Cuộc thâu tóm thị trường kit test nghìn tỷ của ông chủ Việt Á
Phan Quốc Việt bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cáo buộc hối lộ hơn 106 tỷ đồng cho hàng chục quan chức bộ, ngành và 21 địa phương để nâng khống và tiêu thụ 8,3 triệu kit test, gây thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt là một trong 38 người vừa bị VKSND Tối cao truy tố trong cáo trạng được ban hành vừa qua. Việt cùng cấp phó Vũ Đình Hiệp cùng bị truy tố hai tội: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa hối lộ”.
21 trong tổng 38 bị can là cựu quan chức các bộ, ngành, địa phương, bị truy tố ở 4 nhóm tội: Nhận hối lộ; vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Trong đó có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; bị can Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc (là các cựu Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ); Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương); Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ); cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến; Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC tỉnh Bình Dương; Lâm Văn Tuấn (cựu Giám đốc CDC tỉnh Bắc Giang)... và nhiều cán bộ sở, ngành thuộc các tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Bình Dương và Nghệ An.
Cáo trạng xác định, vụ án nhen nhóm từ đầu năm 2020, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Biết Học viện quân y và Bộ Khoa học công nghệ đang được Nhà nước giao chương trình nghiên cứu sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch nên Phan Quốc Việt đi “cửa sau”, xin cùng tham gia đề án với nguồn kinh phí 18,9 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước.
Ngay khi được chuyển giao quy trình nghiên cứu kit xét nghiệm, Việt giao cấp dưới tiếp tục phát triển để sản xuất, rồi xin cấp phép lưu hành, kinh doanh thương mại.
Trịnh Thanh Hùng (Vụ phó Khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ) bị VKS cáo buộc là “cầu nối” giúp Việt Á trong những bước đường đầu tiên, đến việc biến kết quả đề tài nghiên cứu, thành tài sản riêng của Việt Á. Bị can Hùng cũng chính là người được Việt nhờ đến gặp các bị can khác khi đó là quan chức ở Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ can thiệp giúp để kit test Việt Á được bán sớm với số lượng lớn trên khắp cả nước.
Được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời cho kit test, Việt tiếp tục nhờ Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long và thư ký Nguyễn Huỳnh, cùng Nguyễn Văn Trịnh, cán bộ Văn phòng Chính phủ, để "can thiệp, tác động" một số lãnh đạo cấp tỉnh nhằm “dọn đường” cho Việt Á được bán sản phẩm.
Xuyên suốt quá trình bán hơn 8 triệu kit test nâng khống giá, Việt và nhân viên Việt Á phụ trách các vùng, bị VKS cáo buộc, đã tiếp cận lãnh đạo sở y tế, bệnh viện, CDC trên 20 địa phương cả nước để “đặt vấn đề”. Khi bị công ty khác phá thế “độc quyền” bán kit test, Việt lập tức đến gặp ông Trịnh để nhờ vả và nhanh chóng loại được đối thủ khỏi thị trường, cáo trạng nêu.
Khi làm việc với các cá nhân, đơn vị cấp tỉnh, thủ đoạn chung của Việt Á là gặp trực tiếp lãnh đạo sở y tế, bệnh viện, CDC để “thương thảo” và luôn được đồng ý. Việt Á sau đó thông đồng với bên mua trước rồi mới lập hồ sơ mời thầu; ký hợp đồng mua bán để cơ sở y tế chuyển tiền qua công ty trung gian cho Việt Á. Trong quá trình này không thể thiếu các cá nhân thuộc các công ty thẩm định giá, móc ngoặc với sở y tế, bệnh viện, CDC để hợp thức giá cả và ban hành chứng thư thẩm định giá theo mức giá yêu cầu.
Được quan chức sở, ngành của 20 tỉnh thành “chống lưng”, Việt Á trở thành “vua” thị trường kit test, với thế độc quyền không thể phá vỡ. Trong năm 2020 và 2021, Việt Á đã sản xuất 8,7 triệu kit test và tiêu thụ được 8,3 triệu sản phẩm. Doanh nghiệp được Nhà nước thanh toán 2.250 tỷ đồng và bị cáo buộc hưởng lợi bất chính 1.235 tỷ đồng, chính là thiệt hại vụ án. Trong số này, riêng Nhà nước bị thiệt hại hơn 400 tỷ đồng.
Trong số các địa phương, Bắc Giang là địa phương bị thiệt hại nặng nhất từ các hành vi sai phạm của Việt Á và các cựu cán bộ ở đây. Cơ quan điều tra xác định, Việt Á đã cung cấp cho CDC Bắc Giang hơn 300.000 kit test, đã được thanh toán 150 tỷ đồng. Giá thực tế chỉ 143.000 đồng/kit nhưng Việt Á đã bán với giá gần gấp 4 lần là 570.000 đồng. Hậu quả, Bắc Giang bị thiệt hại 105 tỷ đồng.
Đứng sau Bắc Giang trong danh sách thiệt hại là tỉnh Đồng Tháp (79 tỷ đồng); tỉnh Hải Dương (73 tỷ đồng), tỉnh Bình Dương (55 tỷ đồng), Nghệ An (16 tỷ đồng)...
Tổng Giám đốc Việt Á bị cáo buộc, để thực hiện trôi chảy phi vụ rộng khắp Bắc - Nam, Việt đã trực tiếp hoặc chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ 106 tỷ đồng. Trong đó đưa cho bị can Trịnh Thanh Hùng 8 tỷ đồng và các bị can ở Bộ Y tế 64 tỷ đồng, Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến 27 tỷ đồng, Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) 4 tỷ đồng.
Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và thư ký Nguyễn Huỳnh bị VKS cáo buộc đã lợi dụng chức vụ để can thiệp, giúp đỡ Việt Á kinh doanh trái pháp luật. Riêng bị can Long thông qua thư ký để gợi ý Việt đưa tổng cộng 2,25 triệu USD (51 tỷ đồng).
“Trong các nguyên nhân điều kiện phạm tội của các bị can có nguyên nhân xuất phát từ công tác kiểm tra giám sát của các bộ, ngành và UBND” - cơ quan công tố đánh giá. Do đó, trong cáo trạng, VKSND Tối cao cũng kiến nghị Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh thành cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động nghiên cứu, thẩm định giá, cấp phép, xử lý hành chính và chấn chỉnh hoạt động đấu thầu, mua sắm vật tư y tế.