Cuộc thi viết 'Người thầy kính yêu': Nhà giáo Đinh Chí - người mang cốt cách 'ông đồ Nghệ'
Mỗi khi nói đến những nhà giáo nổi tiếng của vùng đất Hồng Lam, các đồng nghiệp và học trò thường nhắc tới thầy Đinh Chí với tất cả tấm lòng yêu mến, kính phục
Nhà giáo Đinh Chí sinh năm 1934 tại làng Thượng Ích, xã Đức Lâm (nay thuộc xã Lâm Trung Thủy), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Nằm giữa cánh đồng lúa trải rộng, làng quê này thủa trước có tên chữ là Ngu Lâm, tên nôm là Kẻ Ngù, dân gian thường nói lái "Kẻ Ngù" thành "Cụ Nghè". Cũng phải, bởi đây là vùng đất học nức tiếng khoa bảng từ xưa.
Giờ dạy lôi cuốn của nhà giáo uyên thâm
Là con độc nhất, sinh trưởng trong một gia đình mà song thân đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, anh thanh niên Đinh Chí thử sức mình bằng cách xung phong tham gia một khóa dân công hỏa tuyến sang Trung Lào, nơi quân ta đang mở chiến dịch "chia lửa" phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ.
Hòa bình lập lại, năm 1955, ông khăn gói ra Hà Nội dự thi vào trường đại học đầu tiên của Việt Nam và đỗ á khoa, đứng sau GS Hà Văn Tấn - một trong "tứ trụ" của nền sử học nước nhà. Ông là bạn cùng lớp với GS Đặng Bích Hà - phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi tốt nghiệp cử nhân văn - sử, thay vì ở lại thủ đô lập nghiệp, ông tình nguyện trở về quê dạy học. Với bản tính thông minh thiên bẩm và ý thức ham học hỏi không biết mệt mỏi, thầy Đình Chí có thể dạy ngon ơ bất cứ môn học nào (kể cả toán, lý, hóa) của chương trình phổ thống cấp III (nay là THPT). Ông am tường văn chương, thi phú, thuộc lòng những áng thơ văn cổ điển như "Truyện Kiều", "Cung oán ngâm khúc". Đặc biệt, với "Chinh phụ ngâm" thì thầy Đinh Chí nắm vững cả nguyên tác cùng bản dịch tiếng Việt lẫn bản chữ Nôm.
Là một nhà giáo uyên thâm về trí tuệ, mang cốt cách của một "ông đồ Nghệ", thầy Đinh Chí say mê nghiên cứu lịch sử. Nhờ đam mê tự học mà ông giỏi cả Pháp văn, Trung văn và Hán tự. Bởi thế, những tiết giảng trên lớp của thầy bao giờ cũng hấp dẫn và có sức lôi cuốn học trò mãnh liệt. Ngoại ngữ đã giúp thầy mở mang kiến thức, vun bồi vốn văn hóa đầy đặn, làm nên những tiết học để đời trong tâm khảm biết bao thế hệ học trò Hà Tĩnh. Cái chính là thầy luôn biết cách phả hồn vào môn sử vốn dĩ rất khô khan, truyền cho học trò khả năng cảm thụ và tình yêu sâu nặng đối với quê hương, đất nước, khiến ai được học thầy cũng thích thú và say mê môn lịch sử. Nhiều lớp học trò hồi tưởng lại, hồi đi học, chỉ mong ngày nào cũng có giờ sử để được nghe thầy Đinh Chí giảng.
Tiếng lòng lắng đọng
Bạn bè, đồng nghiệp gọi thầy là ông đồ Cử Đinh - thi gia. Ông đồ viết thành thạo, tốt, tất cả các dạng văn cổ biền ngẫu - cách tân; nắm vững luật và khẩu khí nửa nôm na, nửa bác học, đặc trưng chất Nghệ trong thi-phú-tế-điếu. Vốn là bạn tâm giao với nhà thơ Xuân Hoài lúc sinh thời, song thầy Đinh Chí không thiên về sáng tác, do vậy thơ ông không nhiều. Nhưng một khi đã cất lên tiếng lòng thì tình cảm trong thơ ông thật lắng sâu và xúc động. Bởi như Bạch Cư Dị, một đại thụ của Đường thi, từng nhận xét: "Rung động lòng người không có gì trước hơn tình cảm, không có gì sâu sắc hơn ý nghĩa, không có gì tha thiết hơn âm thanh. Thơ, tình là gốc, lời là ngọn, âm thanh là hoa, nghĩa là quả".
Mùa hè đỏ lửa năm 1972, trong số hàng ngàn thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ, trong số đó có nhiều học trò cưng của thầy Đinh Chí tạm xếp bút nghiên… Kẻ ở, người đi, xiết bao lưu luyến, bùi ngùi. Và, những vần thơ của thầy bật lên gần như ứng khẩu: "Con của ta còn thơ/ Chưa đủ tuổi lên đường cứu nước/ Học trò của ta, những đứa con sinh trước/ Rời lòng ta cất bước ra đi/ Trong những đêm dài Tổ quốc lâm nguy/ Con ngăn giặc cho ta yên giấc/ Nghề ta yêu, ta càng gắng sức/…Chân cứng đá mềm, các con mạnh bước/ Đạp đầu thù giành lấy những ngày mai". Bài thơ thấm đẫm tình yêu thương của một người thầy đối với học trò, nó vượt lên mọi khuôn sáo và neo lại được trong lòng những người trai ra trận. Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn hóa thân vào cỏ cây, sông núi quê hương. Những người trở về sau cuộc chiến đều cho rằng bài thơ của thầy Đinh Chí đã nâng bước chân họ trên mọi nẻo đường, giúp họ trở thành "Bộ đội Cụ Hồ".
