Cuộc sống ở nơi 20 người thiệt mạng do bị sạt lở vùi lấp

Với sự giúp đỡ của chính quyền, người dân và những tấm lòng hảo tâm, các gia đình trực tiếp bị ảnh hưởng trong vụ sạt lở nghiêm trọng ở Lũng Súng, Lũng Lỳ (Cao Bằng) đã từng bước ổn định, bắt tay vào xây dựng lại cuộc sống từ sự mất mát, đau thương.

Các vụ sạt lở nghiêm trọng diễn ra rạng sáng 9/9 tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành và Lũng Súng, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng khiến 20 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương; nhiều ngôi nhà bị vùi lấp, hư hỏng hoàn toàn. Với sự giúp đỡ của chính quyền, người dân và những tấm lòng hảo tâm, các gia đình trực tiếp bị ảnh hưởng đã từng bước ổn định, bắt tay vào xây dựng lại cuộc sống từ sự mất mát, đau thương.

Những ngôi nhà bạt được dựng lên cho người dân ở tạm

Những ngôi nhà bạt được dựng lên cho người dân ở tạm

"Em kịp cõng con chạy xuống trạm y tế để tránh lũ, vừa đến nơi nghe tiếng nổ lớn, em chạy ra vừa hét vừa khóc gọi bố ơi, mẹ ơi, mọi người đâu rồi,… nhưng không ai trả lời em cả, soi đèn chỉ còn đống đổ nát thôi…”

Đó là chia sẻ của chị Đặng Mùi Khe, người may mắn sống sót trong vụ sạt lở lúc 1h39 phút ngày 9/9 tại thôn Lũng Súng, xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình. Vụ sạt lở vùi lấp 7 căn nhà, khiến 11 người chết, 11 người bị thương. Riêng ngôi nhà của chị Đặng Mùi Khe có tới 3 người tử vong gồm bố, mẹ, một người em họ, ngoài ra còn một người chú bị thương nặng.

Chị Đặng Mùi Khe cùng con nhỏ thoát nạn trong vụ sạt lở Lũng Súng, cùng bà con trong xóm đi nhận hỗ trợ tại UBND xã

Chị Đặng Mùi Khe cùng con nhỏ thoát nạn trong vụ sạt lở Lũng Súng, cùng bà con trong xóm đi nhận hỗ trợ tại UBND xã

Chị Đặng Mùi Khe cùng con nhỏ mới chưa đầy tuổi may mắn thoát nạn và được gia đình người thân cưu mang, hỗ trợ. Suốt nhiều ngày sau đó, chị không dám bỏ con khỏi chiếc địu trên lưng, vì sợ có lũ sẽ không kịp chạy. Được sự động viên của làng xóm, tinh thần chị đã ổn định trở lại.

Cuối tuần này, chị được bộ đội giúp làm một căn nhà bạt để gia đình ở tạm; chính quyền xã, huyện cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ đầy đủ gạo, thực phẩm và các loại như quần áo, chăn màn, vật dụng sinh hoạt cần thiết... Gia đình chị cũng được lựa chọn vị trí để chính quyền hỗ trợ xây dựng nhà mới.

Người dân xóm Lũng Lỳ kiên cường vượt qua nỗi đau, từng bước ổn định cuộc sống

Người dân xóm Lũng Lỳ kiên cường vượt qua nỗi đau, từng bước ổn định cuộc sống

Chị Đặng Mùi Khe nói: “Làm nhà mới em sẽ chọn ở đất không có khả năng lở, không gần chỗ nguy hiểm như vách núi, không gần suối để sao tránh được lũ, tránh lở đất”.

Yên Lạc là xã vùng sâu khó khăn của huyện Nguyên Bình với hơn 70% diện hộ nghèo. Mưa lũ, sạt lở đã khiến xã cô lập trong nhiều ngày. Ngay khi thiên tai ập xuống, tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm lại được nhân lên gấp bội. Tất cả những người sống sót, những người mất nhà và cả những hộ trong diện nguy cơ sạt lở đều đã được xã và bà con trong bản cưu mang, hỗ trợ chỗ ở tạm thời, góp gạo, góp rau, góp từng chiếc chăn, tấm áo để những người hoạn nạn không phải chịu cảnh màn trời, chiếu đất.

Ông Hoàng Chàn Mình, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình cho biết: “Bà con xóm, xã rất đoàn kết, với các hộ gặp nạn đã thường xuyên đến hỏi thăm, động viên để họ sớm ổn định cuộc sống. Đặc biệt lúc xảy ra thiên tai, xã tổ chức nấu ăn ngay tại trụ sở cho các hộ gặp nạn ăn ngay tại xã, bà con quanh đây đã góp lương thực, rau… để bữa ăn đảm bảo”.

Còn ở điểm sạt lở vùi lấp 7 căn nhà tại xóm nghèo Lũng Lỳ, xã Ca Thành, cách điểm Lũng Súng chỉ khoảng 3 km, hơn 10 ngày sau sự cố xảy ra vẫn ngổn ngang bùn đất, xen lẫn những cột, kèo, vài tấm chăn, màn và những bắp ngô đã nảy mầm xen trong những đống đổ nát. Vụ sạt lở đã khiến 9 người chết, 3 người bị thương, 8 nhà hư hỏng hoàn toàn và hàng chục hộ lân cận phải di dời khẩn cấp. Nạn nhân trong các vụ sạt lở hầu hết là những lao động chính của gia đình. Sau tai họa, Lũng Súng, Lũng Lỳ có thêm hàng chục đứa trẻ mất cha, mất mẹ và những người ông, người bà lại trở thành chỗ dựa cho những đứa cháu mồ côi.

