Cuộc thi 'Người thầy kính yêu': Trao nét vẽ yêu thương cho trẻ tự kỷ

Cô giáo Phạm Ngọc Thảo Uyên dạy hội họa cho trẻ tự kỷ không chỉ nhằm thắp lửa và nuôi dưỡng đam mê mà còn là một hành trình bền bỉ để phát triển tương lai cho các em

Tọa lạc tại đường Trần Ngọc Diện, TP Thủ Đức, TP HCM, MyCorner Art Studio (MCAS) là điểm hẹn thân thương của các em mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ. Nơi đây ngày ngày tiếp nhận, bồi dưỡng năng lực hội họa và kỹ năng xã hội cho các bạn nhỏ với vai trò đứng lớp chính của cô giáo Phạm Ngọc Thảo Uyên.

Tạo cộng đồng kết nối

Cô gái 9x này bắt đầu công việc dạy hội họa từ thời sinh viên, đến nay đã có 10 năm hoạt động trong lĩnh vực này. Sau khi tốt nghiệp ngành kiến trúc ở Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, chị tiếp tục dạy vẽ cho các trung tâm.

Năm 2022, Thảo Uyên có duyên gặp gỡ và dạy vẽ cho Dorjee (15 tuổi). Sự tận tâm của chị đã mang đến nhiều cảm xúc tích cực cho cậu thiếu niên này.

Mẹ Dorjee, chị Hoàng Tích Thị Tâm Trang, xúc động khi thấy con trai không những yêu hội họa mà còn quý cô giáo nên đã lập nên MCAS và mời chị Thảo Uyên đến với mục đích ban đầu là làm gia sư dạy vẽ riêng cho Dorjee. Qua một thời gian, vì muốn chia sẻ với các gia đình có con em cùng hoàn cảnh, chị Trang quyết định để MCAS trở thành lớp học dành cho trẻ tự kỷ. MCAS vừa là sân chơi lý tưởng vừa là ngôi nhà thứ hai của các bạn nhỏ đáng yêu này.

Chị Thảo Uyên cùng học viên

Chị Thảo Uyên cùng học viên

Cô giáo Thảo Uyên tâm tình: "Việc học vẽ ưu tiên sự thoải mái. Dù định hướng vẽ gì thì tôi cũng khích lệ các em tự học, tự sáng tạo, vẽ các chủ đề bản thân thích là chính, không tạo áp lực, không gò bó. Điều quan trọng nhất là phải xây dựng một môi trường hoàn toàn phù hợp để các bạn nhỏ tự kỷ được hòa nhập, được kết nối và mở lòng với thế giới bên ngoài".

Vì luôn gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi và giao tiếp, nhiều em còn từng bị trường học trả về gia đình. Chính vì thế mà MCAS là nơi luôn sẵn sàng chào đón các em. Tuy vậy, có những thời điểm các em trở nên mất kiểm soát, phải tạm hoãn học vẽ, dành thời gian cho việc điều trị và đợi khi đã ổn định mới có thể tiếp tục đến lớp. Do đó, sĩ số lớp học vẫn thường có sự biến động. Song, bất cứ khi nào quay lại, các em vẫn luôn được chào đón, yêu thương.

Để thật sự gắn kết, tạo nên kết quả như mong muốn cho các học viên, Thảo Uyên phải chuẩn bị hình thức giảng dạy đặc biệt, thiết kế học liệu mỹ thuật riêng cho từng em. Trẻ được tự do vẽ bất kỳ thứ gì mình thích. Cô giáo đồng hành sát sao, hỗ trợ những nét phức tạp, hướng dẫn phối màu và sắp xếp bố cục sao cho phù hợp để tác phẩm vừa có tính thẩm mỹ vừa có cảm xúc riêng.

Để bước vào thế giới của trẻ tự kỷ, chị Thảo Uyên luôn đầu tư thời gian quan sát các em, hiểu rõ được tâm lý và nét tính cách đặc trưng của mỗi trường hợp. Nhờ vậy, chị thuộc nằm lòng từng cá tính, ưu và khuyết điểm riêng của học trò.

"Tay bạn Lợi yếu, lúc mới bắt đầu vẽ phải học nối từng nét. Bạn Quân thì tỉ mỉ trong từng chi tiết, Cát Tường là bạn ổn định nhất về mặt ngôn ngữ nhưng đôi lúc không kiểm soát được. Còn nhiều bạn thậm chí vẫn chưa có ngôn ngữ diễn đạt, không nói được" - cô giáo trẻ bồi hồi kể về những học viên thân yêu của mình.

