Cuộc tấn công thần tốc đánh chiếm sân bay Thành Sơn mở đường tập kích đường không, làm nên chiến thắng

Chúng tôi đã thần tốc tấn công đánh chiếm sân bay Thành Sơn vào ngày 16/4/1975, biến căn cứ địch thành sở chỉ huy của ta để 'Phi đội quyết thắng' ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.

Bộ đội ta tấn công phòng tuyến Phan Rang. Ảnh: Tư liệu

Bộ đội ta tấn công phòng tuyến Phan Rang. Ảnh: Tư liệu

Từ sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, mỗi khi gặp lại nhau, cựu chiến binh Tiểu đoàn 631 anh hùng (D1-E25-B3) đều nói: hôm đó (14/4/1975) không bắn cháy mấy chiếc xe tăng địch mò vào trận địa thì không biết điều gì xảy ra.

Dù một ngày đêm nằm im bên ngoài hàng rào sân bay Thành Sơn chịu bom đạn ngút trời, nhưng khi có lệnh nổ súng, cả tiểu đoàn đã dũng mãnh phá 11 hàng rào thép gai “mở cửa” tấn công đánh chiếm các mục tiêu trong sân bay làm cho tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Phạm Ngọc Sang cùng thuộc hạ bỏ chạy, bắt sống 31 tù binh, thu 40 máy bay và vô số quân trang quân dụng của địch.

Trở lại chiều ngày 14/4/1975, khi 5 chiếc xe thiết giáp vừa tiến vào đội hình ém quân bắn như vãi đạn, tiểu đoàn phó Hoàng Uy người trực tiếp chỉ huy đại đội ra lệnh cho các xạ thủ DKZ, B41, B40 tấn công, chiếc xe tăng đầu khựng lại bốc khói, cùng lúc 2 chiếc khác bị hỏa lực của ta tấn công bốc cháy, 2 chiếc còn lại quay đầu bỏ chạy thục mạng.

Chừng 10 phút sau, máy bay địch xuất hiện quần đảo, pháo, cối dội đạn, bom điên cuồng xuống đội khu vực ém quân, cả đơn vị tiếp tục căng mình chịu bom đạn không ngớt đến 23 giờ cùng ngày. Khoảng gần 12 giờ đêm 14 tháng 4 năm 1975, tiểu đoàn được lệnh làm công tác thương binh, liệt sĩ rồi lui quân vào chân núi Bác Ái.

Phi đội quyết thắng sau trận đánh trở về sân bay Thành Sơn (Phan Rang) ảnh chụp ngày 28/4/1975. Ảnh: Tư liệu

Phi đội quyết thắng sau trận đánh trở về sân bay Thành Sơn (Phan Rang) ảnh chụp ngày 28/4/1975. Ảnh: Tư liệu

Ngày 15/4/1975, toàn đơn vị tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết, bổ sung súng ống đạn dược, làm công tác thương binh liệt sĩ, cả tiểu đoàn ngậm ngùi xúc động chia tay 17 chiến sĩ ưu tú đã hy sinh anh dũng.

Chiều ngày 15/4, trước khi trở lại vị trí ém quân, chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Tịch động viên đơn vị với lời hiệu triệu: là đơn vị anh hùng, tiểu đoàn chủ công của trung đoàn, dù gian khổ, ác liệt, hy sinh, dứt khoát đơn vị chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cấp trên giao cho.

Đêm 15/4 cũng giống như đêm 13/4 sau khi đội hình của tiểu đoàn đã vào vị trí, cả đơn vị lại nằm chờ lệnh nổ súng. Không ai nói với ai nhưng đều chung suy nghĩ, không biết ngày mai (16/4/1975) đã được nổ súng chưa hay lại chờ đợi.

Một đêm nữa nằm bên ngoài hàng rào sân bay Thành Sơn, tiếng pháo của địch bắn “cầm canh” như cảnh giác, thách thức quân giải phóng.

Đúng 8 giờ ngày 16/4/1975, tiểu đoàn 631 anh hùng được lệnh nổ súng tấn công, loạt bộc phá ống liên tiếp nổ vang cắt đứt 11 hàng rào kẽm giai mở thành lối nhỏ để bộ đội bộ binh của tiểu đoàn thần tốc tiến vào sân bay.

