Cuộc thi viết 'LÒNG TỐT QUANH TA': Ông Mười trong lòng người Ca Dong
Ông Mười, cựu chiến binh quê Nam Bộ, không chỉ làm từ thiện, ông còn khơi dậy trong cộng đồng người dân tộc ở Quảng Ngãi khát vọng thoát nghèo
Thấy nhiều đồng bào người dân tộc Ca Dong ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi còn nghèo khó, ông Mười - cựu chiến binh Văn Công Củ; quê xã An Phú Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp - không chỉ quyên góp quần áo cũ giúp đỡ mà còn sẵn lòng tặng cây giống, hướng dẫn cách trồng...
Trôi dạt quê người
Ông Văn Công Củ sinh năm 1967 trong gia đình có 9 anh em, ông thứ 10 nên bà con quen gọi tên ông theo thứ. Sau khi tham gia bộ đội tình nguyện ở chiến trường K, năm 1988, ông ra quân, về cưới vợ quê ở Long An, trồng cây ăn trái và bỏ mối hàng nông sản.
Chuyện làm ăn không may mắn nên năm 2015, ông rơi vào cảnh trắng tay. Đang lúc khó khăn bủa vây, người em vợ làm rể ở xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi gọi điện khuyên ông ra vùng đất này lập nghiệp. Vậy là cuộc mưu sinh của vợ chồng ông Mười rẽ sang bước ngoặt mới. Ông Mười nhớ lại cuối hè năm 2015, đến bến xe khách Quảng Ngãi, gia đình 4 người chở nhau lên xã Tịnh Giang. Tá túc nhà người em vợ một đêm, hôm sau, cả nhà ông theo người em ngược đường lên núi. Họ dừng lại ở ngôi nhà hoang cũ kỹ tại xóm Trường, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây mà người em vợ trước đó đã thuê với giá 400.000 đồng/tháng. Đêm đầu tiên trên đất khách trời mưa tầm tã, tất cả mệt nhoài nhưng riêng ông không thể nào chợp mắt. Con trai ông mếu máo: "Ba ơi, con không muốn ở đây. Mình dìa quê mình đi ba!". Nghe con nói, vợ chồng ông xót xa. Nhưng lúc này, với ông Mười, đây là con đường sáng nhất, không còn sự chọn lựa.
Những ngày sau đó, ông Mười rong ruổi đến tận những làng sâu, vùng xa với chiếc xe máy hành nghề như một chợ di động lủng lẳng nào cá khô, trứng gà vịt, quần áo... Còn vợ ông - bà Nguyễn Thị Phượng - mỗi sáng sớm dắt con đi bộ đến trường rồi trở về lo nhận hàng mà người em vợ gửi lên, phân chia để ông về mang đi bán. Đường đi chưa quen, ông lại nói giọng miền Nam nên nhiều hôm len lỏi cả ngày mà tối về hàng còn đầy xe. Nhìn ánh mắt buồn của vợ, ông Mười gượng cười: "Ngày mai sẽ sáng sủa hơn bà à!".
Gian hàng quần áo 0 đồng
Những tháng ngày long đong với "chợ di động", ông Mười càng thấu hiểu sự thật thà, chất phác của đồng bào dân tộc Ca Dong. Có hôm xe chở nặng bị hư, ông bỏ xe giữa đường cả buổi để chạy đi tìm thợ tới sửa mà khi về, hàng hóa vẫn còn nguyên. Có người mua hàng mà không có tiền, thiếu "chịu" thì vội bán mớ cau, con gà hay rau củ để trả đúng hẹn.
Cuộc sống của người dân vùng núi khổ cực trăm bề nhưng ông chẳng nghe một lời than vãn nào từ họ. Ở thôn Nước Lang, xã Sơn Dung có một gia đình người dân tộc Ca Dong nghèo khó, người chồng tên Lếch bệnh nặng qua đời, vợ con ngơ ngác, chưa biết lấy gì làm tang ma. Ông Mười ghé xóm bán hàng, cám cảnh nên mua gạo, muối, chén, đĩa, rượu để vợ Lếch làm lễ cúng theo nghi thức của người Ca Dong. Mùa đông ở vùng núi trời lạnh như cắt mà nhiều người già, trẻ con không có áo ấm nên khi đi lấy hàng, ông Mười tiện thể xin quần áo cũ từ các bạn hàng. Khi biết ông xin quần áo cũ là để cho người dân quá khó khăn nên bà con gom đồ cũ giặt sạch rồi đem đến đưa ông.
