Đều đặn vào mỗi 6h sáng, cô giáo Hoàng Thị Biên (giáo viên công tác tại điểm Trường Mầm non thôn Sui Thầu) lại đồng hành cùng “chiến mã” của mình vượt hơn 50 km từ nhà đến trường. Vì nhà ở trung tâm huyện mỗi lần đến trường, cô lại tiện ghé qua chợ mua thêm chút đồ ăn cho bữa trưa của trẻ hoặc đồ người dân ở trên nhờ.
Vào mùa khô, việc đi lại của các cô giáo tương đối thuận lợi vì một số cung đường đã được trải bê tông. Nhưng vào những ngày có mưa, để vượt qua con đường này sẽ là một "cuộc chiến" của những nữ giáo viên nơi đây. Đường đi lên dốc cao và trơn không thể vừa dắt bộ vừa đi, cô cùng đồng nghiệp phải gửi xe ở nhà dân cách đấy 3 km để đi bộ đến trường. Có tiền sử bệnh thoái hóa đốt sống lưng, mỗi lần đi qua đoạn gập ghềnh sỏi đá lại là những lần cô cắn răng chịu đựng cơn đau. Chiếc xe máy của cô giáo luôn ở trong tình trạng lấm lem bùn đất.
7h sáng, điểm trường vẫn chìm trong “biển mây” sương mù. Điểm trường mới được sửa sang và khánh thành lại vào tháng 6/2021. Hiện tại có tổng cộng 51 học sinh đang theo, chia ra thành 3 lớp học ghép 24-36 tháng, 3-4 tuổi, 5 tuổi dưới sự phụ trách giảng dạy bởi 4 cô giáo và 1 thầy điều dưỡng. Một ngày đi học sẽ bắt đầu từ 8h sáng đến 16h chiều, các em nghỉ giữa trưa ăn cơm tại trường.
Với sự tài trợ bởi các tổ chức từ thiện xã hội, từ gian nhà trình tường đơn sơ, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, luôn trong tình trạng ẩm mốc mỗi khi mùa mưa hay trời lạnh, nay đã được cải thiện thành lớp học khang trang sạch sẽ, có phòng học và khu sinh hoạt chung rộng rãi.
Trường được tài trợ thêm không gian chơi ngoài trời vậy nên mỗi ngày tới trường với các em là một ngày vui.
Những nụ cười giòn tan của các em học sinh khi có sân chơi mới.
Giờ học chữ Kinh của các em học sinh Nùng tại trường. Cô Hoàng Thị Minh Chuyên, phụ trách lớp 5 tuổi chia sẻ, đối với học sinh độ tuổi này yêu cầu phải thành thạo tiếng phổ thông, nhận biết các mặt chữ và biết cách cầm bút tô trên mình. Công tác giảng dạy tiếng phổ thông cũng gặp nhiều bất đồng liên quan đến ngôn ngữ, bản thân cô cũng là người dân địa phương nên nhiều lúc phải thật kiên nhẫn vì các em vẫn đang còn tuổi vô tư hồn nhiên. Từ đó phải có phương pháp học riêng cho các em để phù hợp với phong tục ở trên này..
Do đặc điểm địa hình đất dễ sạt lở, nên một bên bậc thang của lớp học đã bị xuống cấp. Cô Biên đã nhờ trưởng thôn liên lạc với các hộ để giúp đỡ nhà trường tân trang lại khuôn viên và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.
Buổi lao động diễn ra vào sáng Chủ nhật, với sự tham gia đầy đủ của người dân trong thôn, trong đó bao gồm phụ huynh có con em theo học tại ngôi trường.
Thời điểm này đã là 11h trưa, nhưng các cô vẫn giữ thái độ tích cực, động viên nhau cùng hoàn thành công việc.
"Sau Khi hoàn thành và đi vào sử dụng từ năm học 2021 - 2022, trường mầm non Sui Thầu đã góp phần cải thiện điều kiện giảng dạy, học tập, sinh hoạt cho giáo viên và học sinh tại Điểm trường. Đây là niềm vui lớn, khích lệ tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh điểm trường mầm non Sui Thầu yên tâm dạy và học, qua đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương", UBND huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang)
Khánh Linh