Cuộc thi Hướng dẫn viên du lịch 6 tỉnh Việt Bắc: 15 năm nỗ lực nâng chuẩn
Thuộc chuỗi chương trình hành trình du lịch 'Qua những miền di sản Việt Bắc', cuộc thi Hướng dẫn viên du lịch 6 tỉnh Việt Bắc năm 2024 cho thấy nhiều điểm đổi mới, thể hiện nỗ lực của ban tổ chức trong việc thúc đẩy chất lượng nhân lực, kết hợp quảng bá các sản phẩm du lịch đến các tỉnh bạn.
Tôn vinh hướng dẫn viên du lịch bản địa
Việt Bắc là khu vực nằm trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn và Lạng Sơn. Với hệ thống tài nguyên thiên nhiên hùng vĩ, di tích lịch sử và bản sắc văn hóa riêng biệt quy tụ hơn 30 đồng bào dân tộc anh em, khu vực này có phong phú “chất liệu” để đưa du lịch là mũi nhọn kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh du lịch “xanh” đang chiếm ưu thế, định hình lại phong cách du lịch toàn cầu.
Sớm nhận thức thế mạnh hiện có, từ 2009, 6 tỉnh đã bắt đầu chương trình liên kết nhằm định vị, phát triển giá trị du lịch cả khối mang tên “Qua những miền di sản Việt Bắc”. Với hình thức luân phiên các tỉnh tổ chức thường niên, chương trình bao gồm chuỗi các hoạt động hướng tới đa mục tiêu kết hợp quảng bá các sản phẩm du lịch địa phương, nâng cao chất lượng nhân sự nòng cốt, lan tỏa giá trị di sản của Việt một cách đổi mới - sáng tạo. Trong số hàng loạt chuỗi hoạt động văn hóa - lịch sử, cuộc thi hướng dẫn viên du lịch 6 tỉnh Việt Bắc kết hợp với khảo sát là sự kiện khởi đầu chương trình.
Theo đó, mỗi tỉnh sẽ chọn ra hai gương mặt tiêu biểu, đủ tiêu chí hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, năng lực nổi bật và hiện đang công tác tại các Ban quản lý di tích lịch sử, điểm du lịch tại địa bàn. Với ban giám khảo và đoàn khảo sát bao gồm nhiều chuyên gia đến từ đại điện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, đại diện các Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu, các doanh nghiệp, công ty lữ hành, phóng viên từ nhiều khu vực cả nước.
Ông Lý Mạnh Thắng - giám đốc bảo tàng Tuyên Quang, đại diện ban tổ chức cuộc thi ở Tuyên Quang cho biết: “Việc phát triển du lịch của các tỉnh Việt Bắc đạt được có sự đóng góp lớn của các hướng dẫn viên du lịch, đặc biệt các hướng dẫn viên du lịch bản địa. Những người thổi hồn cho sự vật, sự việc đại diện cho địa phương, làm cầu nối để giới thiệu về điểm đến du lịch.
Cuộc thi hướng dẫn viên du lịch 6 tỉnh Việt Bắc 2024 nhằm tạo cơ hội để các hướng dẫn viên du lịch tại điểm giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, góp phần quảng bá hình ảnh chuyên nghiệp, thương hiệu du lịch lý thú - an toàn - thân thiện - hấp dẫn cho toàn khu vực Việt Bắc”.
Diễn ra từ 20/8 - 26/8/2024, cuộc thi sẽ kết thúc tại điểm thi Bắc Kạn, với lễ trao giải kết hợp cùng chương trình khai mạc kỷ niệm 75 năm Ngày giải phóng tỉnh Bắc Kạn với chủ đề “Dấu ấn Việt Bắc”.
Nhiều đổi mới trong năm 2024
Đáng chú ý, năm nay cuộc thi có nhiều thay đổi. Đầu tiên là sự góp mặt của đầy đủ đại diện 6 tỉnh. Tiếp theo, thay cho hình thức thi trên sân khấu, các thí sinh sẽ trình bày ngay tại điểm du lịch mới hoặc ấn tượng nhất của từng địa phương. Phương án này mang lại đánh giá trực quan, sinh động cho công tác chấm thi và khảo sát, tạo điều kiện cho hướng dẫn viên phát huy tối ưu năng lực.
Trong ngày đầu tiên, cuộc thi diễn ra tại H’Mông Village, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang - resort đầu tiên tại Việt Nam nhận giải thưởng khách sạn Xanh Asean 2022 lúc vừa khánh thành. Khu nghỉ dưỡng này tuy vừa ra mắt, đã nhanh chóng thu hút khách cho vùng đất Quản Bạ bên cạnh các địa danh quen thuộc như cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc.
Tại tỉnh Tuyên Quang, cuộc thi diễn ra tại “thủ đô khu giải phóng” - khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào bao gồm Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào. Di tích quốc gia đặc biệt này mang giá trị biểu tượng cho miền di sản Việt Bắc, vốn gắn liền với thời kỳ kháng chiến chống Pháp oanh liệt của dân ta.
Trong những ngày tiếp theo, đoàn tiếp tục khảo sát, chấm điểm tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên), di tích Tam Thanh Di tích Nhị Thanh (Lạng Sơn), khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Cao Bằng), khu di tích lịch sử Nà Tu (Bắc Kạn). Ở mỗi điểm đến, đoàn sẽ tiến hành song song công tác khảo sát thông qua trải nghiệm khám phá sản phẩm du lịch gồm ẩm thực, điểm lưu trú, đối thoại với các cấp lãnh đạo trực tiếp liên quan đến công tác bảo tồn, phát triển du lịch di sản - văn hóa của địa phương.
Cuộc thi về dài hạn, nếu tiếp tục mở rộng chuyên sâu thành cuộc thi tuyển chọn kiêm tiêu chuẩn phát triển các hạt giống hướng dẫn viên đạt chuẩn quốc tế, tạo ra thế hệ nòng cốt đủ sức phát triển và đào tạo sẽ là đòn bẩy cho năng lực cạnh tranh du lịch của khu vực Việt Bắc. Đồng thời, với thế mạnh riêng biệt là sở hữu nguồn hướng dẫn viên người đồng bào dân tộc thiểu số bản địa tốt chuyên môn, vững ngôn ngữ, cuộc thi còn góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch của vùng Việt Bắc.