Cuộc thi viết 'Người Thầy kính yêu': Bài học cuộc sống từ người thầy đáng kính
Các thành viên lớp chúng tôi ngày ấy đều tự tay sửa được những thiết bị điện dân dụng trong nhà, hay thậm chí là ở cơ quan, tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ nhờ bài học từ thầy
Hồi mới yêu, ở nhà bạn gái hỏng cái nồi cơm điện, máy quạt, cầu dao, tôi đều sửa được nhanh chóng. Cũng nhờ cái tài lẻ sửa đồ điện, mà tôi được lòng bố mẹ nàng rồi cưới được nàng làm vợ. Vợ hỏi: Mấy cái này rành dữ, anh học được của ai vậy? Tôi bảo: "Anh học được của thầy Chung đó, thầy giỏi lắm!".
Những bài học thiết thực
Nhớ lại năm 16 tuổi, trong chương trình học nghề phổ thông, tôi chọn theo học nghề điện tại Trung tâm Kỹ thuật thực hành hướng nghiệp Phú Vang (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Có hai lý do đơn giản để tôi chọn định hướng nghề điện: một là, thi tốt nghiệp THPT, lỡ chưa đủ điểm đậu thì được cộng thêm 1 điểm, hy vọng đậu; hai là, nếu rớt tốt nghiệp hoặc không đậu đại học, thì theo làm thợ điện. Đó có vẻ là một sự lựa chọn hợp lý khi nhìn quanh họ hàng nhà tôi thì chưa có ai học đại học, còn tôi thì sức học cũng trung bình. Nên việc đậu đại học với tôi cũng như nằm mơ. Xác định như vậy, nên tôi hăng hái đi học nghề điện.
Người đứng lớp dạy nghề chúng tôi là thầy Lê Văn Chung, với nước da ngăm đen, dáng người nhỏ nhắn. Mỗi lần lên lớp, thầy khoác theo một chiếc ba-lô sau lưng, sau đó thì bày ra nào là bóng đèn, đồng hồ điện vạn năng, mỏ hàn, các múi điện được đấu lại theo những kỹ thuật khác nhau. Học trò chúng tôi ai cũng háo hức, tò mò sự mới lạ, lắng nghe thầy giảng về kỹ thuật cấu tạo và cách vận hành của từng thiết bị. Công suất tiêu thụ điện của các thiết bị thường được thầy chú trọng trong các giờ giảng, nó thể hiện ở trên nhãn hàng hóa, có thể giúp các gia đình học sinh tiết kiệm được tiền điện khi lựa chọn và sử dụng đúng thiết bị phù hợp với nhu cầu.
Phần thực hành sửa chữa các thiết bị điện dân dụng trong gia đình thường rất cuốn hút học sinh. Thầy luôn dặn đọc kỹ thông số kỹ thuật trên mỗi thiết bị điện (là nhãn hàng hóa, được dán hoặc khắc, đính lên sản phẩm) trước khi bắt đầu công việc. Nếu không đọc kỹ, điều đó có thể gây ra tai nạn điện cháy, nổ. Như thiết bị sử dụng điện 110V mà cắm vào ổ điện 220V là hỏng ngay. Hoặc đấu nhầm múi dây điện âm (-) và dương (+) cũng rất nguy hiểm.
Một mẹo mà thầy chỉ dẫn làm chúng tôi nhớ mãi, là đầu óc con người cũng có lúc quên, nên kiếm cái máy chụp ảnh, chụp lại lúc vừa mới mở thiết bị ra, quan sát xem nhà sản xuất lắp ráp nó như thế nào. Sửa xong đâu đó rồi, thì nhìn bức ảnh lắp lại như cũ là an toàn. Mãi cho đến sau này, đây vẫn là một mẹo rất hữu ích trong cuộc sống hằng ngày của tôi.
Tấm lòng người thầy
Kết thúc năm học thứ nhất, trước khi nghỉ hè, thầy rất tâm lý, dặn dò nếu các em có khó khăn về mặt tài chính, cứ tìm thầy. Tiền bạc, mặc dù thầy không thể cho không, nhưng có những việc mà thầy nhận từ các công trình đang thi công như bắt điện âm tường, lắp bóng đèn, thì thầy có thể tạo điều kiện việc làm, giao cho các em học sinh làm một phần những công việc đơn giản. Qua đó các em học sinh cũng kiếm thêm được một ít tiền để giúp đỡ gia đình và chi tiêu cuộc sống cá nhân, mua sách vở, quần áo cho năm học mới. Và nhiều năm qua, thầy cũng đã giúp cho nhiều bạn trẻ có thêm thu nhập bằng cách như vậy.
Nghỉ hè được một tháng, thì tôi và người bạn tên Sỹ cùng tìm đến nhà riêng của thầy để xin việc làm, kiếm thêm tiền cho năm học mới. Bố Sỹ mất sớm, còn bố tôi bị bại liệt từ lâu, gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi tâm sự gia cảnh, được thầy đồng cảm, chúng tôi đã được nhận vào phụ việc có trả lương. Ngày đầu tiên đi làm cùng thầy, chúng tôi rải đường dây điện trên tầng 2 một công trình đang xây dở dang. Yêu cầu phải rải nhanh đường dây điện để thợ xây đổ bê-tông trần nhà.
Đang là mùa hè, trời rất nóng, người chúng tôi ướt đẫm mồ hôi nhưng cũng phải cố gắng hoàn thành. Cuối ngày, chúng tôi mệt lả, kiệt sức thật sự. Nhìn sang thầy, thầy làm khối lượng công việc gấp mấy lần chúng tôi nhưng ánh mắt vẫn nhanh nhạy như trong đầu đang tính toàn về các đường dây điện, không tỏ vẻ gì mệt mỏi.
Những ngày sau đó, chúng tôi bắt đầu quen với công việc hơn và cũng thường xuyên tiếp xúc với thầy nhiều hơn. Thầy ân cần hỏi: "Các em thấy làm nghề có vất vả không?" - "Dạ, quá vất vả luôn thầy ơi." Thầy khuyên: "Kiếm được đồng tiền vất vả lắm các em ạ. Nên bạn nào học được, thì cố gắng học, thi vào đại học, ra trường kiếm việc nhẹ nhàng làm...".
Đó là lời khuyên chân thành của thầy, nhưng cũng là động lực để chúng tôi cố gắng hơn, nỗ lực hơn để thay đổi số phận. Số tiền kiếm được qua những tháng hè, tôi không dám tiêu hoang phí, vì đó là những giọt mồ hôi mà tôi đã đổ xuống tại công trường mới có được. Vất vả là thế, nên tôi dành số tiền đó để phục vụ học tập, cho mục tiêu thi đại học.
Năm 18 tuổi, trượt đại học, tôi buồn lắm. Tôi muốn được học tiếp, để thay đổi đời mình. Nhưng tiếp tục ôn tập, chờ năm sau thi lại là cả một gánh nặng về kinh tế với gia đình. Thầy động viên: "Cố gắng hơn nữa em ơi. Em có thể vừa ôn tập vừa phụ làm với thầy lúc rảnh để kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống". Nếu không có những động viên và trợ giúp thiết thực của thầy ngày đó, tôi đã không thể chinh phục giấc mơ vào đại học luật và công tác tại Cục Quản lý Thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế như ngày hôm nay. Tự đáy lòng, tôi cảm ơn người thầy vĩ đại của mình đã nâng đỡ tôi vươn lên trong cuộc sống.