Cuộc sống mới dưới chân đèo Phạ Đin

Đèo Phạ Đin huyền thoại, tuyến đường huyết mạch để vận chuyển lương thực, súng đạn chi viện cho bộ đội tại chiến trường Điện Biên Phủ. Phạ Đin xưa là thế, hôm nay dưới chân đèo, người dân xã Mường É và xã Phổng Lái (Thuận Châu) tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chung sức, đồng lòng phát triển kinh tế, xây dựng bản mường giàu đẹp.

Người dân xã Phổng Lái thu hái chè.

Người dân xã Phổng Lái thu hái chè.

Ngược dòng lịch sử, năm 1954, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng địch ở Điện Biên Phủ”, cùng với nhân dân cả nước và huyện Thuận Châu, nhân dân 2 xã Mường É, Phổng Lái đã không quản hy sinh gian khổ, ngày đêm tham gia “phá đá mở đường”, có nhiều thanh niên xung phong đã ngã xuống tại con đèo huyền thoại này để huyết mạch Phạ Đin luôn được thông suốt, đảm bảo cho các đoàn xe đạp thồ, pháo binh, phương tiện vận chuyển vũ khí, đạn dược, xăng dầu, lương thực tiếp tế cho bộ đội chủ lực. Ghi nhận những đóng góp đó, nhân dân hai xã Mường É, Phổng Lái vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý...

Những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi về xã Phổng Lái trong không khí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp đang rộn ràng khắp ngõ xóm, thôn bản bởi cờ hoa, khẩu hiệu. Trung tâm xã sầm uất với những ngôi nhà khang trang, cửa hàng tạp hóa tấp nập người mua bán; xen lẫn những bản làng là những đồi chè xanh mơn mởn và các loại cây ăn quả.

Đón chúng tôi tại trụ sở xã, đồng chí Mè Văn Tiền, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Đầu những năm 1960, các hộ dân ở Thái Bình đã đặt chân lên phát triển kinh tế mới tại vùng đất Phổng Lái và đưa cây chè lên trồng trên mảnh đất này. Trải qua bao khó khăn, cây chè giờ đây đã đứng vững và là cây kinh tế chủ lực của xã; đồng bào các dân tộc đã chú trọng thâm canh cây chè, kết hợp với trồng một số loại cây ăn quả khác để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Toàn xã hiện có hơn 800 ha chè, 400 hộ trồng, chế biến, kinh doanh chè, tạo việc làm và thu nhập cho trên 2.000 lao động trên địa bàn xã và các xã lân cận.

Cùng với cây chè, xã còn vận động nhân dân trồng và chăm sóc 172 ha cà phê, 268,6 ha cây ăn quả; 16 ha cây mắc ca. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển với gần 2.500 con trâu, bò, hơn 1.000 con lợn, 36.000 con gia cầm. Hình thành các cụm, điểm thu mua, sơ chế và chế biến nông sản; duy trì hoạt động 4 doanh nghiệp, 3 hợp tác xã sản xuất kinh doanh hiệu quả; 4 cơ sở chế biến, thu mua cà phê, ngô, khoai, sắn. Tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 2,8%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 32 triệu đồng, là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Rời xã Phổng Lái theo quốc lộ 6, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến với xã Mường É, nằm ở lưng chừng đèo Phạ Đin. Tuyến đường đến trung tâm xã được trải nhựa phẳng phiu, đứng trên lưng chừng đồi nhìn xuống khung cảnh bản làng hiện ra thật yên bình. Chủ tịch UBND xã Quàng Văn Xiến phấn khởi: Những năm qua, xã đã vận động người dân áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2020, sản xuất nông nghiệp của xã tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp về sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Cả xã đã trồng mới gần 40 ha cây ăn quả các loại, nâng tổng số diện tích toàn xã lên 108 ha; thâm canh 102 ha cà phê, hơn 290 ha chè, gần 48 ha chanh leo, trồng 48 ha mắc ca xen cây cà phê, 31 ha sa nhân; duy trì, chăm sóc 440 ha cây sơn tra. Tổng thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 13 triệu đồng/người/năm, tăng 3,2 triệu đồng so với năm 2018.

Minh chứng cho bước chuyển về phát triển kinh tế, Chủ tịch xã đã đưa chúng tôi thăm nương chè đang vào vụ thu hoạch của gia đình đảng viên Lò Văn Dủng, Bí thư chi bộ bản Cả Vai, là một trong hộ tiên phong trong việc trồng chè trên địa bàn xã. Ông Dủng cho biết: Cây chè phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, sản phẩm chè của gia đình được HTX chè ở xã Phổng Lái liên kết bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm gia đình tôi thu được trên 30 tấn chè, với giá bán 7.000 - 10.000 đồng/kg, cho thu nhập gần 150 triệu đồng. Hiện nhiều hộ dân trong bản, xã đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 300 ha đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng chè.

Năm tháng qua đi, đèo Phạ Đin vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử hào hùng, đã được công nhận di tích Quốc gia. Hiện, Khu du lịch Phạ Đin lấy vị trí Di tích lịch sử quốc gia đèo Phạ Đin làm trung tâm trên địa bàn hai xã Phổng Lái và Mường É tạo thành quần thể Khu du lịch Phạ Đin. Đây là cơ hội mới để nhân dân mở rộng phát triển dịch vụ du lịch, thu hút du khách dừng chân tham quan, tìm hiểu về lịch sử cung đèo Phạ Đin, góp phần lưu giữ, truyền tải những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/cuoc-song-moi-duoi-chan-deo-pha-din-39435