Cả một đời gắn bó với nghề
Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, với tài năng và tâm đức của mình, nhà giáo Đinh Chí để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng nghiệp và các thế hệ học trò. Đến nay, nhiều người vẫn còn ghi nhớ, biết ơn thầy bởi những kỷ niệm về chuyên môn và cả những chuyện đời. Trong số những học trò được thầy Đinh Chí dạy dỗ, có nhiều người đỗ đạt cao; họ trở thành các nhà chính trị, ngoại giao, kinh tế và tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kính trọng tài năng và tâm đức của thầy, nhiều thế hệ học trò đã không ngần ngại tôn vinh thầy là bậc "Vạn thế hiền sư".
Trong quãng đời đi học, tôi không có cái may mắn như nhiều anh chị khác là được thọ giáo thầy Đinh Chí. Có điều tên tuổi của thầy luôn được lũ học trò chúng tôi ngưỡng mộ bởi khả năng đặc biệt về sự dạy dỗ với tấm lòng nhân ái bao dung, cùng vô khối những câu chuyện truyền tụng trong ngành giáo dục về thầy.
Sau hơn 40 năm nghe danh tiếng, mùa thu năm 2014, vợ chồng tôi mới vinh hạnh được diện kiến thầy. Hôm ấy vào dịp rằm tháng 7 âm lịch, dù đã bước qua ngưỡng bát thập, song thầy vẫn còn hết sức mẫn tiệp và có một trí nhớ tuyệt vời. Đặc biệt, có hai vị giáo sư ở Hà Nội, vốn là học trò cũ của thầy Đinh Chí, cả hai chọn đến thăm thầy trước rồi mới về thăm nhà. Cảm động nhất là việc thầy dẫn tôi ra dâng hương bái vọng ở đình làng Thượng Ích, thầy cắt nghĩa khúc chiết những bức hoành phi câu đối, đại tự ở đây. Trong làn khói hương bảng lảng của buổi sớm mai, nghe giọng thầy kính cẩn khấn trước thần hoàng làng: "Hôm nay, con có học trò yêu từ Sài Gòn ra…", mắt tôi chợt nhòa lệ, lòng rưng rưng vì cảm kích. Được thầy nhận làm học trò danh dự, với tôi đã là hạnh phúc lắm rồi.
Một đời làm nghề dạy học, đắm đuối sống chết với nghề, dù chưa hề được nhận bất cứ một tước hiệu vinh danh nào, song thầy Đinh Chí vẫn luôn ung dung tự tại. Thầy sống lạc quan và mở lòng với mọi người, ai nhờ việc gì thầy cũng sẵn lòng tận tình giúp đỡ, chỉ vẽ. Trong bữa cơm gia đình thân mật, trên gương mặt rạng ngời của thầy nở nụ cười nhẹ, nói rằng: Cứ nhìn thấy học trò là thầy lại muốn sống qua trăm tuổi!
Thầy giã biệt lúc 3 giờ 43 phút ngày 22-1-2023 (tức sáng mùng Một Tết Quý Mão), thọ 90 tuổi, để lại bao tiếc thương cho các thế hệ học trò.
Cần mẫn đóng góp cho đời
Mặc dù nghỉ hưu ở tuổi 56, hưởng chế độ hưu trí, song trí thầy vẫn không hưu nghỉ. Thầy vẫn miệt mài đọc sách, nghiên cứu, cần mẫn đóng góp cho đời. Với vốn Hán tự vững vàng, sâu rộng, thầy bỏ ra cả ngàn ngày, dồn tâm huyết hoàn thành công trình "Ngũ thiên tự" (5.000 chữ Hán) thành 1.000 câu thơ lục bát đúng niêm luật, kết cấu chặt chẽ. Điều này cực khó, bởi với thể lục bát, nếu không "cao tay ấn" thì rất dễ bị ép vần, trở thành vè rất ngô nghê.
Công trình văn hóa đồ sộ này đã được Nhà Xuất bản Nghệ An ấn hành với số lượng 4.000 bản, mừng thượng thọ 80 của thầy. Làm bạn với chiếc radio, thầy chăm chú theo dõi các chương trình phát thanh ngoại văn, kết hợp sưu tầm báo chí nước ngoài, dịch thuật tổng hợp các nguồn tin gửi cho Bộ Công an.
Đây là tài liệu quý hiếm, giúp cơ quan chuyên trách nắm rõ âm mưu thâm độc và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Năm 2012, ông Tô Lâm, lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Công an, đã ký tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc" cho nhà giáo Đinh Chí.