Cuộc tấn công vào tiến trình xây dựng lòng tin
Sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel trong kỳ nghỉ lễ của người Do Thái cuối tuần qua, cả hai bên đều đang chuẩn bị cho những chiến dịch trả đũa, bất chấp lời kêu gọi kiềm chế của cộng đồng quốc tế. Trong số vô vàn những hệ lụy, hậu quả lớn nhất có lẽ là tiến trình xây dựng lòng tin, vốn đã chông gai giữa người Israel và Palestine, vừa hứng chịu một đòn thảm khốc.
Có nguy cơ leo thang thành xung đột khu vực?
Gần 50 năm trước, Israel đã không đoán trước được cuộc tấn công quy mô lớn và bất ngờ của liên minh các quốc gia Ảrập nhằm vào biên giới nước này, còn được gọi là cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, hay Chiến tranh Ảrập - Israel lần thứ tư.
Giờ đây, có vẻ như bộ máy tình báo của Israel một lần nữa sai lầm khi tin vào cảm giác an toàn. Niềm tin, được chia sẻ rộng rãi trong xã hội Israel, rằng nhóm chiến binh Hamas sẽ tránh một cuộc đối đầu quân sự quy mô lớn với Israel để tự bảo vệ mình và tránh thêm tổn hại cho người dân ở dải Gaza đã sụp đổ sau một cuộc tấn công bất ngờ vào sáng 7.10.
Cuộc tấn công bắt đầu bằng một loạt hơn 2.000 quả rocket nhằm vào Israel. Dưới vỏ bọc của tên lửa, một chiến dịch trên bộ quy mô lớn, được phối hợp cẩn thận đã khởi hành từ Gaza và nhằm vào hơn 20 thị trấn và căn cứ quân sự của Israel gần dải đất này. Để đáp trả, lực lượng quân sự dự bị của Israel đã bắt đầu huy động ồ ạt khi các cuộc ném bom từ trên không vào các cơ sở và sở chỉ huy của Hamas ở Gaza đang được thực hiện.
Bất chấp các nhà lãnh đạo trên thế giới kêu gọi kiềm chế, Israel đang lên kế hoạch mở một cuộc tấn công trên bộ lớn vào dải Gaza. Một số chuyên gia dự báo quy mô cuộc tấn công sắp tới có thể còn lớn hơn thời điểm năm 2014, khi Israel huy động 80.000 quân dự bị. Theo trang Axios, cuộc xung đột Israel - Hamas hồi năm 2014 kéo dài 50 ngày, khiến khoảng 2.500 người Palestine và 74 người Israel thiệt mạng. "Trong vòng 1 hoặc 2 ngày tới, Israel sẽ có một lực lượng đông đảo có thể áp đảo lực lượng Hamas ở dải Gaza" - ông Yonah Jeremy Bob, nhà phân tích quân sự của tờ Jerusalem Post (Israel), nhận định.
Từ khi xung đột nổ ra, phần lớn nạn nhân của cả hai bên là thường dân. Truyền thông Israel cập nhật con số thương vong mới nhất ở nước này là ít nhất 600 người thiệt mạng và 2.000 người bị thương. Con số này tại tại dải Gaza là 313 người, theo Bộ Y tế Palestine. Người dân sống gần biên giới giữa dải Gaza và Israel đã phải rời bỏ nhà cửa để tránh không kích từ phía bên kia.
Trước mắt, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo Hamas sẽ phải "trả cái giá chưa từng có" nhưng nói thêm cuộc chiến này "sẽ kéo dài và khó khăn". Quân đội Israel cho biết đã triển khai hàng chục ngàn binh sĩ đến khu vực quanh dải Gaza và lên kế hoạch sơ tán người Israel khỏi đó. Theo Reuters, Nội các an ninh của Thủ tướng Netanyahu đã thông qua lộ trình nhằm phá hủy năng lực quân sự, điều hành của Hamas và nhóm Hồi giáo vũ trang Jihad "trong nhiều năm". Những bước đi này gồm ngừng cung cấp điện, nhiên liệu và hàng hóa đến dải Gaza.
Đáp lại, ông Saleh al-Arouri, một quan chức Hamas, nói với Đài Al Jazeera rằng họ đã chuẩn bị cho mọi tình huống, trong đó có chiến tranh toàn diện. Các lãnh đạo Hamas cho rằng cuộc tấn công bắt đầu ở dải Gaza sẽ lan sang Bờ Tây và Jerusalem bị chiếm đóng.
