Cuộc sống mới ở Trà Leng
Giữa cái lạnh của Hà Nội những ngày cuối năm âm lịch Canh Tý, cái bắt tay nồng ấm cùng lời của Tổng biên tập Báo dành cho tôi rằng 'Vừa rồi, em lên hiện trường vùng sạt lở Trà Leng tác nghiệp tốt, đặc biệt đã quán triệt được tinh thần của ban lãnh đạo báo là giữ an toàn là rất tốt' khiến tôi rất vui. Nhưng vui hơn nữa khi tôi biết rằng, bây giờ đồng bào những nơi bị bão lũ tàn phá được sự giúp được của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương cùng mạnh thường quân trên cả nước đã dần ổn định tinh thần, vực lại cuộc sống.
Những ám ảnh khó quên
Năm 2020 là một năm khó quên với những người dân miền Trung. Bão lũ dồn dập, cùng với những trận sạt lở núi kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân vô tội. Của cải, tài sản của nhiều gia đình tích góp trong cả một đời chỉ trong phút chốc bị mẹ thiên nhiên giận dữ mang đi.
Tháng 9 và tháng 10 năm 2020, miền Trung không bình yên. Người dân miền Trung từ Nghệ an cho đến Khánh Hòa liên tiếp hứng chịu những trận bão và lũ lụt kinh hoàng. Khi người dân miền Trung còn chưa kịp định thần sau cơn bão số 5 vừa đi qua cuối tháng 9 thì một đợt mưa lớn đầu tháng 10 đã nhấn chìm nhiều làng quê nghèo trong biển nước, gây những trận sạt lở núi kinh hoàng.
Trong bài viết này, tôi không thể điểm hết những đau thương những đau thương mất mát mà người dân miền Trung phải gánh chịu. Sạt lở tại Rào Trăng (Thừa Thiên Huế) với 20 cán bộ chiến sĩ quân đội, cán bộ địa phương, nhà báo và người dân thiệt mạng, hay 22 chiến sĩ Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 đóng tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị bị vùi lấp trong đống đổ nát của sạt lở, tôi mong họ yên giấc.
Tôi chỉ xin nhắc đến trận sạt lở tại Quảng Nam, nơi để lại cho tôi ám ảnh khó quên. Ám ảnh về những ngôi mộ đắp vội bên con đường đi vào hiện trường sạt lở. Ám ảnh về những đôi mắt gần như thất thần không còn nước mắt để khóc khi chờ đợi tin người thân đang nằm dưới đống đổ nát. Ám ảnh về tiếng khóc vang núi xé lòng của một em bé đau đớn bị gãy chân khi được lực lượng quân y chăm sóc khi vừa được đưa ra từ đống đổ nát…
Tôi còn nhớ mãi, tối ngày 28/10/2020, sau khi tác nghiệp tại cuộc họp Ban chỉ huy Phòng chống bão số 9 tôi trở về nhà thì nhận được tin nhắn của đồng nghiệp về một trận sạt lở đất tại Quảng Nam vùi lấp một ngôi làng. Từ TP Đà Nẵng, chúng tôi lên kế hoạch di chuyển lên hiện trường ngay trong đêm nhưng sau đó đành phải đợi trời sáng bởi những đồng nghiệp ở Quảng Nam đi trước báo rằng, đường sạt lở chưa vào được đang chờ công binh mở đường.
Sáng hôm sau, khi vào tới Ban chỉ huy tiền phương, nơi chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn của trận sạt lở thì chúng tôi được thông báo thông tin chính thức rằng, tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, một vụ sạt lở núi vùi lấp và xóa sổ một thôn khiến nhất 55 người chết và mất tích. Cũng trong huyện này, ở xã Trà Vân cũng xảy ra một vụ sạt lở khiến ít nhất 8 người chết. Thêm một vụ sạt lở khác cũng xảy ra tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn khiến 13 người mất tích trong đó có 2 cán bộ xã.
Nỗ lực tiếp cận hiện trường nơi sạt lở ở Trà Leng, tôi và những đồng nghiệp khác không thể quên hình ảnh ở hiện trường. Quá ngổn ngang và kinh hoàng là những gì đang xảy ra tại điểm sạt lở thôn 1 xã Trà Leng. Tại hiện trường, những gương mặt người dân bơ phờ rớm lệ ngóng tin người thân mình đang nằm đâu đó dưới lớp đất đã nhão nhoẹt. Một thôn làng trước đó mấy ngày vẫn rộn ràng tiếng cười nay bao trùm tang thương. Không còn ai nhận ra đống đổ nát đầy đất đá ấy đã từng là thôn 1 xã Trà Leng. Khắp một vùng bùn đất nhão nhoẹt trộn với đá và cây từ trên núi đổ xuống.
Hàng trăm cán bộ chiến sĩ quân đội dùng tay không bới từng nắm bùn non, lật từng hòn đá nhặt từng khúc cây để kiếm tìm người mất tích. Chiếc máy xúc được đưa vào hiện trường nhưng rất ít được sử dụng. Chiếc máy xúc chỉ nổ máy khi cần nâng một vật quá nặng mà sức người không nâng nổi...