Nỗ lực vẽ tương lai

Mong muốn góp phần nâng bước để tương lai của trẻ tự kỷ được ổn định, chị Trang và cô giáo Thảo Uyên đã sử dụng tranh mà các em vẽ để in lên áo và túi lưới. Tại lớp học cũng có nhiều mẫu áo, túi lưới được trưng bày để các vị khách ghé thăm có thể vừa trải nghiệm chất lượng sản phẩm vừa quan sát cách mà các em tạo ra tác phẩm mỹ thuật đầy tỉ mỉ, mê say.

Số tiền bán được các sản phẩm ấy cũng chính là thu nhập của các em. Qua đó, giúp các học viên này có được sự công nhận từ cộng đồng, các em nhỏ tại lớp thì hiện thực hóa đam mê, được trở thành những họa sĩ thực thụ, mang lại đóng góp thiết thực cho xã hội bằng những sản phẩm nghệ thuật chỉn chu.

Nhiều bức vẽ của các em đã được in lên các sản phẩm lưu niệm

Nhiều bức vẽ của các em đã được in lên các sản phẩm lưu niệm

Với tinh thần yêu thương và chia sẻ, lớp không hề thu học phí mà còn hỗ trợ đầy đủ họa cụ cho mỗi học viên. Dù miễn phí, lớp học được đầu tư đầy đủ, các trang thiết bị chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu học hội họa của các em.

Không gian nơi đây được trưng bày như một tiệm tranh chuyên nghiệp. Tranh được treo trên tường đa dạng chủ đề, từ vẽ người, vẽ vật, chân dung cho đến các dạng tranh được cắt ghép thủ công, dán giấy cũng có.

Không những thế, mỗi em còn có một quyển album để lưu trữ những tác phẩm của riêng mình. Dưới góc mỗi bức tranh đều được ký tên, ghi rõ ngày để xác định tác giả và thời gian hoàn thiện từng sản phẩm.

Mốc thời gian trên các bức tranh cũng là minh chứng về những bước phát triển qua từng tác phẩm của các em, men theo những trang đầu khi nét vẽ còn sơ sài, đơn giản cho đến các bức vẽ hiện tại đã có sự vượt trội. Qua đó, tính chuyên môn cũng được thể hiện ở cách mà các em sắp xếp và sử dụng những mảng bố cục cùng với khả năng phối màu hài hòa, bắt mắt cho "đứa con tinh thần" của mình.

Với sự dìu dắt tận tụy, đầy tâm huyết của cô giáo Thảo Uyên cùng sự chăm lo, đồng hành nhẫn nại của người sáng lập lớp, tiềm năng và cả sự yêu thích với những sắc màu, đường nét của các em đã được khơi dậy mạnh mẽ. Niềm vui của cô, của trò, của cha mẹ học viên là nhìn thấy các em tiến bộ rất nhanh so với thời điểm mới bắt đầu. Từng nét vẽ nguệch ngoạc qua thời gian, giờ đây đã dần trở thành những bức tranh có giá trị nghệ thuật, chứa đựng nhiều ý nghĩa tinh thần đáng quý cho cộng đồng.

Chị Thảo Uyên trân trọng từng giờ phút ở bên cạnh học trò. Chị nâng niu từng tác phẩm của các em và dốc hết trái tim gắn bó cùng lớp học với phần thưởng lớn lao là nhìn thấy những bạn nhỏ trưởng thành hơn, dù chỉ từng chút. Vất vả đến mấy, miễn là học trò không bỏ cuộc thì luôn có cô giáo ở đây, hết lòng quan tâm và dành niềm tin cho các em.

Đong đầy yêu thương

Không chỉ trao truyền kỹ năng hội họa, chị Thảo Uyên còn tích cực tìm hiểu, học hỏi để can thiệp vào việc kiểm soát hành vi và trị liệu ngôn ngữ cho các em. Dù không có nhiều chuyên môn trong điều trị tâm lý nhưng tình yêu thương chân thành mà chị dành cho nghề và cho các bạn nhỏ thì luôn đong đầy.

Bài và ảnh: Thái Đặng Nhật Tân (TP HCM)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-thi-nguoi-thay-kinh-yeu-trao-net-ve-yeu-thuong-cho-tre-tu-ky-19624052622060816.htm