Cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính phải thực chất

Tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, lần đầu tiên Chính phủ có một báo cáo riêng về rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính (TTHC) gửi tới Quốc hội. Trong báo cáo, Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ, quy định về thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết một số TTHC còn qua nhiều tầng nấc, khâu trung gian; TTHC nội bộ trong từng bộ, cơ quan, địa phương và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau còn phức tạp, rườm rà, chưa cụ thể nên hiệu quả chưa cao. Nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC phải thực chất, phải lắng nghe ý kiến từ người dân, doanh nghiệp.

Tỷ lệ chi phí tuân thủ được cắt giảm chưa tương xứng

Để tập trung cắt giảm gánh nặng hành chính cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ (Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 gọi là Chương trình), với mục tiêu đến hết năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện. Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2021 đến hết tháng 3.2024, có 2.866 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa gồm: 1.479 TTHC, 162 yêu cầu, điều kiện, 92 chế độ báo cáo, 164 quy chuẩn, tiêu chuẩn và 969 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành) tại 243 văn bản quy phạm pháp luật. Theo ước tính tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa đạt khoảng 18% trên tổng số 15.801 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa, và khoảng 10% chi phí tuân thủ, kỳ vọng đến hết năm 2025 sẽ đạt mục tiêu đề ra của Chương trình.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Tháp. Ảnh minh họa: Nhựt An/TTXVN

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Tháp. Ảnh minh họa: Nhựt An/TTXVN

Điều đó cho thấy, Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được triển khai trên diện rộng, với số lượng lớn các quy định tại nhiều văn bản do Chính phủ ban hành và thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề đầu tư kinh doanh, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch hơn, đặc biệt một số quy định đã được cải cách mạnh mẽ mang lại hiệu quả rất thiết thực. Trong đó, về nhóm TTHC trong lĩnh vực Hóa chất Bảng trong Nghị định số 33/2024/NĐ-CP ngày 27.3.2024 của Chính phủ quy định việc thực hiện Công ước Cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học đã bãi bỏ TTHC gồm: cấp/cấp lại/cấp điều chỉnh Giấy phép sản xuất hóa chất DOC, DOC-PSF.

Hay về thủ tục cấp, bổ sung nghiệp vụ chứng thư số: Thông tư số 16/2023/TT-NHNN ngày 15.12.2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã không yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy tờ có giá trị tương đương. Qua đó, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc; đồng thời, đã bãi bỏ thành phần hồ sơ (văn bản xác nhận chức danh của người đề nghị cấp, bổ sung nghiệp vụ chứng thư số).

Bên cạnh ghi nhận những kết quả tích cực đã đạt được, Ủy ban Pháp luật cũng nhận định, tỷ lệ chi phí tuân thủ được cắt giảm chưa tương xứng, mới chỉ đạt 10% trên tỷ lệ yêu cầu ít nhất 20%.

Xử lý nghiêm bộ, ngành không thực hiện đúng yêu cầu cải cách

Qua kết quả thực hiện cải cách TTHC thời gian qua cũng cho thấy, số lượng quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa ở các bộ có sự chênh lệch lớn. Có bộ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được cắt giảm không nhiều nhưng tổng chi phí tuân thủ được cắt giảm cao. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cắt giảm, đơn giản hóa 56 quy định, chi phí tuân thủ giảm được 107 tỷ 695 triệu đồng. Trong khi đó, có nhiều bộ, tổng số quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa rất lớn nhưng lại chưa có số liệu về giảm chi phí tuân thủ.

Do đó, Chính phủ cần làm rõ vì sao cùng chủ trương, cùng các quy định về đơn giản, cắt giảm các TTHC nhưng có bộ lại thực hiện rất tích cực, khả quan bởi những số liệu cụ thể, nhưng có những bộ lại chưa rõ giảm được bao nhiêu chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp từ việc đơn giản, cắt giảm các TTHC thuộc lĩnh vực do bộ, ngành mình quản lý. Bởi mục đích của cải cách là phải thực chất, bảo đảm thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Theo phản ánh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc thực hiện chủ trương cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh còn chưa đạt như kỳ vọng. Các phương án tập trung nhiều nhất vào các đề xuất bổ sung phương thức thực hiện TTHC theo phương thức trực tuyến và đơn giản hóa về hồ sơ xin phép. Các đề xuất về đơn giản hóa một số điều kiện kinh doanh hay giảm thời gian giải quyết TTHC. Các phương án cắt giảm, đơn giản hóa vẫn chưa thực sự đạt như kỳ vọng, trong một số trường hợp vẫn còn mang tính hình thức, thường ở mức đơn giản hóa thủ tục.

Trong khi đó, các vấn đề lớn, tác động đến doanh nghiệp, dường như “vắng bóng” trong các phương án cắt giảm, đơn giản hóa. Đơn cử, các quy định về quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy; các điều kiện kinh doanh bất cập, vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh trước đây như: quy định về yêu cầu lắp camera trên xe ô tô từ 9 chỗ trở lên; các điều kiện kinh doanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, trang sức, mỹ nghệ...

VCCI năm 2023 đã tiến hành lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn, bất cập, chồng chéo trong các văn bản pháp luật về kinh doanh. Theo đó, doanh nghiệp, hiệp hội đã phản ánh 94 bất cập, vướng mắc trong đó liên quan đến các quy định từ luật đến nghị định, thông tư, nhưng các vướng mắc về TTHC, quy định kinh doanh của doanh nghiệp nêu dường như rất ít được phản ánh trong các đề xuất cắt giảm của các bộ, ngành. Điều này cho thấy, dường như hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đang chưa phản ánh được mong muốn thực sự của doanh nghiệp.

Không chỉ có doanh nghiệp, người dân quan tâm, phản ánh về những vướng mắc, bất cập của TTHC nhưng chưa được giải quyết triệt để, mà đây cũng là vấn đề đã không ít lần nóng ở diễn đàn Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Trên diễn đàn Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cũng cho rằng, các vướng mắc về TTHC quy định kinh doanh của doanh nghiệp ít được phản ánh trong đề xuất cắt giảm của các bộ, ngành. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023, gần 73% doanh nghiệp cho biết phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục về đất đai. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ năm 2022 là 42,9%, đại biểu Phương nhấn mạnh.

Chỉ rõ thực tế này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm đẩy mạnh và cải cách thực chất hơn nữa, không chỉ là cắt bỏ một vài giấy tờ hay một vài ngày trong thời hạn TTHC mà phải cắt giảm được chi phí tuân thủ không cần thiết. Cùng với đó, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc đối với các bộ, ngành, địa phương không thực hiện đúng cải cách TTHC, điều kiện kinh doanh đã được phê duyệt.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/cat-giam-don-gian-thu-tuc-hanh-chinh-phai-thuc-chat-i377524/