Cuộc tấn công của Israel có thể đã khiến Iran suy yếu cả về tấn công lẫn phòng thủ
Tổn thất từ các cơ sở tên lửa và hệ thống phòng không bị phá hủy khiến Iran rơi vào tình trạng dễ tổn thương hơn, trong khi Mỹ lại tăng cường hỗ trợ phòng thủ cho Israel.
Theo Đài phát thanh châu Âu tự do (RFE/RL) mới đây, mặc dù Iran đã hạ thấp tác động của cuộc tấn công từ Israel hôm 26/10 vừa qua, nhưng các hình ảnh vệ tinh và đánh giá của chuyên gia cho thấy Tehran đã bị suy yếu đáng kể cả về khả năng tấn công lẫn phòng thủ.
Thứ nhất, tổn thất về khả năng sản xuất tên lửa: Theo Fabian Hinz, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London (Anh), Israel đã giáng một "đòn đáng kể" vào năng lực sản xuất tên lửa đạn đạo tầm xa của Iran. Cuộc tấn công nhắm vào nhiều cơ sở quân sự quan trọng, bao gồm khu phức hợp Parchin, căn cứ Khojir, địa điểm tên lửa Shahrud và một nhà máy tại Khu công nghiệp Shamsabad.
Đặc biệt, Israel tập trung vào việc phá hủy các cơ sở sản xuất tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn - loại vũ khí mà Tehran đã sử dụng trong cuộc tấn công vào Israel hồi đầu tháng 10 năm nay. Chuyên gia Hinz giải thích rằng những tên lửa này đặc biệt nguy hiểm vì chúng cần ít nhân sự và thời gian chuẩn bị hơn so với tên lửa nhiên liệu lỏng.
Thứ hai, hệ thống phòng không bị tổn thất nặng: Jeremy Binnie, chuyên gia quốc phòng Trung Đông từ công ty tình báo Janes, cho biết Israel đã nhắm mục tiêu vào các hệ thống phòng không S-300 do Nga sản xuất - được coi là lá chắn phòng không mạnh nhất của Iran. Theo các báo cáo chưa được xác nhận từ quan chức Mỹ và Israel, ba hệ thống S-300 đã bị phá hủy trong cuộc tấn công.
"Việc phá hủy các hệ thống S-300 không chỉ làm suy yếu khả năng phòng thủ của Iran mà còn tạo điều kiện cho không quân Israel có nhiều tự do hoạt động hơn trong tương lai", chuyên gia Binnie nhận định.
Thứ ba, mất khả năng cảnh báo sớm: Hình ảnh vệ tinh tiết lộ ít nhất hai hệ thống radar quan trọng của Iran đã bị tấn công - một ở tỉnh Ilam và một ở tỉnh Khuzestan. Theo chuyên gia Hinz, đây là những bộ phận thiết yếu trong hệ thống cảnh báo sớm của Iran, và việc mất chúng khiến nước này dễ bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công trên không.
Một quan chức quốc phòng Mỹ được Fox News trích dẫn cho biết các radar này còn có vai trò trong việc điều chỉnh quỹ đạo tên lửa sau khi phóng, giúp giải thích độ chính xác tương đối cao của các tên lửa Iran trong cuộc tấn công trước đó vào Israel.
Thứ tư, khả năng trả đũa của Iran bị hạn chế: Với những tổn thất về cả khả năng tấn công và phòng thủ, các chuyên gia đặt dấu hỏi về khả năng Iran có thể thực hiện một cuộc tấn công quy mô lớn khác vào Israel. Tình hình càng trở nên bất lợi cho Tehran khi Mỹ đã triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Israel.