Cuộc thanh tẩy showbiz Hàn
Soojin rời (G)I-DLE, diễn viên Ji Soo, Park Hye Soo, Na Eun bị tẩy chay vì cáo buộc bắt nạt bạn học. Công chúng Hàn đang quyết liệt thanh tẩy giới giải trí.
Sau gần 5 tháng im ắng, ngày 14/8, Soojin thông báo rời nhóm (G)I-DLE. Trước đó cô phải ngừng hoạt động vì bị nhiều tài khoản, trong đó có nữ diễn viên Seo Shin Ae tố nữ ca sĩ bạo lực học đường.
Câu chuyện của Soojin một lần nữa cho thấy sự khốc liệt của Kpop. Khán giả Hàn Quốc không khoan dung cho nghệ sĩ có đời tư tai tiếng, kể cả đó là chuyện quá khứ.
Sao Hàn trả giá vì quá khứ bạo lực
Từ đầu năm, giới giải trí Hàn Quốc đối mặt với làn sóng chỉ trích của công chúng khi hàng loạt ca sĩ, diễn viên bị phơi bày quá khứ bạo lực, bắt nạt bạn học. Nhiều người trong số họ đang phải trả giá vì những việc làm trong quá khứ.
Lee Na Eun bị loại khỏi hàng loạt hợp đồng quảng cáo đồ ăn và đánh mất vai diễn trong phim Taxi Driver vì bắt nạt thành viên cùng nhóm. Nam diễn viên Cho Byung Gyu bị hủy các lịch trình dẫn chương trình và cắt hình ảnh ra khỏi Long Live Independence, What Do You Do When You Play?. Nữ diễn viên Park Hye Soo khiến dự án phim Dear M bị lùi lịch chiếu vô thời hạn vì quá khứ bạo lực với bạn học.
Mới đây, công ty giải trí Cube Entertainment thông báo Soojin rời nhóm (G)I-DLE. Cô bị tố có quá khứ chơi bời, hút thuốc, uống rượu, ăn cắp tiền, thậm chí đánh bạn bè hoặc ép họ làm vậy với người khác. Soojin chỉ thừa nhận việc hút thuốc, uống rượu chứ không bắt nạt bạn bè.
Tuy nhiên, những bài viết trên mạng xã hội tiếp tục tung ra nhiều bằng chứng phản bác Soojin khiến cô phải ngừng hoạt động nghệ thuật. Khi đó, hàng loạt nhãn hàng chấm dứt hợp đồng quảng cáo với Soojin. Thậm chí, MV của (G)I-DLE xóa bỏ tối đa cảnh quay có nữ ca sĩ.
Tháng 4, nam diễn viên Ji Soo vướng cáo buộc bạo lực học đường, trấn lột tiền, quấy rối tình dục, thường xuyên có hành động thô lỗ... Sau khi thừa nhận mọi hành vi sai trái trong quá khứ, Ji Soo bị công chúng tẩy chay. Đoàn phim Sông đón trăng lên (River Where the Moon Rises) của đài KBS quyết định loại Ji Soo khỏi vai nam chính dù anh quay xong 18/20 tập phim.
Sau đó, đoàn phim đâm đơn kiện Ji Soo vì để bê bối đời tư ảnh hưởng đến tiến trình quay phim cũng như làm tổn thất về mặt kinh phí. Thời gian đó, công ty quản lý cũng thông báo chấm dứt hợp đồng với nam diễn viên tai tiếng.
Ngày 7/2021, Xports News đưa tin cáo buộc quấy rối tình dục, cưỡng hiếp bạn học nữ của Kim Ji Soo được chứng minh là vô căn cứ. Tuy nhiên, việc được minh oan hai trong số nhiều thói xấu thời đi học cũng không giúp Ji Soo lấy lại thiện cảm của công chúng. Thậm chí, khi thông báo nhập ngũ vào tháng 10, Ji Soo như "đổ thêm dầu vào lửa". Công chúng chỉ trích nam diễn viên né tránh trách nhiệm bằng việc nhập ngũ.
Cần nghiêm khắc với bạo lực học đường
Kwak Geum Ju, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết trên The Korea Herald: “Quá khứ bạo lực học đường của hàng loạt người nổi tiếng bị phanh phui gần đây xuất phát từ việc nạn nhân vẫn chịu tổn thương. Họ muốn chữa lành những ân oán và vết thương mà họ đã phải chịu đựng trong quá khứ. Họ yêu cầu một lời xin lỗi”.
Theo một cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục, số học sinh cho biết bị bắt nạt đã tăng từ khoảng 37.000 em (năm 2017) lên 60.000 em vào năm 2019. Tới 2020, kết quả cuộc khảo sát do Blue Tree Foundation công bố 6,7% trong số 6.230 học sinh đang theo học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở 17 thành phố của Hàn Quốc bị bạo lực học đường.
The Korea Herald nhấn mạnh bắt nạt là vấn đề nghiêm trọng tại các trường học Hàn Quốc nhưng hình phạt vẫn còn nhẹ. The Korea Herald chỉ ra theo luật hiện hành, trẻ em dưới 14 tuổi không thể bị trừng phạt vì bất kỳ tội nào.
Người trong độ tuổi từ 14 đến 19 có thể bị xử lý hình sự. Nhưng trong trường hợp bị kết tội, họ thường bị quản chế.
Nói với The Korea Herald, các chuyên gia cho rằng, xã hội cần nhìn nhận mức độ nghiêm trọng của bạo lực học đường.
Park Ok Sik, Giám đốc Viện Nghiên cứu Bạo hành Thanh thiếu niên, cho biết: “Thanh thiếu niên là độ tuổi đã đủ trưởng thành. Hiện giờ, họ trưởng thành về thể chất và phát triển nhận thức nhanh hơn nhiều so với thế hệ trước đây. Do đó, việc phân biệt bạo lực học đường với tội phạm của người lớn là không phù hợp.
Có nhiều trường hợp trẻ vị thành niên lạm dụng luật vị thành niên để thực hiện các hành vi bạo lực vì họ biết bản thân sẽ không bị trừng phạt”, Park Ok Sik nói.
Trong khi đó Seung Jae Hyun, một nhà nghiên cứu tại Viện Tội phạm học Hàn Quốc, nhận định: “Bạo lực học đường gần đây diễn ra tinh vi và có tổ chức. Đến mức bản chất của việc phạm tội có thể so sánh với hành vi bạo lực của người lớn”.
“Trong trường hợp này, nó nên được coi như một vụ án hình sự và nên tích cực can thiệp. Khi bạo lực xảy ra, việc thực hiện các biện pháp chống lại thủ phạm kịp thời là cách để ngăn chặn những tổn thương về thể xác và tinh thần cho người bị hại”, ông nói tiếp.
Đầu năm nay, Thủ tướng Chung Sye Kyun đề cập đến tình trạng bạo lực đang diễn ra trong cộng đồng thể thao và giới giải trí. Ông đồng thời đã nêu một số biện pháp để hạn chế vấn nạn này tại một cuộc họp nội các.
The Horea Herald trích dẫn phát biểu của ông Chung Sye Kyun: “Chúng ta cần cải thiện vấn đề dễ dẫn đến bạo lực, chẳng hạn hệ thống phân cấp cứng rắn và môi trường đào tạo khép kín”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-thanh-tay-showbiz-han-post1251393.html