Cuộc thi viết chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm: Vạch trần luận điệu sai trái của Trung Quốc
Việc Trung Quốc bóp méo các tuyên bố, hòa ước quốc tế để tuyên truyền, tuyên bố chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là một câu chuyện dối trá của thiên niên kỷ
Cái gọi là yêu sách "Đường 9 đoạn" mà Trung Quốc tuyên bố với đòi hỏi chủ quyền chiếm gần 90% biển Đông, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, từ lâu đã không được thế giới công nhận. Thế nhưng, Trung Quốc cố tình bóp méo các tuyên bố, hòa ước quốc tế để thực hiện các chiêu bài độc chiếm biển Đông.
Từ Tuyên bố Cairo, Potsdam
Trước tiên, phải kể đến Tuyên bố Cairo ngày 27-11-1943. Trung Quốc và các tuyên truyền viên của họ khẳng định rằng Tuyên bố Cairo đã quyết định trao quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho Trung Quốc.
Tuyên bố Cairo là tuyên bố chính thức, kết quả của Hội nghị Cairo giữa Tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Chủ tịch Trung Quốc Tưởng Giới Thạch. Một trong những mục tiêu của hội nghị là tước lại các vùng lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm đóng một cách bất hợp pháp từ các nước khác trong 2 cuộc chiến tranh thế giới trước đó.
Việc ra tuyên bố này khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, hội nghị tam cường Anh - Mỹ - Trung (Cộng hòa Trung Hoa, đại diện lúc đó là Tưởng Giới Thạch) được nhóm họp tại thủ đô Cairo (Ai Cập). Tuyên bố nêu rõ: "… Nhật Bản phải từ bỏ tất cả các đảo ở Thái Bình Dương đã cướp hoặc chiếm đóng từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1914 và tất cả lãnh thổ Nhật đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa".
Như vậy, về phần lãnh thổ của Trung Quốc, Tuyên bố Cairo khẳng định ý chí của các cường quốc (trong đó có Cộng hòa Trung Hoa) buộc Nhật Bản phải trao trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa các lãnh thổ mà Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc gồm "Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ", không có câu chữ nào đề cập tới 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trường Sa và Hoàng Sa không bị Nhật Bản chiếm đoạt từ tay Trung Quốc.
Thứ hai là Tuyên bố Potsdam. Trung Quốc và các tuyên truyền viên của nước này khẳng định Tuyên bố Potsdam ngày 26-7-1945 - được thông qua bởi Tổng thống Mỹ Harry Truman, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Chủ tịch Chính phủ Quốc dân Tưởng Giới Thạch - đã trao Trường Sa và Hoàng Sa cho Trung Quốc. Thế nhưng, Tuyên bố Potsdam thực chất chỉ nhắc lại Tuyên bố Cairo, theo đó nói rằng: "Các điều khoản trong Tuyên bố Cairo sẽ được thực thi và sự toàn vẹn lãnh thổ của Nhật Bản sẽ bị giới hạn trong các đảo Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và các đảo nhỏ tương tự mà chúng tôi sẽ xác định". Trường Sa và Hoàng Sa không được trao cho Trung Quốc trong văn bản này.
... đến Hòa ước San Francisco
Thứ ba, Trung Quốc và các tuyên truyền viên khẳng định Hội nghị Hòa bình San Francisco năm 1951 đã tuyên bố Trường Sa và Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc. Thế nhưng, đây cũng không phải sự thật.
Hội nghị Hòa bình San Francisco từ ngày 4 đến 8-9-1951, với sự tham dự của đại diện 51 nước để trao đổi nội dung dự thảo Hòa ước San Francisco sẽ được ký với Nhật Bản.
Trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung sau: "Nhật Bản công nhận chủ quyền hoàn toàn của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với Manchuria (Mãn Châu), đảo Đài Loan (Formosa) cùng với tất cả các đảo kế cận đảo này, quần đảo Penlinletao (Pescadores, tức Bành Hồ), quần đảo Tunshatsuntao (Pratas), 2 quần đảo Sishatuntao và Chunshatsuntao (quần đảo Hoàng Sa, nhóm đảo Amphitrites, bãi ngầm Maclefield), quần đảo Nanshatsuntao, kể cả quần đảo Trường Sa. Nhật từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với các vùng lãnh thổ nêu trong điểm này".
Tuy nhiên, tại phiên họp toàn thể ngày 5-9-1951, hầu hết đại diện các nước tham gia hội nghị đã nhất trí về việc không chấp thuận đề nghị bổ sung này. Cụ thể là quyết định của phiên họp toàn thể được thông qua với 46 phiếu thuận (không chấp thuận), 3 phiếu chống, 1 phiếu trắng.
Đáng chú ý là cũng trong quá trình thảo luận, Trưởng Đoàn đại biểu chính quyền Bảo Đại của Việt Nam là Trần Văn Hữu tuyên bố 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. "Để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi khẳng định chủ quyền của chúng tôi đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, những quần đảo luôn luôn thuộc về Việt Nam" - đại diện Việt Nam nhấn mạnh.
Không có bất cứ đại diện nào của 51 quốc gia tham dự Hội nghị San Francisco có ý kiến phản đối hoặc bảo lưu đối với tuyên bố trên của đại diện Việt Nam. Cuối cùng, nội dung của hòa ước ký với Nhật Bản đã được hội nghị thông qua tại phiên họp ngày 8-9-1951. Quá trình thảo luận tại hội nghị và các quy định nêu trên của Hòa ước San Francisco cho thấy các nước tham gia hội nghị đã mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.