Cuộc sống nghiệt ngã sau câu nói: 'Tôi không say'
Sau những cuộc nhậu đến rũ rượi, nhiều người vì sĩ diện vẫn cố tỏ vẻ mình không say cho đến khi phải lĩnh hậu quả đầy cay đắng…
Ác mộng gia đình ngày mùng 3 Tết
Cách đây 15 năm, ngày mùng 3 Tết năm Giáp Thân, hòa cùng không khí hân hoan trên những con đường ngập tràn sắc Xuân, 4 người gia đình tôi cùng nhau cưỡi trên chiếc xe máy đi chúc Tết ông bà ngoại.
Ngày Tết khó tránh khỏi những chén rượu mời mọc. Ngồi vào mâm cơm, bố, ông ngoại và các cậu tôi chốc chốc lại “zô zô”. Cuộc vui kéo dài từ 9h00 sáng đến 14h00 giờ chiều vẫn chưa tàn trận. Trẻ con, phụ nữ ngồi nói hết câu chuyện này đến câu chuyện khác, những người đàn ông trụ cột của gia đình vẫn chén cạn, chén đầy, uống đến lúc ai cũng đỏ mặt tía tai nhưng vẫn tiếp tục nâng ly chúc tụng.
Cho đến lúc mẹ nóng lòng muốn về, biết bố đã ngà ngà say nên khuyên bố lán lại nhà ngoại ngủ, để ba mẹ con tự đi bộ trở lại nhà. Thế nhưng, bố vẫn một mực khẳng định: “Tôi không say”, rồi cứ thế hùng hục vào lấy xe máy và bắt ba mẹ con lên xe để về.
Nỗi sợ của mẹ thấy rõ khi thấy bố nồng nặc mùi rượu, mắt lảo đảo nhưng phía trong nhà, ông ngoại và các cậu đều đã say mềm, nằm la liệt, không ai còn sức để khuyên ngăn bố. Các mợ chẳng ai mở lời vì đinh ninh đường về nhà tôi chỉ hơn 1km, đi loáng cái là đến nơi.
Thế rồi, mẹ đành bế anh em tôi lên để xe chuyển bánh. Ngồi trước khung xe, tôi liên tục cảm nhận sự chông chênh và mùi rượu nồng nặc phả từ miệng bố. Ở phía sau, thấy nguy hiểm, mẹ cũng liên tục nhắc bố đi chậm nhưng bỏ ngoài tai tất cả, bố chỉ biết hằn giọng, quát mắng: “Tôi chưa say, có 1km chứ nhiều nhặn gì mà lo”. Và rồi, cái lo ấy lại trở thành nỗi đau sau vài giây chớp nhoáng.
Uỳnh! Một tiếng va chạm mạnh xảy ra khi hai chiếc xe máy đấu đầu nhau. Bố nằm sõng soài ra đường, mẹ và anh bị hất mạnh lên vỉa hè. Mọi thứ trở nên hỗn độn trong tiếng xì xào của người dân ven đường, tiếng mẹ gào khóc gọi tên bố. Tôi gần như bị sốc và lịm đi đến khi tỉnh dậy thì đã nằm trong bệnh viện cùng bố.
Nỗi đau âm ỉ với hai chữ “giá mà…”
Sau ca điều trị, bố tôi vĩnh viễn mất đi chiếc chân trái và cuộc sống phải gắn chặt vào chiếc nạng gỗ. Cũng kể từ đó, kinh tế gia đình đi xuống trầm trọng, bố chỉ làm được các việc nhẹ, tiền công có được chẳng đáng là bao. Gánh nặng gia đình dồn tất cả vào công việc chợ búa của mẹ.
Tôi luôn âm ỉ một nỗi sợ hãi sau cú ngã “ngựa” ấy. Tôi sợ tiếng xe máy đến nỗi một thời gian dài không dám chạm đến chiếc xe, dù nó từng là một tài sản đáng tự hào của cả gia đình.
Đôi lúc, cả nhà ngồi tâm sự với nhau, cả bố và mẹ ai cũng đau đáu về biến cố nghiệt ngã ấy: “Giá mà hôm đó không đi chúc Tết ngoại; Giá mà mấy mẹ con đi bộ về, bắt bố ở lại nghỉ và giá mà ngày đó tôi không uống rượu...”. Thế nhưng, tất cả đều đã quá muộn, sai lầm đã diễn ra và nỗi đau đã đến.
Hiện bố tôi vẫn uống rượu ngày hai bữa nhưng mỗi bữa chỉ nhâm nhi một chén. Bố đã ý thức hơn trong việc sử dụng rượu, bia và tuyệt nhiên không uống trước lúc chuẩn bị lái xe.
Còn mẹ, cứ mỗi lần bố manh nha “quá chén” là lại chỉ vào cái chân thương tật của bố và hằn giọng: “Anh còn nhớ vì đâu cái chân của anh ra nông nỗi này?”. Và ngay lúc đó, bố tôi lập tức từ bỏ ý định đi quá giới hạn của bản thân.