Với tôi, ám ảnh về những ngôi mộ đắp vội bên con đường đi vào hiện trường sạt lở. Ám ảnh về những đôi mắt gần như thất thần không còn nước mắt để khóc khi chờ đợi tin người thân đang nằm dưới đống đổ nát. Ám ảnh về tiếng khóc vang núi xé lòng của một em bé đau đớn bị gãy chân khi được lực lượng quân y chăm sóc khi vừa được đưa ra từ đống đổ nát là rất khó quên…
Không chịu gục ngã...
Biết rằng, đau thương mất mát không thể bù đắp trong một sớm, một chiều nhưng với bản tính cần cù, chịu khó và lạc quan của người dân miền Trung, cùng với sự giúp được của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương cùng mạnh thường quân trên cả nước, người dân không chịu gục ngã. Họ gượng dậy lạc quan sống như câu nói của người miền Trung “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.
Trà Leng, nơi cách đây gần 5 tháng, tôi chứng kiến những giọt nước mắt đau thương nay người dân đã khác. Những gương mặt đau thương đẫm nước mắt mà chúng tôi đã từng bắt gặp nay đã tươi lên hẳn. Họ nở những nụ cười để đón chào những căn nhà mới, nơi sinh sống mới và cuộc sống mới. Sau cái ngày định mệnh bởi trận sạt lở núi kinh hoàng ấy 30 hộ dân đã được chính quyền địa phương bàn giao Giấy chứng nhận sử dụng đất cùng chiếc chìa khóa của căn nhà mới nơi khu tái định cư để bắt đầu cuộc sống mới. Bà con nơi đây cũng được địa phương lên kế hoạch bố trí lại việc sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế bền vững.
Ngang qua làng Phước Lộc, Phước Thành (huyện Phước Sơn), những đôi mắt đã từng nhòe đi bởi mất mát bởi trận sạt lở núi nay đã thôi thăm thẳm màu buồn. Lời của ông Chủ tịch UBND xã Phước Lộc - Lưu Huyền Thoại rằng, có 11 nhà được hỗ trợ với mức 140 triệu đồng mỗi căn, đủ để xây dựng một căn nhà cấp bốn kiên cố với diện tích chừng năm chục mét vuông. Cùng với các nguồn hỗ trợ khác, sẽ thêm một khoản nữa để bà con xây nhà vệ sinh. Điện, nước đang được khắc phục, bước đầu đủ cho nhu cầu sinh hoạt của bà con. Xa hơn, chuyện xen ghép chỗ ở, khôi phục những diện tích lúa nước, tìm kiếm con vật nuôi làm sinh kế thay thế đã được gấp rút tính toán và báo cáo đề xuất lên huyện. Đó là những lời khiến tôi tin về một cuộc sống mới của bà con nơi đây.
Còn ở ở hai huyện Nam Trà My và Phước Sơn cũng đang bắt đầu hồi sinh. Nhà ở của người dân bị hư hỏng trong những vụ sạt lở vừa qua đã được chính quyền địa phương và lực lượng quân đội phối hợp sửa chữa, dựng lại. Hàng chục hộ dân có nhà ở bị vùi lấp, ngã đổ hoàn toàn, lâu nay đang ở tạm trong những căn nhà tạm, nay đã được bố trí đất và xây nhà ở các khu tái định cư.
UBND huyện Phước Sơn cũng cấp 4 tỉ đồng hỗ trợ nhân dân xây dựng mới và sửa chữa 166 căn nhà, trong đó có 97 căn nhà mới và 69 nhà sửa chữa lại, giải ngân hơn 2,5 tỉ đồng cho việc khôi phục sản xuất nông nghiệp và 47 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa công trình hạ tầng hư hỏng. Những con số không quá lớn nhưng sự quan tâm của chính quyền địa phương như vậy cũng một phần giúp bà con bắt đầu cuộc sống mới tốt hơn.
“Đợt thiên tai 2020 gây thiệt hại lớn nhưng đồng thời là cơ hội cho Quảng Nam trong đánh giá việc phát triển bền vững cho khu vực miền núi, bao gồm sắp xếp dân cư lâu dài gắn với các công trình hạ tầng, phát triển kinh tế ở những địa bàn nơi có nguy cơ. Đồng thời đặt ra những lưu ý trong bảo vệ phát triển rừng tự nhiên, phát triển sinh kế dựa vào đặc thù địa bàn. Đây là nội dung quan trọng để đề ra chiến lược phát triển trong 10 năm tới ở khu vực miền núi” lời của ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng như mở ra cơ hội cho bà con nơi thiên tai vừa đi qua.
Thời gian chưa đủ lâu để xanh lại những vạt đồi nơi sạt lở nghĩa là “Vết thương lành chỗ cắt nhưng vẫn chưa thôi đau”. Với bà con nơi vùng sạt lở dẫu rằng khó có thể quên đi hết ký ức, nhưng ký ức đã là của ngày hôm qua.
Người dân Trà Leng đã có một cuộc sống mới, một cuộc tái sinh...