Cuộc thi viết về chủ quyền quốc gia: Kiên cường nơi tuyến đầu
Những bước chân lặng lẽ trong đêm, tay ghì chặt súng và trong mắt là cả bầu trời sao. Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La vẫn âm thầm hy sinh giữa thời bình để bảo vệ sự bình yên nơi biên giới
Khu vực biên giới Sơn La từ lâu được xác định là địa bàn trọng điểm về tội phạm ma túy của cả nước. Trước những cơn sóng ngầm rình rập, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La vẫn ngày đêm kiên cường nơi tuyến đầu, quyết ngăn "cái chết trắng" từ bên kia biên giới vì một địa bàn biên giới bình yên, ổn định, phát triển.
Những hy sinh thầm lặng
Ngày 31-7-2010, chuyên án 114L của BĐBP tỉnh Sơn La đã kịp thời ngăn chặn nhóm đối tượng vận chuyển ma túy có vũ trang từ Lào qua biên giới tại bản Đin Chí, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, chặt đứt một mắt xích quan trọng trong đường dây buôn bán, vận chuyển chất gây nghiện trên "cung đường ma túy" ở vùng biên giới Tây Bắc. Thế nhưng, 9 viên đạn điên cuồng chống trả của tội phạm găm trọn vào người đại úy Lù Công Thắng, Trợ lý trinh sát Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP tỉnh Sơn La). Anh hy sinh trong vòng tay đồng đội, để lại vợ hiền và con trai mới tròn 6 tuổi.
Ngồi xếp lại những tấm ảnh chụp hiện trường nơi chồng mình hy sinh, chị Tòng Thị Khong nghẹn ngào nhớ lại ngày định mệnh của 13 năm về trước: "Tôi nghe tin báo mà không tin đó là chồng mình, chạy vội đến đơn vị của chồng, cảm giác như trời sập xuống, không có nỗi đau nào sánh được. Con thì còn nhỏ, thấy mẹ khóc thì con cũng khóc theo". Tôi lặng đi trước nỗi đau của người phụ nữ mới ngoài 40 tuổi. Lấy chồng được 8 năm thì thời gian ở bên chồng chỉ tầm khoảng 1 năm, rồi sau đó là góa bụa cả một đời.
Khu vực biên giới Sơn La là điểm nóng về trung chuyển ma túy. Từ đây, ma túy từ khu vực "tam giác vàng" đi qua các tỉnh Trung Lào, Bắc Lào đến Hủa Phăn, Luông Pha Băng, thẩm lậu vào Việt Nam rồi vận chuyển vào sâu trong nội địa, đi các tỉnh, thành phố trong nước hoặc đi nước thứ ba. Một phần ma túy sẽ được chia nhỏ để phục vụ các con nghiện ở khu vực biên giới. Những người nghèo, người cả tin, nghiện ma túy ở các bản vùng biên này thường bị các đối tượng lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, thậm chí là khống chế để tham gia tiếp tay cho hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép ma túy. Đây cũng là nơi đã từng xảy ra nhiều trận đấu súng giữa tội phạm ma túy có vũ trang với các lực lượng chức năng. "Chúng tôi cũng đã hết sức cố gắng để bảo đảm an toàn trong quá trình triển khai đánh bắt tội phạm nhưng do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như về sự chống trả quyết liệt của tội phạm ma túy nên cũng có những hy sinh mất mát" - đại tá Vũ Đức Tú, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Sơn La, chia sẻ.
Bên cạnh sự manh động, hung hãn của tội phạm ma túy, địa hình đồi núi hiểm trở, nhiều đường mòn lối mở qua lại hai bên biên giới cũng gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Vừa lau mồ hôi sau khi luyện tập tình huống đánh bắt giả định, thiếu tá Mè Thanh Tùng, Phó đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn (đóng tại xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu), vừa nói: "Thủ đoạn và phương thức hoạt động của chúng vô cùng tinh vi, xảo quyệt, mình mà không huấn luyện nghiêm túc, không thuần thục các phương án chiến đấu thì khi vào thực tế không những để lọt tội phạm mà còn phải trả giá bằng chính sinh mạng của đồng đội".
Là những người trực tiếp tham gia đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy nơi biên giới, các anh thực sự thấu được nỗi mất mát, hy sinh giữa thời bình, thực sự hiểu được chủ quyền quốc gia không chỉ là đường biên, mốc giới mà còn là sự bình yên của nhân dân khu vực biên giới.