Triệu Vần Phu mất bố, mẹ và người vợ trong trận sạt lở, để lại 1 bé trai hơn 2 tuổi và bé gái mới chừng 1 tuổi. 3 bố con được người họ hàng cho nương nhờ ở 1 gian nhà

Triệu Vần Phu mất bố, mẹ và người vợ trong trận sạt lở, để lại 1 bé trai hơn 2 tuổi và bé gái mới chừng 1 tuổi. 3 bố con được người họ hàng cho nương nhờ ở 1 gian nhà

Triệu Vần Phu mất bố, mẹ và người vợ trong trận sạt lở, để lại cho anh 1 bé trai hơn 2 tuổi và bé gái mới chừng 1 tuổi. 3 bố con được người họ hàng cho nương nhờ ở 1 gian nhà. Mất toàn bộ người thân, nhà cửa, tài sản, ruộng đất cũng bị vùi lấp, lại thêm 2 con nhỏ nên để ổn định cuộc sống là điều không dễ. Phu quyết định không đi làm công nhân nữa mà ở nhà để chăm sóc 2 con nhỏ. Phu dự định tới đây sẽ san lại những phần ruộng bị vùi lấp để trồng ngô, dong giềng…

Cách đó không xa, bà Triệu Mùi Lai cũng đã được bộ đội hỗ trợ dựng căn lán bạt ở tạm. Trong trận sạt lở vừa qua, bà Lai không chỉ mất con trai, con dâu mà ngôi nhà của gia đình cũng bị phá hủy hoàn toàn. Bà trở thành chỗ dựa cho 2 cháu nội, một cháu 11 tuổi và một cháu mới 5 tuổi. Tuần qua, bà Lai cùng 6 hộ mất nhà ở Lũng Lỳ đã được tỉnh Cao Bằng khởi công dựng căn nhà mới ngay trong bản.

Bà cháu bà Triệu Mùi Lai trong căn lán bạt được quân đội hỗ trợ dựng lên

Bà cháu bà Triệu Mùi Lai trong căn lán bạt được quân đội hỗ trợ dựng lên

“Tôi được chính quyền, các nhà hảo tâm ngày nào cũng đến giúp đỡ nên ăn mặc đã cơ bản là đủ, đảm bảo. Giờ ngôi nhà cũng đã được nhà nước động thổ, làm xong trong tháng 10 nên cũng yên tâm, không mong muốn gì thêm. Bây giờ ruộng đất ở đây nên tôi cũng chỉ bám bản, bám làng, không muốn chuyển đi xa. Tôi chỉ lo sau già yếu đi, sẽ không đủ sức chăm các cháu...", bà Lai nói.

Ngoài các hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, nhà cửa bị sập đổ hoàn toàn, hiện 2 bản Lũng Súng, Lũng Lỳ còn có hơn 20 hộ phải di dời khẩn cấp khỏi vùng nguy cơ sạt lở. Ngoài sự hỗ trợ của chính quyền, những ngày qua, Lũng Súng, Lũng Lỳ đã có hàng chục đoàn thiện nguyện, hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, đường sữa, quần áo… cả những dụng cụ lao động như cuốc, xẻng, dao cũng được trao tới người dân.

Nụ cười dân trở lại với những đứa trẻ ở Lũng Lỳ

Nụ cười dân trở lại với những đứa trẻ ở Lũng Lỳ

Vợ chồng chị Nguyễn Ngọc Phương Uyên (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: “Qua truyền thông, mạng xã hội tôi thấy mọi người bị thiệt hại, rất đáng thương nên gom được gì tôi mang ra giúp bà con chút quà. Tôi thấy họ hồi phục rất nhanh, rất lạc quan, thấy MTTQ, chính quyền rất lo lắng cho dân, rồi bên quân đội, công an nữa đều rất quan tâm, tôi thấy tình hình đã cơ bản ổn định”.

Ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, với nhân dân vùng thiên tai Lũng Súng, Lũng Lỳ, ưu tiên lớn nhất của chính quyền là lo cho các hộ mất nhà cửa có nơi ở mới, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho thời gian trước trước, sau đó là sinh kế lâu dài cho các gia đình. Dù là tỉnh khó khăn, nhưng Cao Bằng sẽ cố gắng làm hết sức để sẻ chia mất mát và giúp người dân vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.

Những ngôi nhà mới đang được gấp rút xây dựng ở Lùng Lỳ

Những ngôi nhà mới đang được gấp rút xây dựng ở Lùng Lỳ

“Hiện chúng tôi đã khởi công xây dựng 6 nhà tại Lũng Lỳ, sắp tới sẽ là Lũng Súng, cố gắng hoàn thành ngay năm nay, càng sớm càng tốt vì họ đang ở nhà bạt, cũng rất khó chịu, bất tiện. Song song làm nhà ở, chúng tôi huy động nguồn lực để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, hiện họ đã mất gần như tất cả, kể cả đất canh tác cũng đã bị vùi lấp. Chúng tôi yêu cầu ngành nông nghiệp khẩn trương rà soát, nghiên cứu, hướng dẫn xem họ sẽ nên trồng cây gì, nuôi con gì để ổn định. Về lâu dài, chúng tôi tiếp tục bố trí các hộ dân ở những vị trí phù hợp, an toàn và có đất canh tác và sinh sống sau này”, ông Thạch nói.

Có thể sẽ cần nhiều thời gian để Lũng Súng, Lũng Lỳ trở lại như cuộc sống trước đây. Dù vậy, sự quyết tâm của chính quyền, sự chung tay của cộng đồng cùng tinh thần vượt khó của người dân sẽ là nền tảng để những bản vùng cao này sớm “vực dậy” sau thiên tai.

Công Luận/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/lung-sung-lung-ly-cao-bang-vuc-day-sau-thien-tai-post1123262.vov