Dải Gaza có diện tích khoảng 365km2 và là nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người. Israel đã phong tỏa dải Gaza kể từ khi Hamas kiểm soát lãnh thổ này năm 2007.
Một diễn biến khó lường khác đến từ động thái của phong trào Hezbollah tại Lebanon. Hezbollah ngày 8.10 đã phóng hàng chục rocket và đạn pháo về phía 3 vị trí của Israel tại Shebaa Farms - vùng đất đang do Israel kiểm soát nhưng Lebanon xem đây là một phần lãnh thổ mình. Hezbollah cho biết vụ tấn công nhằm thể hiện "sự đoàn kết" với người Palestine. Quân đội Israel đã tấn công trả đũa bằng máy bay không người lái vũ trang. Israel và Hezbollah từng có một vài cuộc chiến trong quá khứ. Gần đây nhất là cuộc xung đột kéo dài 34 ngày năm 2006, khiến 1.200 người ở Lebanon và 160 người ở Israel thiệt mạng.
Mục đích của Hamas
Bắt giữ người Israel để trao đổi tù nhân với các chiến binh Hamas đang bị giam giữ ở Israel là một trong những mục tiêu lớn nhất trong các hoạt động quân sự của Hamas trước đây. Việc có hàng chục người Israel bị bắt giữ trong cuộc tấn công cuối tuần vừa qua - nhiều người trong số họ là dân thường - cho thấy đây có thể là động cơ chính đằng sau vụ tấn công.
Vào năm 2011, Israel đã chấp nhận đổi hơn 1.000 tù nhân Palestine lấy một binh sỹ (anh Gilad Shalit), bị giam giữ ở Gaza từ năm 2006.
Bên cạnh đó, Hamas còn một mục tiêu khác là làm suy yếu các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Mỹ và Ảrập Xêút về một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa quốc gia lớn nhất thế giới Hồi giáo này và Israel. Bất kỳ sự leo thang nào trong cuộc xung đột sẽ gây ra vấn đề lớn đối với Israel. Điều tương tự cũng sẽ được áp dụng nếu cuộc chiến với Hamas làm trầm trọng thêm căng thẳng vốn đã cao và các cuộc đụng độ bạo lực giữa Israel và các nhóm chiến binh Palestine ở Bờ Tây.
Điều gì có thể xảy ra tiếp theo?
Trong ngắn hạn và trung hạn, tổn thương từ cuộc tấn công bất ngờ của Hamas chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền chính trị trong nước của Israel. Thách thức mà Chính phủ của thủ tướng Benjamin Netanyahu đang phải đối mặt sẽ không chỉ là nhu cầu khôi phục lòng tin của công chúng Israel mà còn là làm sao để giải cứu số phận của hàng chục con tin Israel. Rủi ro gia tăng đáng kể đối với lực lượng Israel nếu một cuộc tấn công trên bộ được thực hiện. Chưa kể mối đe dọa có thể leo thang trên các mặt trận khác, bao gồm Lebanon, Bờ Tây và các thành phố hỗn hợp bao gồm người Do Thái và Palestine bên trong lãnh thổ Israel.
Được mệnh danh là “Lưỡi kiếm sắt”, cuộc tấn công trả đũa của Israel nhằm vào Hamas ở Gaza có thể sẽ kéo dài. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế chắc chắn không ủng hộ một chiến dịch hung hãn nhằm vào dân thường Palestine, trong bối cảnh số thường dân Palestine thương vong ngày càng tăng. Các chuyên gia lo ngại, vòng xoáy bạo lực hiện nay dường như chưa bắt đầu, nhưng nếu không được xử lý tốt, nó có thể trở thành cuộc chiến đẫm máu nhất trong nhiều thập kỷ - có lẽ kể từ cuộc chiến giữa Israel và Palestine ở Lebanon trong những năm 1980.
Như đã lưu ý, người Israel sẽ coi việc khôi phục khả năng răn đe quân sự của đất nước họ chống lại Hamas là tối quan trọng. Thậm chí trong mắt nhiều người, có thể Israel cần phải tiếp quản quân sự ở Gaza. Và nếu lựa chọn này được đưa ra, sẽ mang lại nhiều hậu quả tàn khốc hơn cho dân thường ở Gaza.
Vẫn còn quá sớm để đánh giá những tác động lâu dài có thể xảy ra của cuộc tấn công đối với người Israel và cảm giác an toàn của họ. Nhưng có một điều rõ ràng: tiến trình xây dựng lòng tin giữa người dân Israel và Palestine vốn đã rất chông gai, vừa phải hứng chịu một đòn thảm khốc.