn 30 hộ dân nơi đây đang đoàn kết một lòng, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.