Cuộc sống mới ở điểm tái định cư Hua Mức 2

ĐBP - Với mục tiêu đảm bảo an toàn và chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tại các vùng có nguy cơ sạt lở cao, nhiều hộ gia đình ở bản Hua Mức 2, xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo đã được di chuyển đến nơi ở mới. Với nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước và của địa phương, đời sống của bà con nơi đây đã dần ổn định, thực sự an cư trên vùng đất mới.

Chia tách từ xã Mường Mùn và thành lập năm 2013, Pú Xi được biết đến là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo. Trước kia, nhiều hộ đồng bào Mông làm nhà sinh sống ở sườn núi với những ngôi nhà dựng tạm chênh vênh trên núi, dốc đứng. Mỗi khi mùa mưa về, người dân trong bản nơm nớp nỗi lo nước lũ, núi lở và bị cô lập hoàn toàn. Ông Thào A Phềnh, Bí thư Ðảng ủy xã Pú Xi cho biết: “Năm 2013 huyện Tuần Giáo di dời 6 hộ dân thuộc bản Hua Mức 2 ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Những hộ ít bị ảnh hưởng sạt lở thì vẫn sinh sống ở bản cũ. Ðịa điểm nơi tái định cư mới nằm cách nơi ở cũ của người dân trong bản khoảng 2km. Toàn bộ khu vực tái định cư đã được Nhà nước đầu tư san ủi mặt bằng, có cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh như: Ðường được rải cấp phối, nước sinh hoạt tới từng hộ dân. Ðây là vị trí thoáng đãng, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông. Mỗi hộ dân đến nơi ở mới được cấp một nền nhà hơn 300m2 và được hỗ trợ 20 triệu đồng di dời nhà cửa”.

Thời điểm đó 6 hộ chuyển lên nơi ở mới đều thuộc diện khó khăn, đời sống chủ yếu dựa vào canh tác trên nương, diện tích đất trồng lúa, ngô ít. Ông Giàng A Sở, bản Hua Mức 2, là một trong những người đầu tiên lên điểm tái định cư chứng kiến những thay đổi của bà con trong bản, ông cho biết: “Thời điểm khi chuyển lên khu tái định cư mới, 100% các hộ đều thuộc diện hộ nghèo, vừa lo kiếm cái ăn vừa lo lắng sạt lở đất đe dọa tính mạng và nhà cửa. Quả núi phía sau khu vực bà con ở có đường nứt dài mấy trăm mét, có thể đổ sập xuống bản bất cứ lúc nào. Do vậy, khi được các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động bà con đều nhất trí chuyển đến nơi ở mới hiện nay. Chúng tôi ở lại làm ruộng, nương, làm vườn rau, nuôi gà vịt, nuôi trâu bò”.

Sau khi được di dời đến nơi ở mới, các hộ dân đã bắt tay vào sản xuất, dựng nhà, quy hoạch lại diện tích được cấp, diện tích đất sản xuất bà con vẫn canh tác ở nơi ở cũ. Sau hơn 7 năm di dời khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao sang điểm tái định cư mới, cuộc sống của các hộ dân ở điểm tái định cư đã có nhiều đổi thay, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Cũng chuyển về nơi ở mới từ năm 2013, đời sống của gia đình anh Giàng A Sùng hiện khá ổn định. Ðặc biệt, mấy năm gần đây, gia đình anh vừa làm ruộng nương vừa chăn nuôi gia súc, gia cầm mỗi năm cho thu nhập gần trăm triệu đồng. Anh Giàng A Sùng chia sẻ: “Khi còn ở bản cũ, bà con lo lắm vì năm nào cũng sạt lở núi. Giờ được Nhà nước hỗ trợ chuyển ra đây, cuộc sống của chúng tôi đã ổn định. Có nhà mới, cuộc sống thoải mái hơn”.

Không còn cảnh nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi của các hộ dân bị đá trên núi sạt lở gây nguy hiểm đến tính mạng như khi còn ở bản cũ. Thay bằng bãi đất trống bỏ hoang trước đây thì nay là một khu tái định cư với những ngôi nhà mái tôn còn mới, kiên cố nằm sát nhau. Người dân nơi đây đã bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giao thương buôn bán với các địa phương khác vùng; trẻ em được chăm sóc sức khỏe và được cắp sách đến trường. Thấy đời sống của người dân ở nơi ở mới tương đối ổn định; mọi người đều có nhà ở, có nương để sản xuất. Con em trong bản có điều kiện học tập thuận lợi, một số hộ dân trong bản cũ cũng lần lượt đưa nhau đến ở nơi ở mới. Bản Hua Mức 2 khi mới chuyển đến điểm tái định cư mới ban đầu chỉ có 6 hộ dân đến nay bản đã có 20 hộ, với 89 khẩu. Người dân yên tâm gắn bó với nơi ở mới và luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước cũng như các cấp chính quyền địa phương.

Những ngôi nhà mới được xây khang trang, những ruộng lúa, nương rẫy, vườn rau, cây ăn quả đã mọc lên, đây đó có tiếng trẻ ê a học bài, tiếng loa đài, ti vi. Con đường bê tông mới giúp người dân đi lại thuận lợi, diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc.

Lường Phượng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/185476/cuoc-song-moi-o-diem-tai-dinh-cu-hua-muc-2