Hỏa lực của đại đội 4 dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn phó Hoàng Uy và chính trị viên phó tiểu đoàn Phạm Văn Uyến tập trung bắn vào các ổ đề kháng trong sân bay khống chế để bộ đội vận động đánh chiếm các mục tiêu trong sân bay.

Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt giành giật nhau từng khu cứ điểm kiên cố được địch bố trí liên hoàn dày đặc trong sân bay để bảo vệ Bộ tư lệnh quân đoàn 3 của trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và sở chỉ huy Sư đoàn 6 không quân của chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang.

Tôi đeo máy 2W cùng Phan Văn Duy số 2 bám sát tiểu đoàn trưởng Triệu Quang Hưng để nhận và truyền mệnh lệnh cho các mũi đang tấn công quyết liệt trong sân bay. Khi chạy lên “đồi chuẩn tướng” nơi có nhà làm việc của chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang thấy trong căn nhà giấy tờ, tài liệu tung tóe vung vãi khắp nơi, trên bàn làm việc của viên chuẩn tướng vẫn còn lá cờ lệnh của Phạm Ngọc Sang. Nhìn thấy khung cảnh ấy, tiểu đoàn trưởng Triệu Quang Hưng thốt lên: "nó chạy mất rồi".

Cùng lúc này qua máy 2W tôi nhận được thông tin của tiểu đoàn phó Hoàng Uy báo cáo tiểu đoàn trưởng mũi đại đội 1 đã tấn công ra cổng chính sân bay (hướng Tháp Chàm) và đã gặp được xe tăng và bộ đội của Sư đoàn 325 Quân đoàn 2 vừa đến. Nhận được quân của tiểu đoàn 631 đã đánh chiếm hoàn toàn sân bay, bộ đội Sư đoàn 325 ôm lấy bộ đội 631 mừng rơi nước mắt.

Lúc này gần 11 giờ ngày 16/4/1975. Trước sức tấn công như vũ bão quá trưa ngày 16/4/1975 toàn tỉnh Ninh Thuận được giải phóng.

Đánh chiếm hoàn toàn sân bay Thành Sơn, Tiểu đoàn 631 bắt sống 31 tù binh, thu được 40 máy bay, kho bom đạn, xăng dầu, quân tư trang, xe máy, xe đạp, va ly túi xách ba lô, quần áo, dày dép nhiều vô kể tung tóe khắp nơi nhất là khu đỗ máy bay, đường cất hạ cánh.

Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh chiếm sân bay, đơn vị chúng tôi nhận lệnh đóng quân tại sân bay nhưng luôn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của một đơn vị đánh trận. Các đại đội, trung đội trực thuộc được phân công đóng quân theo hình thức sẵn sàng tác chiến, tuần tra, canh gác đảm bảo sân bay tuyệt đối an toàn.

Đại tá Hoàng Uy (áo trắng) nguyên tiểu đoàn phó 631 người trực tiếp chỉ huy 1 mũi đánh chiếm sân bay Thành Sơn ngày 16/4/1975 hơn 80 tuổi rồi mà mảnh đạn vẫn nằm bên thái dương.

Đại tá Hoàng Uy (áo trắng) nguyên tiểu đoàn phó 631 người trực tiếp chỉ huy 1 mũi đánh chiếm sân bay Thành Sơn ngày 16/4/1975 hơn 80 tuổi rồi mà mảnh đạn vẫn nằm bên thái dương.

Mấy hôm sau, cả tiểu đoàn vô cùng bất ngờ nhận lệnh: đóng quân tại chỗ đảm bảo gìn giữ an toàn tuyệt đối sân bay và tiến hành thu dọn sân bay nhất là đường cất hạ cánh sạch sẽ gọn gàng…

Nhiều chiến sĩ trong đơn vị không giữ được bình tĩnh vừa quét dọn đường băng, thu dọn đồ đạc vừa cáu gắt: lính chiến giờ lại bắt quét dọn đường băng để làm gì? Nào ngờ mấy ngày sau, khi đại tá Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân, Phó tư lệnh quân chủng, thượng tá anh hùng Trần Hanh cùng cán bộ quân nhân của quân chủng có mặt thiết lập Sở chỉ huy tiền phương Quân chủng Phòng không - Không quân.

