Cuộc thi 'Tinkering with Tech - Khám phá công nghệ' sử dụng micro:bit
Tổ chức UNICEF Việt Nam phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) An Giang tổ chức Cuộc thi 'Tinkering with Tech - Khám phá công nghệ' sử dụng micro:bit dành cho 11 trường THCS trên địa bàn tỉnh. Cuộc thi nhằm tạo sân chơi thử thách để học sinh ứng dụng mạch micro:bit và lập trình trong giải quyết vấn đề liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Dự án “Tinkering with Tech - Khám phá công nghệ” của UNICEF phối hợp Micro:bit Foundation nhằm mục tiêu phát triển các kỹ năng quan trọng của thế kỷ XXI ở trẻ em và nuôi dưỡng tình yêu với STEM thông qua việc khám phá công nghệ bằng cách sử dụng micro:bit. Dự án khuyến khích học sinh và giáo viên khám phá sự sáng tạo kỹ thuật số trong giải quyết những thách thức địa phương và toàn cầu.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh, từ ngày 6/9/2024, Tổ chức UNICEF Việt Nam và Sở GD&ĐT An Giang đã phối hợp tập huấn “Khám phá công nghệ sử dụng micro:bit” cho đại diện 11 trường THCS thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, gồm: THCS Phú Thạnh (huyện Phú Tân), THCS Nguyễn Văn Cưng (huyện Chợ Mới), THCS Đào Hữu Cảnh (huyện Châu Phú), THCS Vĩnh Hậu (huyện An Phú), THCS Phú Hòa (huyện Thoại Sơn), THCS Ba Chúc (huyện Tri Tôn), THCS An Châu (huyện Châu Thành), THCS Lương Thế Vinh (TX. Tịnh Biên), THCS Long Sơn (TX. Tân Châu), THCS Nguyễn Trãi (TP. Châu Đốc), THCS Nguyễn Trãi (TP. Long Xuyên). Mỗi trường chọn 3 dự án để trưng bày tại cuộc thi, chọn 1 dự án tiêu biểu nhất để dự thi và thuyết trình (khuyến khích các trường đều có dự án trưng bày và thi về 2 chủ đề về sức khỏe tâm thần và biến đổi khí hậu).
Cuộc thi đã tạo sân chơi thử thách để học sinh tại tỉnh An Giang ứng dụng mạch micro:bit và lập trình trong giải quyết vấn đề liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững. Cuộc thi cũng nhằm tăng cường hợp tác giữa học sinh, giáo viên và các nhà lãnh đạo giáo dục địa phương trước những vấn đề mang tính cấp bách hiện nay, như: Môi trường, biến đổi khí hậu, sức khỏe tâm thần của trẻ em…
Nhiều dự án rất thiết thực mang đến cuộc thi, điển hình: Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương, Hệ thống giám sát chất lượng không khí, Khu vườn xanh, Ngôi nhà tiện ích, Thanh chắn đường ray xe lửa, Hệ thống cảnh báo tiếng ồn vượt ngưỡng cho phép, Thùng rác thông minh… Thực hiện dự án “Nhà cảnh báo mực nước bằng hệ thống micro:bit”, học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách toàn cầu. Việt Nam là quốc gia bị tổn thương do biến động thời tiết bởi đặc điểm địa lý và phần lớn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. An Giang là tỉnh có thế mạnh nông nghiệp, nên không nằm ngoài sự tác động của thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Là một học sinh tại An Giang, em nhận thấy biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và môi trường. Vì vậy, chúng em thực hiện dự án này nhằm góp phần đề xuất giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, cụ thể là cảnh báo mực nước bằng hệ thống micro:bit để giúp kiểm soát mực nước lên xuống (nhất là vào mùa lũ) để cảnh báo triều cường, thay đổi dòng chảy”…
Qua phần tranh tài sôi nổi, ban tổ chức trao 6 giải cho các trường đạt kết quả tốt nhất cuộc thi. Theo đó, Giải “Micro:bit sáng tạo nhất” thuộc về Trường THCS Phú Thạnh (huyện Phú Tân), Giải “Giải pháp xuất sắc nhất cho biến đổi khí hậu thuộc” về THCS Lương Thế Vinh (TX. Tịnh Biên), Giải “Giải pháp xuất sắc nhất cho sức khỏe tâm thần của trẻ em” thuộc về Trường THCS Long Sơn (TX. Tân Châu), Giải “Giải pháp địa phương xuất sắc nhất” thuộc về Trường THCS Nguyễn Trãi (TP. Long Xuyên), Giải mô hình giấy” thuộc về Trường THCS An Châu (huyện Châu Thành), Giải cho “Đại sứ giáo viên” thuộc về thầy Trác Đức Tài (Trường THCS Phú Thạnh, huyện Phú Tân).