Cuộc sống mới của người Si La

Mường Tè là huyện duy nhất của tỉnh Lai Châu có dân tộc Si La, một trong những dân tộc rất ít người (dưới 1.000 người) sinh sống.

Bà con dân tộc Si La thu hoạch lúa trên vùng đất mới.

Bà con dân tộc Si La thu hoạch lúa trên vùng đất mới.

Mường Tè là huyện duy nhất của tỉnh Lai Châu có dân tộc Si La, một trong những dân tộc rất ít người (dưới 1.000 người) sinh sống.

Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước với những chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt ít người và dự án tái định cư Thủy điện Lai Châu, đời sống của đồng bào Si La từng bước khởi sắc.

Người Si La sinh sống ở hai bản Seo Hai, Xì Thâu Chải thuộc xã Can Hồ, huyện Mường Tè. Trước đây người dân sinh sống biệt lập ngăn cách bởi dòng sông Ðà, cuộc sống rất khó khăn. Những năm gần đây, nhờ các chính sách hỗ trợ tái định cư Thủy điện Lai Châu, đồng bào dân tộc Si La chuyển về nơi ở mới với những căn nhà khang trang, đường nội bản được bê-tông hóa, 100% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch; hơn 90% số hộ dân có ti-vi, xe máy.

Ðưa chúng tôi đi thăm bản Seo Hai, nghệ nhân dân gian Hù Cố Xuân chia sẻ: Cuộc sống của người Si La giờ đã khác trước rất nhiều, không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Ðặc biệt, đời sống văn hóa tinh thần của bà con dân tộc Si La đã đổi thay rất nhiều. Các bản đều có đội văn nghệ quần chúng thường xuyên tập luyện những điệu múa, những bài dân ca đậm bản sắc dân tộc mình. Cùng với đó, hằng năm, Nhà nước đều hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ông Pờ Chà Dú (bản Xì Thâu Chải) phấn khởi cho biết: "Khi chuyển lên khu tái định cư thì chỗ ở có lô, có khoảnh; phù hợp với nông thôn mới, nhà cửa khang trang và đi lại thuận tiện hơn. Người dân còn được Nhà nước hỗ trợ bò giống và một số cây giống như xoài, quế, sa nhân tím… Ðến nay, gia đình tôi có hơn 20 con bò, hơn 40 con dê, 15 con lợn thịt, gần một héc-ta cây quế và một số diện tích cây sa nhân tím. Thu nhập gia đình ổn định, con cái có điều kiện ăn học".

Trong giai đoạn 2018 - 2020, Nhà nước đã hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Si La nhiều giống cây trồng, vật nuôi để người dân vươn lên phát triển kinh tế. Anh Hù Chà Hùng (bản Xì Thâu Chải) là một thí dụ điển hình làm kinh tế giỏi trong đồng bào Si La. Sau khi tốt nghiệp khoa Lâm nghiệp, Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên, Hù Chà Hùng mạnh dạn chăn nuôi gà để khởi nghiệp làm tấm gương cho bà con dân bản học tập và noi theo. Với nguồn vốn ban đầu, anh Hùng mạnh dạn đầu tư 3.000 con gà, nhờ tích cực học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đến nay đàn gà của anh đã tăng lên hơn 13.000 con gà thương phẩm, tạo công ăn việc làm và hướng dẫn hàng chục hộ thanh niên dân tộc Si La vươn lên thoát nghèo.

Theo Bí thư Ðảng ủy xã Can Hồ Lỳ Xì Po, trên địa bàn xã hiện có khoảng hơn 100 hộ, 550 nhân khẩu người dân tộc Si La sống tập trung tại hai bản Seo Hai và Xì Thâu Chải. Trong những năm qua với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước đặc biệt là Ðề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 theo Quyết định số 2086/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có tác động rất tích cực đến đời sống của nhân dân. Trong giai đoạn 2018 - 2020, Nhà nước đã hỗ trợ cho các hộ gia đình người Si La trên địa bàn gần 100 con bò; các giống sa nhân tím cho hơn 90 ha, xoài, bưởi da xanh cho gần 20 ha, với tổng kinh phí hơn năm tỷ đồng.

Việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi theo Ðề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 đang có tác động rất tích cực đến công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ðồng thời, tạo sức sống mới lan tỏa trong vùng đồng bào dân tộc Si La nơi thượng nguồn sông Ðà.

Bài và ảnh: Trần Tuấn

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/cuoc-song-moi-cua-nguoi-si-la-638713/