Trưa ngày 28/4/1975 cả tiểu đoàn 631 được lệnh nghe, thấy máy bay không được nổ súng, rồi chứng kiến lần lượt 5 máy bay A37 hạ cánh xuống đường băng để rồi 16 giờ hơn cùng ngày (28/4/1975) “Phi đội quyết thắng” cất cánh đi ném bom Sân bay Tân Sơn Nhất.

Cả tiểu đoàn 631 anh hùng hồi hộp, chờ đợi phi đội trở về, căng mắt nhìn đếm từng chiếc máy bay. Thấy 4 máy bay lần lượt hạ cách xuống đường băng, còn 1 cái chưa thấy đâu, ít phút sau tiếng reo hò vang không ngớt khi chiếc máy bay cuối cùng đáp xuống đường băng được 1 đoạn thì không chạy được nữa.

Phi công Nguyễn Thành Trung mở nắp ca bin tươi cười vẫy tay chào mọi người. Ngay lập tức một số chiến sĩ của đại đội 2 tiểu đoàn 631 gồm chính trị viên phó đại đội 2 Lê Xuân Hương cùng các chiến sĩ: Đinh Ngọc Giá, Lại Văn Giai, Hoàng Văn Nên… ra đẩy chiếc A37 hết xăng vào sân đỗ.

50 năm đã trôi qua, nhìn lại trận đánh chiếm sân bay Thành Sơn như mới xảy ra hôm qua, các cựu binh của Tiểu đoàn 631 anh hùng luôn tự hào đã đóng góp công sức, xương máu của mình vào chiến công vĩ đại của dân tộc, góp phần giải phóng tỉnh Ninh Thuận nói riêng, giải phóng hoàn toàn miền Nam nói chung.

Đại tá anh hùng Nguyễn Văn Lục, nguyên phi đội trưởng phi đội quyết thắng (giữa) cùng tác giả (bên trái) và đại tá Nguyễn Kiệm nguyên chính trị viên đại đội 2 tiểu đoàn 631 anh hùng.

Đại tá anh hùng Nguyễn Văn Lục, nguyên phi đội trưởng phi đội quyết thắng (giữa) cùng tác giả (bên trái) và đại tá Nguyễn Kiệm nguyên chính trị viên đại đội 2 tiểu đoàn 631 anh hùng.

Chúng tôi càng tự hào bởi, trong lịch sử quân sự Việt Nam chưa có trận đánh nào, một đơn vị (cấp tiểu đoàn) đánh chiếm sân bay xong lại ở lại bảo vệ, quét dọn, tuần tra, canh gác bảo đảm an toàn tuyệt đối sân bay để phi công ta lái máy bay giặc đi đánh giặc. Càng tự hào bao nhiêu chúng tôi càng ngậm ngùi thương nhớ 30 đồng đội đã hy sinh anh dũng trong 3 ngày khốc liệt nói riêng cùng hàng trăm liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Gia Lai, Đăk Lăk nói chung và rất nhiều đồng đội đến nay còn mang thương tích trong cơ thể.

Mới đây trả lời câu hỏi của chúng tôi tại sao đơn vị đã ém quân bên ngoài hàng rào sân bay Thành Sơn đêm ngày 13/4 để sáng ngày 14 nổ súng lại không thực hiện được?

Đại tá Hoàng Uy nguyên tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ huy một mũi cho biết: Ngày 13/4 cánh quân mũi chủ chủ yếu mới có Sư đoàn 3 Sao Vàng áp sát tuyến phòng thủ Phan Rang Tháp Chàm, còn Quân đoàn 2 đang hành tiến với tinh thần thần tốc từ duyên hải miền trung vào nên phải chậm ngày nổ súng.

Xin phép thay “lời muốn nói” của các cựu binh Tiểu đoàn 631 anh hùng, người viết bài báo này như một nén tâm nhang dâng lên các đồng đội 631 nói riêng các đồng đội trên khắp các chiến trường nói chung đã ngã xuống vì sự trường tồn của đất nước.

Cao Ngọ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/cuoc-tan-cong-than-toc-danh-chiem-san-bay-thanh-son-mo-duong-tap-kich-duong-khong-lam-nen-chien-thang-179250413170802167.htm