Vì biên giới bình yên
Nếu chúng ta đã từng nghe nói tới đỉnh núi Pha Luông mơ màng mây trắng, là "nóc nhà" của Mộc Châu với độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển thì khi theo chân đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Chiềng Sơn đến thăm nhà anh Sùng A Chống ở bản Pha Luông, mới thấy hết nỗi vất vả của bộ đội và thương cho hoàn cảnh của đồng bào dân tộc nơi đây.
Hơn một năm trước, A Chống nghe theo lời rủ rê của kẻ xấu thử dùng ma túy rồi suốt ngày chìm đắm trong khói thuốc. Gia cảnh vốn đã bần hàn lại càng trở nên túng quẫn, vợ con đói khổ, nheo nhóc. Nắm được tình hình, BĐBP cùng chính quyền địa phương đã tích cực vận động A Chống đi cai nghiện để làm lại cuộc đời. Hôm nay, ngồi bên bếp lửa cùng bộ đội tách những hạt ngô vàng óng mới bẻ trên nương về, A Chống vẫn chưa hết bàng hoàng vì những ngày tháng vật vã trong trung tâm cai nghiện.
Gọi biên giới Sơn La là điểm nóng về trung chuyển ma túy cũng bởi vì những kẻ buôn bán ma túy thường nhằm vào nhận thức còn hạn chế của bà con dân tộc thiểu số ở vùng biên, để mua chuộc họ trở thành người vận chuyển và tàng trữ ma túy. Dần dần, một số người nhờ vận chuyển trót lọt mà có tiền, lại trở thành người buôn bán, tàng trữ ma túy ngay trong nhà mình hoặc u mê theo làn khói của nàng tiên nâu, lâm vào cảnh nghiện ngập. Trường hợp của anh Sùng A Chống cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Với quyết tâm nhằm giảm thiểu tệ nạn và tội phạm ma túy ở biên giới, ngoài các chiến dịch truy quét tội phạm, BĐBP tỉnh Sơn La đã tham mưu cho chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền cho người dân về tác hại của ma túy, về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với đặc thù địa bàn đóng quân.
Đến thăm Đồn Biên phòng Chiềng On (xã Chiềng On, huyện Yên Châu), tôi thấy thượng úy Vàng A Nu, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, đang cẩn thận, tỉ mẩn thu âm những văn bản mới về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bản thu âm này sẽ được các anh phát qua loa di động, theo các anh đi xe máy vào tận từng ngõ xóm để mang đến cho bà con những thông tin chính thống. Thượng úy Nu cho biết ngoài mô hình "tiếng loa biên phòng", bộ đội còn tiến hành tuyên truyền đặc biệt, đến từng nhà, đến tận nương rẫy của bà con để tuyên truyền.
Mưa dầm thấm lâu, tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn biên giới dần đi vào ổn định. Nhớ lại khoảng chừng chục năm trước, ông Sùng A Tủa, trưởng bản Pha Luông, kể: "Anh em đi thì có cả súng AK, mỗi người một khẩu súng, mỗi người một ba lô. Đi mà không cẩn thận là nó bắn. Cái khu vực đường nhà tôi đông lắm. Tối nào chúng nó cũng đi hàng đoàn khoảng 20 đến 25 người"... Khi tôi còn đang tròn xoe mắt kinh hãi thì ông Tủa cất giọng cười: "Đó là trước đây thôi, giờ bộ đội đi tuần tra liên tục, chúng nó không dám ngang nhiên như thế nữa. Mà bà con cũng không tiếp tay cho chúng nó nữa, thấy kẻ lạ mặt là báo cho bộ đội ngay".
Tiếng cười của ông Tủa vang cả một khoảng rừng. Phía xa, mặt trời đỏ lựng lùi về núi, ráng chiều hoang hoải kéo màn đêm dần tối. Bộ đội biên phòng ở các đồn vội vã ăn cơm chiều để còn thực hiện nhiệm vụ tuần tra.
Những bước chân lặng lẽ trong đêm, tay ghì chặt súng và trong mắt là cả bầu trời sao. Lực lượng BĐBP của tỉnh Sơn La vẫn âm thầm hy sinh giữa thời bình để bảo vệ sự bình yên nơi biên giới. Dù rằng cuộc chiến với ma túy còn tiềm ẩn nhiều phức tạp và hiểm nguy luôn rình rập, nhưng bằng trách nhiệm với sắc xanh quân hàm, bằng tình yêu với vùng đất biên cương, mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng đều nguyện làm điểm tựa vững chắc cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Xã Chiềng Sơn có đường biên giới dài, là đường trung chuyển ma túy của các đối tượng từ bên kia biên giới về Việt Nam. Ông Dương Anh Tuấn - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn - cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đẩy lùi tệ nạn ma túy, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân biên giới".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kien-cuong-noi-tuyen-dau-196240127184213515.htm