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ngãi Võ Đình Dũng kể khi nghe chuyện, Hội Cựu chiến binh tỉnh ủng hộ việc làm của ông. Vào tháng 6-2023, gian hàng quần áo 0 đồng được hình thành ngay tại nhà ông Mười, mở cửa thường xuyên vào chủ nhật. Từ đó, hội tổ chức cho các hội cựu chiến binh ở 13 huyện, thị xã và TP Quảng Ngãi quyên góp quần áo cũ gửi lên khoảng 20.000 bộ. Phần ông Mười cũng đã quyên góp giúp đỡ đồng bào người dân miền núi khoảng 10.000 bộ quần áo. Chị Đinh Thị Nhất, ở xã Sơn Dung, nói: "Có gian hàng 0 đồng của ông Mười đỡ lắm. Tui hay đến đây để xin áo quần cho gia đình nội ngoại và cho con"… Ông Đinh Văn Đôi - người dân tộc Ca Dong, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Sơn Tây - nhận xét: "Ông Mười không chỉ làm từ thiện mà còn khơi dậy trong đồng bào dân tộc khát vọng vượt qua nghèo khổ".
Trang trại bên cung đường chiến tranh
Làm ăn chắt bóp, cuối năm 2016, ông Mười tiết kiệm được 30 triệu đồng. Ông mua một mảnh đất ở xã Sơn Dung rồi cất ngôi nhà tạm mái tôn cho vợ mở một quán ăn nhỏ. Thấy khoảnh đất trống trong vườn nhà, ông điện thoại cho người thân ở Đồng Tháp chuyển vài chục cây ổi, quýt ra trồng.
Cây ra trái sum sê đã gợi mở cho ông về hướng trồng cây ăn trái miền Nam trên vùng đất miền Trung.
Năm 2020, khi có một người bạn ở địa phương gợi ý hùn mở trang trại ông đồng ý ngay, vậy là khu vườn cây ăn trái nằm bên đường Trường Sơn Đông thuộc Tập đoàn Sản xuất số 20, xã Sơn Long, giáp biên với xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum hình thành. Trang trại gần 5 ha nằm ở sườn Đông của núi. Hơn 1.000 cây ổi lê, nữ hoàng và ruby ra trái sum sê. Ở phía Tây, 250 cây quýt đường, 300 cây quýt hồng trái lúc lỉu. Xa hơn là 200 cây mít Thái, 300 cây chôm chôm, 60 cây xoài đang lên xanh; xen kẽ là 3.000 cây thơm trái chín vàng.
Theo ông Mười, đây là phương châm "lấy ngắn nuôi dài". Cây ổi và thơm trồng hơn một năm thì cho trái, cây quýt thì hơn 20 tháng. Vợ chồng ông Mười hái bán cho thương lái để họ bán lại cho các quầy trái cây. Mới đây, sản phẩm trái cây của ông Mười được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ông dự tính giới thiệu sản phẩm cho các siêu thị ở TP Quảng Ngãi. Ông Mười bộc bạch: "Khi đến đất này chọn mua đất trồng cây, tôi mới biết đây là cung đường thời chiến tranh chống Mỹ, đã có bao chàng trai, cô gái đi ngang đây, thẳng hướng vào miền Nam, tỏa về các tỉnh đồng bằng góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân 1975. Nhà nước đã đầu tư xây dựng và mở rộng cung đường để phát triển kinh tế, gắn những bia để tri ân thế hệ trước. Mình may mắn được trồng cây trên đất này, đó là điều tâm đắc".
Từ ngày mở trang trại, lợi nhuận được bao nhiêu ông đều dồn vào đó. Bà con đồng bào dân tộc trong vùng thấy ông làm được nên đến tham quan. Ông Mười tặng cho họ ít cây giống và chỉ cách trồng cây. Địa phương thấy việc trồng cây ăn trái của ông khá thành công nên mở hướng cho các xã xây dựng mô hình trồng cây ăn trái và hợp đồng với ông để cung cấp giống cây ăn quả Nam Bộ chính hiệu. Vậy là ông Mười thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Giàu (mang tên con gái ông).
Cũng từ đây, công việc của ông Mười bận rộn hơn. Hết chăm cây, ông lại đến nhà của người dân tộc Ca Dong để hướng dẫn cách trồng cây ăn trái theo mô hình trồng cây trong vườn.
Trả nghĩa vùng đất
Chia sẻ về những việc làm của mình, ông Mười nói vùng đất này đã cưu mang ông nên giờ có giúp đỡ được chút gì cho bà con thì cũng là trả nghĩa mà thôi. "Tôi sinh ra và lớn lên trên đất trồng cây ăn trái nên có chút kinh nghiệm mang ra giúp bà con để họ có cuộc sống căn cơ. Thời gian tới, tôi sẽ dồn nhiều công sức hơn để biến các khu đồi thành điểm du lịch sinh thái kiểu Nam Bộ. Biết đâu mai này, khách trong Nam ngoài Bắc trên hành trình đường Trường Sơn Đông tham quan vùng chiến trường xưa lại ghé thăm" - ông Mười bộc bạch.